Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Bên dòng Krông Năng


Khung cảnh ấy gợi lên cảm xúc yên bình. Chẳng thế mà biết bao thế hệ người Jrai sống ngàn đời ở vùng đất hợp lưu của 2 dòng sông Ba và sông Krông Năng này, hễ đi xa trở về thấy bóng dáng dòng sông là như thấy dáng hình đất mẹ. Buôn Ji-điểm cuối cùng của xã Krông Năng đón chúng tôi với hình ảnh cổng chào in vào trời xanh như một dấu mộc. Bên kia là vùng đất Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Còn bên này, phong vị của người Jrai vẫn in đậm trong dấu ấn văn hóa, trong sự đổi thay kỳ diệu của cuộc sống.



Ông Nay Jut-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Krông Năng đang chăm chú đọc bản tin trên báo. Chỉ với 1 chiếc máy tính và micro, hàng ngày, ông đều cập nhật tin tức đến với bà con trong xã. Ông cho biết, nhờ cuộc cách mạng 4.0 mà thông tin đã đến được với người dân nhanh chóng, hiệu quả qua hệ thống truyền thanh-truyền hình, mạng xã hội.

Ông Jut kể: Năm 1999, ông về làm kế toán xã Krông Năng. Mỗi lần phát lương cho cán bộ, công chức, ông cùng với thủ quỹ và Chủ tịch UBND xã mang theo con dấu ra ngoài huyện để “lĩnh tiền”. Đường từ xã tới trung tâm huyện chừng 25 km toàn đường đất, lại phải qua sông Krông Năng và sông Ba. “Hồi đó, mọi người vẫn phải đi đò do chưa có cầu qua sông. Lúc đi thì không sao, lúc về cứ lo nơm nớp giữ tiền. Vào mùa mưa thì càng nhiều nỗi lo. Nước sông lên cao, người và xe chòng chành trên thuyền, qua được bờ mới thở phào. Mình chỉ sợ tiền rơi hoặc bị ngấm nước mưa. Hồi đó dùng tiền giấy nên “sợ” nước lắm. Gia đình mình có người em rể cũng là kế toán Trường Tiểu học xã Krông Năng (nay là Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo). Một lần nó lên huyện lĩnh tiền về phát cho giáo viên, bất cẩn làm rơi mất 50 triệu đồng. Số tiền ấy cách đây 20 năm là lớn lắm. Ông già mình phải bán đi nửa đàn bò mới đủ tiền “đền” cho trường”-ông Jut nhắc nhớ.



Ở vị trí công tác mới, ông Jut chứng kiến bao sự đổi thay mang tính lịch sử trong đời sống của người Jrai. Trước đây, bà con Jrai sống rải rác hai bên bờ sông Krông Năng nên cần tuyên truyền gì đều rất khó khăn. Vì vậy mới có những câu chuyện buồn. Nhiều người là nạn nhân của tập tục lạc hậu, nhưng đến khi cán bộ xã biết thông tin thì đã muộn. Đó là câu chuyện vợ chồng cựu chiến binh Ksor Djoang phải chôn sống đứa con đầu lòng chỉ vì đứa bé sinh ra đã khuyết tật, không có tay chân. Bản thân ông Jut cũng là nạn nhân của những hủ tục khi món nợ cưới 20 năm trước tới giờ chưa trả hết.


Món nợ cưới ấy được quy đổi thành 8 que tre (mỗi que tre tương ứng 1 con bò). 8 que tre được ông treo trên vách nhà sàn như là sự nhắc nhớ về tập tục lạc hậu một thời. Ông phấn khởi cho biết: “Những hủ tục như thách cưới hàng chục con bò, 2 người khác họ lấy nhau bị phạt vạ trâu to và phải ăn cơm trong máng heo, tục chôn trẻ sơ sinh nếu chẳng may bị khuyết tật, tục nối dây, lấy nhau cùng huyết thống… đã hoàn toàn được đẩy lùi”.

Gia đình ông Jut cũng là chứng nhân cho bao sự đổi thay trên vùng đất hợp lưu giữa 2 con sông này. Cha ông là ông Ksor Drang từng tham gia hoạt động du kích từ năm 1960 tại huyện H1 (nay là huyện M’Đrắc, tỉnh Đắk Lắk). Ông Jut cho biết: “Cha mình là già làng uy tín của buôn Ji, có thời điểm nuôi đàn bò trên trăm con và là gia đình văn hóa tiêu biểu của xã suốt nhiều năm. Ông vốn là Bộ đội Cụ Hồ nên tư tưởng tiến bộ lắm. Ông luôn đi đầu vận động bà con xóa bỏ hủ tục và đề cao chuyện học hành, cả 7 người con đều được nuôi ăn học và có những đóng góp khác nhau cho quê hương. Mình còn có em trai hiện là Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng, 1 đứa làm nhân viên thư viện Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo, đứa làm Trạm trưởng Trạm Y tế ở huyện Sông Hinh”.



Dẫn chúng tôi băng qua những rẫy mì vừa thu hoạch chỉ còn lại mặt đất pha cát bỏng rát dưới nắng, ông Jut hồ hởi khoe:



Rẫy mì của gia đình già làng Ksor Bliếp (SN 1960) là một trong những đám cuối cùng đang được các hộ đổi công tập trung thu hoạch. Ông Bliếp là già làng lâu năm nhất của buôn Ji, đồng thời cũng là tấm gương làm kinh tế giỏi suốt nhiều năm. Ngoài 6 ha mì, gia đình ông có 9 sào lúa nước 2 vụ, 3 ha đất rào lại để chăn thả đàn bò gần 30 con và 1 đàn heo đen hàng chục con. Là cựu chiến binh, già làng Bliếp vẫn giữ sự điềm đạm, chuẩn mực trong cách ăn nói. Ông cho biết: Năm 1985, ông vừa lập gia đình thì nhập ngũ, đóng quân ở huyện biên giới Đức Cơ. 2 năm sau, ông xuất ngũ trở về buôn Ji sống trong ngôi nhà dài nhiều thế hệ. Bố vợ ông khi đó là già làng rất có uy tín.

Người Jrai quan niệm, nhà của già làng phải có hướng đón được ánh bình minh buổi sáng. Ở “hướng thiêng” đó, họ đón được nguồn năng lượng của thần mặt trời, giúp dân làng vượt qua những điều tăm tối. Ông Bliếp cho rằng, có lẽ được sống trong ngôi nhà dài có hướng đón bình minh sớm nhất nên khi được trao truyền vị trí già làng từ cha vợ, ông luôn được ánh sáng của thần mặt trời dẫn dắt. Nhưng quan trọng hơn, chính sự mẫu mực từ lối sống đến chuyện làm kinh tế, nuôi dạy con cái của già làng mới là yếu tố giúp ông nhận được lòng tin của dân làng.

Già làng Bliếp có 4 người con, đều học hết lớp 12. Hiện 3 người đã lập gia đình, cô con gái út đang học năm thứ 4 Trường Đại học Quy Nhơn.

Trong căn nhà dài 3 thế hệ chung sống hòa thuận của gia đình già làng Bliếp còn lưu giữ những giá trị đặc trưng của vùng văn hóa Jrai. Bộ chiêng cổ, những chiếc ghè quý được chủ nhân cất riêng trong một căn phòng giữa ngôi nhà dài. Trên vách nhà sàn là những giấy khen, bằng khen, bằng công nhận các danh hiệu. Noi gương cha, các con ông đều rất gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của buôn từ làm kinh tế đến tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Minh chứng bằng những hàng giấy khen trên vách nhà.

Ông Jut dành sự khâm phục khi nói về gia đình già làng của buôn Ji: “Ông Bliếp không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn dẫn dắt bà con trong buôn chăn nuôi bò, heo đen, trồng lúa nước 2 vụ. Ông luôn nhắc nhở, vận động bà con phải cố gắng cho con cái đi học, không được để ai mù chữ. Ông làm già làng đã nhiều năm và luôn được người dân tín nhiệm bầu làm tiếp, dù tuổi đã cao. Gia đình ông liên tục đạt danh hiệu văn hóa từ năm 2014 đến năm 2023. Riêng năm 2023 đạt gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu của xã”. Còn ông Ksor Luyết-một người dân buôn Ji thì cho biết: “Già làng Bliếp làm kinh tế rất giỏi nên mình và mọi người trong buôn luôn học hỏi ông. Nhờ vậy, nhiều hộ phát triển kinh tế rất khá. Mọi người đều rất yêu quý và noi gương ông”.



Ông Nay Trinh-Chủ tịch UBND xã Krông Năng-thông tin: “Buôn Ji được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 buôn Ji A và Ji B (năm 2019). So với các buôn khác, người dân buôn Ji phát triển kinh tế khá đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cũng thấp nhất so với các buôn khác. Hiện buôn có 173 hộ với 813 khẩu, trong đó có 22 hộ nghèo (chiếm 16%). Năm 2023, buôn có 138 hộ đạt gia đình văn hóa. Với nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, buôn Ji là một điểm sáng của xã”.


Có thể bạn quan tâm