Multimedia

Emagazine

E-magazine Cơ hội phát triển cây dược liệu



Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin đến đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc về tiềm năng, lợi thế cũng như công tác bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Gia Lai có tài nguyên rừng phong phú và đa dạng sinh học về động-thực vật, có 537 loài dược liệu quý hiếm thuộc 135 họ có giá trị sử dụng rộng rãi, tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm chủ lực, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, phải kể đến 21 loài cây dược liệu là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, đương quy, mật nhân, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến…



Bên cạnh đó, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp với gần 4.000 ha gồm các loại: mật nhân, đinh lăng, nghệ, gừng, lan kim tuyến, sa nhân, sâm bố chính, sâm đương quy, đẳng sâm, cà gai leo, đan sâm, hà thủ ô…

Hầu hết các loại dược liệu này được trồng với quy mô lớn, kỹ thuật bài bản. Có thể kể đến như mô hình trồng sâm bố chính của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) cho năng suất 6 tấn tươi/ha, lợi nhuận khoảng 335 triệu đồng/ha; mô hình trồng xen cà gai leo trong vườn cà phê tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cho năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha… Đặc biệt, tỉnh cũng đã hình thành 3 cơ sở chế biến dược liệu của Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) và Nhà máy dược liệu tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh.

Các dự án đầu tư phát triển cây dược liệu trong thời gian qua được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện có 4 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) đối với 9 dự án trồng, nhân giống và phát triển cây dược liệu có ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 8.450 ha, tổng vốn đầu tư 4.197 tỷ đồng.



Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có. Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 2 huyện Kbang và Đak Đoa triển khai việc khoanh vùng để bảo vệ, phát triển bền vững các loại cây dược liệu gồm: mật nhân, sâm cau, sâm đá… Sự có mặt của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở mảng dược liệu thực sự là một “cú hích” lớn cho ngành dược liệu Gia Lai vươn tầm.

Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Theo kế hoạch đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cây dược liệu đạt 5.000-10.000 ha, trong đó, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến mỗi loại 300-500 ha; thất diệp nhất chi hoa 200-300 ha, đinh lăng 500-1.500 ha… Tỉnh đặt mục tiêu hình thành ít nhất 4 cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống dược liệu để đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng. Đồng thời, tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh sẽ hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế và lợi thế; tập trung bảo tồn 21 loài dược liệu quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; hướng đến xây dựng Trung tâm Bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên…



Ấn tượng với tiềm năng phát triển cây dược liệu của Gia Lai, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ mong muốn được tỉnh tạo điều kiện nhiều hơn trong việc tìm hiểu, khảo sát nhu cầu, tình hình thực tế để có thêm những định hướng đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai.




Trong chuyến khảo sát, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến các loài dược liệu của tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng tìm kiếm môi trường phù hợp để trồng sâm Hàn Quốc. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng và xuất khẩu sâm Hàn Quốc, ông Namgung Yoon-soo-Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nhân sâm Jeonbuk-chia sẻ: “Cây sâm Hàn Quốc thích hợp với vùng có thời tiết từ 20 đến 25 độ C, lượng mưa trung bình 1.100-1.300 mm/năm, độ pH của đất 5-6, chất đất pha cát sỏi. Cây sâm nếu được trồng bên sườn hướng về phía Bắc thì sẽ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, sau khi trồng, việc quản lý phải được thực hiện thật tốt. Dịp này, chúng tôi rất muốn được tìm hiểu, khảo sát trực tiếp các vùng có điều kiện tương ứng ở Gia Lai để trồng thử nghiệm, hướng tới việc phát triển loài sâm này tại đây”.



Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nhân sâm Jeonbuk cũng chia sẻ thêm một số công nghệ trồng nhân sâm khí canh, thủy canh mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang triển khai thực hiện có hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-thông tin: Gia Lai đang rất quan tâm đến việc trồng và chế biến một số loại dược liệu như: đinh lăng, đẳng sâm. Đối với công nghệ trồng sâm khí canh, Sở Khoa học và Công nghệ đang hợp tác với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình trồng sâm non (sâm Hàn Quốc và hồng đẳng sâm) bằng phương pháp khí canh tại Gia Lai”. Hiện mô hình này đang được trồng thí nghiệm, hy vọng sẽ có kết quả khả quan trong thời gian tới.


Giáo sư Oh Sang Sik, Chủ tịch Mạng lưới Nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam, Trưởng đoàn công tác giới thiệu sơ lược về cây sâm Hàn Quốc.


Trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc về điều kiện trồng sâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Một số vùng phía Đông Bắc tỉnh có điều kiện thời tiết, lượng mưa phù hợp để trồng cây sâm Hàn Quốc. Đặc biệt, đây cũng là vùng nằm trong quy hoạch trồng và phát triển cây sâm của tỉnh.

Trên cơ sở đó, tại buổi tham quan và làm việc với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, qua khảo sát chất đất, điều kiện tự nhiên, đoàn doanh nghiệp đã quyết định trồng thử nghiệm gần 500 cây sâm Hàn Quốc từ 1 đến 3 năm tuổi trong khu vực Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật trên diện tích khoảng 120 m2. Các chuyên gia đã hướng dẫn cách làm luống, kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây sâm cho cán bộ và nhân viên của Vườn.



Có thể bạn quan tâm