Multimedia

Emagazine

E-magazine Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Pleiku được biết đến là vùng đất định cư lâu đời của cộng đồng dân tộc Jrai. Song hành với lịch sử hình thành và phát triển của Phố núi, người Jrai đã tạo dựng nên một nền văn hóa dân gian giàu bản sắc cùng đa dạng các di sản gắn liền với đời sống tâm linh và sinh hoạt thường ngày. Ngoài cồng chiêng, đến nay, cư dân Pleiku bản địa vẫn còn lưu giữ các nghề thủ công truyền thống như: tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc… như một phần máu thịt của mình.

Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là từ khi TP. Pleiku đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, những người con Jrai ở Phố núi lại tiếp tục có bước “chuyển mình” để thích nghi với sự thay đổi ấy. Bên cạnh việc tiếp cận với mô hình du lịch cộng đồng, họ còn từng bước tạo ra những sản phẩm quà tặng đầy sáng tạo để phục vụ phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, dưới sự hỗ trợ của chính quyền và một số tổ chức, cá nhân.

Bà Pel (làng Phung, xã Biển Hồ) là một trong số đó. Gần 40 năm qua, kể từ khi biết dệt thổ cẩm, chưa bao giờ nữ nghệ nhân này rời xa khung cửi cùng những sợi chỉ màu. Bởi lẽ với bà, đó không chỉ là mạch sống của bản thân mà còn là hồn cốt của dân tộc. Với sự khéo léo, sáng tạo cùng đức tính chăm chỉ, năm 20 tuổi, bà Pel đã là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất làng. Đến nay, bà thành thạo gần như tất thảy 89 mẫu hoa văn thổ cẩm Jrai, trong đó có nhiều mẫu rất khó dệt.

Tháng 7-2022, khi Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung được thành lập gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bà Pel được bầu làm chủ nhiệm. Kể từ đây, sản phẩm thổ cẩm của 23 thành viên không còn đơn thuần là những tấm vải địu con hay trang phục truyền thống nữa mà được bà Pel biến tấu thành nhiều vật phẩm khác nhau như: túi xách, móc khóa, ví, khăn quàng cổ, hộp bút… với đa dạng mẫu mã, hoa văn và kích cỡ; được khách du lịch trong và ngoài tỉnh, kể cả khách nước ngoài ưa chuộng. Giá bán mỗi sản phẩm quà lưu niệm này dao động từ 20 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng.

Cũng chung niềm đau đáu với văn hóa truyền thống, khi 15 tuổi, chàng trai Siu Thưm (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) đã lặn lội đi “tầm sư” học nghề chế tác nhạc cụ dân tộc. Niềm đam mê cộng với sự sáng dạ đã giúp Thưm nhanh chóng thạo nghề. Đến nay, đôi tay tài hoa của anh đã “thổi hồn” cho hàng trăm cây tre, thân nứa hay quả bầu khô vô tri thành những chiếc đàn t’rưng, k’ni, goong và chuông gió có thanh âm độc đáo.

Nghe Thưm chơi đàn từ những nhạc cụ do chính anh chế tác, dân làng không khỏi trầm trồ, tán thưởng; còn du khách thì cảm thấy như được chữa lành tâm hồn khi về với núi rừng, buôn làng sau những tháng ngày quay cuồng với bộn bề cuộc sống. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã tìm đến nhà xem anh chế tác và đặt mua nhạc cụ. Anh cũng mang sản phẩm của mình quảng bá, giới thiệu tại các ngày hội, sự kiện văn hóa-du lịch để nhạc cụ dân tộc Jrai được nhiều người biết đến hơn.

