Multimedia

Emagazine

E-magazine Mùa ươi bay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những ngày này, ở xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông), trời nóng như lò bễ của thợ rèn. Gió phả từng luồng nóng rát da. Cây cối héo quắt vì nắng. Trong ngôi nhà tạm bợ dựng dưới mấy gốc thông già trên đỉnh một ngọn núi trong tiểu khu 987 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, 5 người đàn ông túm tụm ngồi tránh nắng chờ cơm trưa. Phía mé nhà, nồi cơm sôi sùng sục trên bếp lửa. Uống ừng ực từng ngụm nước mát trong chai vừa được mang dưới núi lên, ông Bàn Văn Cường (trú tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông) cho biết: Nhóm có 5 người là đại diện cho 5 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Nửa tháng trước, 5 anh em mang theo gạo, mắm muối lên đây gác rừng. Ngoài gác rừng phòng cháy còn bảo vệ mấy cây ươi đang thời kỳ ra quả.

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” một vài cây ươi, ông Cường chia sẻ thêm: Hàng năm, ươi vẫn ra quả nhưng cây có cây không. Còn ở đây thường theo chu kỳ 4 năm 1 lần, cây sẽ rộ quả. Mỗi khi cây ươi đồng loạt ra quả thì kiểu gì cũng hạn nặng. Có những cây cho 2-3 tạ quả. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ với các gia đình trong mùa này.

Ở một khoảnh rừng khác trên dãy núi Chư Prông, cũng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur được giao quản lý, anh Siu Vân cùng nhóm bạn ở làng Krông (xã Ia Mơ) tuần tra rừng nhận khoán và thu hoạch hạt ươi bay. “Ngày trước, người già thường vào rừng nhặt hạt ươi về dùng. Mùa nắng nóng mà uống ly nước ngâm hạt ươi sẽ thấy mát họng và khỏe ra nhiều lắm. Nên hồi ấy, nhà nào cũng trữ cả bao trong nhà để ngâm uống cho đến hết mùa khô. Bây giờ thì ngoài lượm hạt ươi về làm thức uống cho gia đình, chúng tôi còn đem bán để có tiền mua thực phẩm. Mấy nay, chúng tôi băng rừng tìm hạt ươi và hái quả chôm chôm. Do mới đầu mùa nên cũng chưa thu được bao nhiêu, chắc phải hết tuần này thì ươi mới chín rộ”-anh Vân bộc bạch.

Ở khu vực rừng giáp ranh giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh), cây ươi cũng đang thời kỳ ra quả. Chiếc xe máy độ chế của dân chuyên đi rừng chở chúng tôi băng qua con đường bé tin hin giữa những ngọn núi, dốc đứng và lởm chởm đá để vào khu vực rừng sâu. Trên những con đường nhánh dẫn vào sâu trong rừng, không khó để nhìn thấy những bãi đất được phát dọn sạch sẽ, chi chít dấu xe máy và chân người. Thi thoảng, có vài chiếc xe chạy ngược chiều từ hướng trong rừng ra xã Ia Bă (huyện Ia Grai), chở thêm chiếc ba lô đựng đầy hạt ươi. Trò chuyện cùng chúng tôi ở ngay con dốc giữa rừng, một người đi nhặt hạt ươi cho biết: Chừng 3 tuần nay, ở khu vực rừng này, người dân các xã Ia Bă, Ia Grăng, Ia Tô (huyện Ia Grai), Ia Kreng (huyện Chư Păh) và cả dân Kon Tum đổ xô vào tìm hạt ươi. Cứ từng tốp người kéo nhau đi. Đa phần họ mang theo thực phẩm vào rừng dựng lán tạm ở nhiều ngày để tìm ươi. Nhiều người trúng vài tạ ươi, thu về mấy chục triệu đồng rồi. Vì người đi đông nên họ tranh giành, không để cho ươi chín rồi bay xuống mới lượm mà xanh hay chín đều nhặt. Thế nên giá thu mua cũng đủ loại. Ví như xanh non thì 100 ngàn đồng/kg, còn ươi bay thì 600 ngàn đồng/kg.

Theo Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai Nguyễn Trường Hải và Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly Phạm Thành Phước: Trên khu vực rừng giáp ranh giữa 2 đơn vị có rất nhiều cây ươi. Từ giữa tháng 2 vừa qua, người dân ở một vài địa phương trong tỉnh đã vào rừng thu hạt ươi. Cả 2 đơn vị đã cử lực lượng triển khai hoạt động tuyên truyền, chốt chặn để hạn chế số lượng người lên núi nhằm tránh việc tận thu hạt ươi rồi xâm hại rừng.

Để được hưởng “lộc trời” lâu dài, cư dân sinh sống ở một số vùng trong tỉnh không quản ngày đêm bảo vệ an toàn cho những cây ươi. Anh Rmah Xuân (trú tại làng Krông, xã Ia Mơ) tâm sự: “Người Jrai mình chỉ chờ hạt ươi bay xuống rồi mới nhặt chứ không trèo lên chặt cành hay cưa gốc. Cây ươi rất thẳng, ít cành và nhánh nên rất khó trèo, sơ sẩy là thành ma rừng ngay. Nếu chặt gốc thì những năm sau không còn quả để nhặt. Bà con cũng không bao giờ tranh giành. Ví như nhìn thấy một cây ươi đã có người làm dấu là chúng tôi không bao giờ nhặt hạt ở đó. Còn mấy năm nay, người dân khắp nơi đổ về thu hái, nhốn nháo lắm. Do đó, tổ nhận khoán rừng của làng phải thường xuyên đi tuần tra, cắt cử nhau ở lại canh gác để tránh hành vi xâm hại đến cây ươi. Mấy bữa này mà không canh gác, họ hạ mấy cây ươi rồi. Chúng tôi ngủ lại trên núi, ăn uống kham khổ nhưng gắng để bảo vệ cây cối và cũng để có thêm thu nhập cho gia đình”.

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng như vậy. Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ lội rừng ở khu vực giáp ranh giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, chúng tôi tận thấy hàng chục cây ươi gục ngã dưới lưỡi cưa của kẻ xấu. Có những cây đường kính gốc 2 người ôm mới xuể, cao 30-40 m. Lại có những cây chỉ mới bằng đùi người cũng bị cưa đứt ngang gốc. Nhiều cây mới bị đốn hạ quả ươi còn xanh nguyên.

Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai xác nhận trong khu vực rừng giáp ranh với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly có 3 cây ươi bị cưa hạ trái phép. Còn Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly thì cho biết: Qua kiểm tra, tại tiểu khu 244 thuộc lâm phần đơn vị quản lý, khu vực giáp ranh với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai có một số cây ươi bị cưa hạ trái phép. “Người đi thu ươi không dám trèo lên hái quả bởi sợ bất cẩn rơi xuống đất tử vong nên đã cưa hạ cây. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhưng dân các làng lân cận rừng đông quá, chưa kể trên Kon Tum cũng xuống thu hái, không thể thực hiện hết được. Ngoài ra, lâm phần quản lý rộng, nhiều đường nhánh lên rừng gây khó cho việc ngăn chặn từ ban đầu. Chúng tôi cũng kiến nghị ngành chức năng cần có hình thức xử lý đối với những cơ sở, doanh nghiệp thu mua hạt ươi xanh, non. Nếu các chủ cơ sở mua hạt ươi không thu mua hạt non thì người dân sẽ chờ lúc ươi bay xuống mới nhặt”-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phân trần.

Có thể bạn quan tâm