Multimedia

Emagazine

E-magazine Tạo đột phá xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo thông tin từ Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 474 triệu USD (đạt 63,2% kế hoạch, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, mặt hàng cà phê chiếm tỷ trọng hơn 89%, với sản lượng xuất khẩu đạt 135.714 tấn, tương ứng giá trị 424 triệu USD (tăng 15% về lượng, tăng 61% về trị giá).

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho biết: “Xuất khẩu cà phê Robusta Việt Nam đang đứng số 1 thế giới. Dưới tác động của lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới có xu hướng dịch chuyển từ cà phê Arabica sang cà phê Robusta.

Cũng theo ông Hiệp: Niên vụ 2022-2023, Vĩnh Hiệp xuất khẩu 160.000 tấn cà phê, tương ứng kim ngạch 350 triệu USD. Hiện giá cà phê xuất khẩu đang ở mức cao chưa từng có và dự báo tích cực về ngành hàng cà phê nên Vĩnh Hiệp đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu USD trong niên vụ 2023-2024.

Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, có lợi thế về quỹ đất sản xuất nông nghiệp gần 850.000 ha cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cây ăn quả, hồ tiêu, cao su… Đây là cơ sở để xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất với sự tham gia liên kết theo chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị lớn phục vụ cho xuất khẩu. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong hơn 105.000 ha cà phê trên toàn tỉnh, khoảng 46.000 ha được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Rainforest, Organic… Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Gia Lai phấn đấu có khoảng 80% diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn để đảm bảo nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, cà phê và trái cây đang là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm 2023, xuất khẩu cà phê mang về kim ngạch 490 triệu USD; xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây mang về kim ngạch 150 triệu USD.

Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-nhận định: “Giá hồ tiêu đang phục hồi trở lại mang đến nhiều hy vọng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện giá tiêu đen nội địa đang ở mức 97.000 đồng/kg (tăng hơn 40% so với niên vụ trước); giá xuất khẩu đang dao động ở mức 4.100-4.200 USD/tấn. Trong ngắn hạn, giá hồ tiêu có thể giảm nhẹ do phía Campuchia đã thu hoạch xong nên sẽ có một lượng hàng được bán về Việt Nam. So sánh trên bình diện chung các mặt hàng nông sản như cà phê, sầu riêng thì hồ tiêu vẫn đang bị “lép vế”.

Cũng theo ông Bính, qua đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, niên vụ 2023-2024, thời tiết bất lợi đã làm ảnh hưởng đến năng suất hồ tiêu. Qua khảo sát, ước tính tổng sản lượng hồ tiêu trên cả nước giảm khoảng 10-15%. Giá hồ tiêu có thể sẽ tăng lên do nguồn cung thiếu hụt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nhưng sản lượng chưa nhiều. Hồ tiêu chủ yếu xuất bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến lớn ở Bình Dương, Đồng Nai để xuất khẩu.

Nhận định về cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đều chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra nguồn hàng chất lượng đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số này, có 4 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022 gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch đạt 298,95 triệu USD); Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch đạt 152,57 triệu USD); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-Gia Lai (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch đạt 80,68 triệu USD); Công ty cổ phần Chè Biển Hồ (ngành hàng xuất khẩu là chè xanh với kim ngạch đạt 1,92 triệu USD).

Việc đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” sẽ giúp các doanh nghiệp tạo uy tín với đối tác nước ngoài, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Có thể bạn quan tâm