Từng đặt chân đến nhiều vùng miền trên cả nước, song ông Phạm Ánh Dương (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất Gia Lai với khí hậu ôn hòa, giàu bản sắc văn hóa. Vì vậy, tháng 4 này, ông cùng một số đồng nghiệp quyết định trở lại Pleiku để tham quan, du lịch. Ngắm những món quà lưu niệm được bày bán tại Cửa hàng OCOP Gia Lai trước Khu du lịch Biển Hồ, ông Dương cho biết: “Là người yêu văn hóa dân gian nên tôi đặc biệt ấn tượng với sản phẩm quà tặng do đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm nên. Những mô hình nhà rông, tượng gỗ… tuy không tinh xảo như đồ thủ công mỹ nghệ nhưng lại chứa đựng sự mộc mạc, chân chất như chính người làm ra nó. Ngoài mua về trưng bày tại nhà, tôi còn tặng cho bạn bè và họ đều rất thích”.

Là người tâm huyết với văn hóa dân gian, Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Phó Trưởng phòng Thông tin tổng hợp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã có nhiều đóng góp trong việc tạo dựng những sản phẩm quà lưu niệm gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai, Bahnar ở phố núi Pleiku để phục vụ du lịch.

Hiện nay, các nghệ nhân ở TP. Pleiku cùng với chị Hương tạo ra khá nhiều thành phẩm, từ tượng gỗ, nhạc cụ dân tộc (chuông gió, đàn t’rưng, klông pút), nông cụ (cối gỗ, gùi) thu nhỏ đến trang phục, túi xách, ví, móc khóa… bằng thổ cẩm. Ngoài kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các gian hàng trưng bày OCOP địa phương, cửa hàng lưu niệm, chị còn chủ động đặt vấn đề với một số đơn vị lữ hành đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua hàng tại chính các câu lạc bộ, hợp tác xã nghề truyền thống trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, quà lưu niệm gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở Pleiku đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì thế, để quà lưu niệm thật sự trở thành “sứ giả” du lịch, mang hình ảnh, bản sắc văn hóa của Pleiku đi muôn nơi, theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng nghệ nhân. Thành phố cũng cần đầu tư có trọng điểm vào các câu lạc bộ nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã nghề truyền thống; bổ sung các sản phẩm quà tặng mà du khách có thể mang đi một cách dễ dàng; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để người dân các làng có thể nâng tầm sản phẩm quà tặng du lịch gắn với câu chuyện văn hóa-lịch sử địa phương; nâng cao kỹ năng quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; đồng thời, kết nối, hỗ trợ cung ứng sản phẩm cho bà con. “Việc này không chỉ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của 2 tộc người tại chỗ ở Pleiku mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững lâu dài cho bà con, giúp họ thay đổi nếp nghĩ và làm giàu từ chính di sản văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”-chị Hương khẳng định.

Nói về vai trò của quà lưu niệm, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-nhìn nhận: Khi đặt chân đến một nơi nào đó, ngoài tham quan, khám phá, du khách còn có nhu cầu mua những sản phẩm đặc trưng của vùng đất để lưu giữ kỷ niệm hoặc tặng cho người thân, bạn bè. Vì thế, quà lưu niệm đóng vai trò như một “sứ giả” góp phần quảng bá du lịch địa phương đến nhiều người hơn. Những năm gần đây, với sự chung tay của chính quyền cùng sự hỗ trợ của một số tổ chức và cá nhân, người dân các làng đồng bào DTTS ở Pleiku đã tạo ra được dòng sản phẩm quà tặng mang đậm bản sắc văn hóa như: mô hình tượng gỗ, nhạc cụ dân tộc, các mặt hàng từ vải dệt thổ cẩm, nhà sàn, nhà rông, gùi thu nhỏ… Thành phố tạo điều kiện để các hộ kinh doanh, câu lạc bộ quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động xúc tiến, giao lưu, đối ngoại du lịch; đồng thời, tích cực giới thiệu và đưa các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống tại các làng để kích cầu mua sắm.

“Ngoài ra, ngành Văn hóa cũng đang hướng đến việc tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương để tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, nghệ nhân phát huy khả năng sáng tạo; qua đó, lựa chọn được những sản phẩm tiêu biểu để xây dựng nên thương hiệu du lịch của Phố núi”-ông Hà thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm