Trải qua hơn 20 năm kinh doanh, quán Plơi Têng (làng Têng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn giữ được nét đặc trưng từ cách trang trí không gian mang phong cách Tây Nguyên mộc mạc cho đến cách chế biến món ăn truyền thống của người Jrai. Ông Dúi năm nay đã ngoài 75 tuổi nhưng vẫn trực tiếp tẩm ướp các món ăn. Nói về việc chế biến món gà nướng-cơm lam đặc trưng của quán, ông Dúi kể: “Cũng phải mấy mươi năm rồi, trong một lần có ông chú của người quen đến nhà chơi, tôi mang đãi món gà nướng. Lúc đó, tôi chỉ xoa muối xung quanh gà rồi đem nướng. Khi ăn, ông khen ngon rồi góp ý ngoài gia vị là muối thì nên ướp thêm lá chanh để thịt thơm hơn. Dần dần qua nhiều lần làm món này, tôi dùng thêm các loại gia vị khác như: sả, ớt, chanh, lá é… để tạo nét riêng. Khi tay nghề đã khá, tôi được một người quen nhờ lên Kon Tum làm tiệc đãi khách trong một sự kiện rất đông người từ các nơi về dự. Đêm đó, tôi không thể nào ngủ được vì lo lắng khi nghĩ đến việc lần đầu tẩm ướp và nướng đến 500 con gà. Nhưng thật phấn khởi là ai cũng tấm tắc khen món ăn rất lạ miệng. Thế là sau này, tôi thường được nhờ chế biến món ăn trong các sự kiện. Càng làm càng nhuần nhuyễn, gia giảm gia vị hợp lý hơn, biết cách nướng gà sa lửa sao cho da giòn, thịt ngon. Gà nướng phải ăn kèm cơm lam mới ngon nên tôi kết hợp thêm. Và mãi đến sau này, tôi mới mạnh dạn mở quán đưa món ăn này ra thị trường. Tôi là người mở quán bán gà nướng-cơm lam đầu tiên ở Gia Lai. Hơn 20 năm qua, tôi và các con cháu vẫn cố gắng giữ hương vị ẩm thực như đúng truyền thống của đồng bào mình”.
Thực đơn của quán Plơi Têng khá đơn sơ với vài món như: gà nướng-cơm lam, heo đồng bào nướng xiên, lá mì xào cà đắng, nhưng ai đã một lần ăn sẽ nhớ mãi bởi hương vị khó lẫn vào đâu được. Cũng bởi thế, chỉ những người hiểu về ẩm thực và yêu thích văn hóa cộng đồng của người Jrai mới tìm tới quán Plơi Têng. Có lẽ vì vậy mà gần đây, nhiều quán gà nướng-cơm lam mọc lên cũng học hỏi cách nướng gà đặc trưng, có địa điểm quán thuận lợi hơn vì gần trung tâm thành phố, phục vụ cồng chiêng, ca hát tại bàn thì quán của ông Dúi dần thưa vắng khách.
Hiện nay, TP. Pleiku có hàng chục quán bán ẩm thực của người dân tộc địa phương. Anh Plit (làng Têng) mở quán Plit gà nướng cũng được 12 năm. Đến giờ, quán của anh đã có một lượng khách du lịch khá đông. Là người trẻ làm du lịch, anh chọn cho mình hướng đi riêng nhưng vẫn lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Jrai.
Không phải đến khi được công nhận “Top 10 món ăn ngon Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á”, phở khô Gia Lai hay còn gọi là phở 2 tô mới nổi tiếng và được ghi danh trên bản đồ ẩm thực, mà sự ra đời của món ngon này đã cách đây khoảng nửa thế kỷ, gắn với bao thế hệ người dân ở phố núi và du khách. Phở Ngọc Sơn (15 Nguyễn Thái Học), Phở Hồng (24 Nguyễn Văn Trỗi) được biết đến là những quán phở khô danh tiếng và lâu đời ở phố núi Pleiku.
Để có món phở khô ngon thì nước phải có vị ngọt thanh được hầm từ xương heo, xương gà. Phở khô có 2 tô gồm 1 tô bánh phở làm bằng bột gạo, đã được trụng mềm và 1 tô nước súp bò hoặc gà. Chính nét đặc biệt này đã tạo nên đặc trưng của món phở khô so với các món phở truyền thống. Bên cạnh những quán phở khô tên tuổi cha truyền con nối, có tiếng tăm hàng mấy chục năm thì Pleiku cũng có một số quán do người trẻ mới mở. Họ chọn cách đi riêng với khát vọng đưa danh tiếng phở khô Gia Lai vươn xa.
Chị Lương Vũ Thảo Nguyên-Chủ quán Phở Nhớ Phố núi (số 10 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi bắt tay kinh doanh rồi tôi mới nhận thấy, các thương hiệu phở nổi tiếng như Phở Thìn, Phở Lý Quốc Sư… đều có mặt ở khắp các tỉnh, thành. Nhưng tại Gia Lai, những thương hiệu này lại khó tồn tại là bởi nhu cầu của thực khách là phở khô. Đó là một thị trường để cho mình phát triển bên cạnh những tên tuổi lớn. Thế rồi, tôi bắt đầu chuyên tâm vào món phở khô”.
Chị Nguyên cho biết, chị bắt đầu được nhiều người biết đến khi đạt danh hiệu “Hoa hồi sáng tạo” trong cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon 2022”. Sau này, chị tiếp tục được mời tham gia các sự kiện về phở để quảng bá cho phở khô Gia Lai. “Khi tham gia các lễ hội, chương trình ẩm thực ở nhiều tỉnh thành, tôi thấy có nhiều loại phở mang nét đặc trưng vùng miền như phở dừa, phở bắp… Từ những nơi tôi đến, tôi nghe và tôi thấy có rất nhiều điều thú vị về phở, đó là những câu chuyện văn hóa ẩm thực, du lịch của từng địa phương. Vì vậy, để phở khô Gia Lai-“Giá trị ẩm thực châu Á” được vươn xa, tôi nghĩ cần phát triển hơn nữa thương hiệu. Hiện nay, ở Pleiku đã có quán của tôi và 3 quán nữa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Phở khô Gia Lai”. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm đặc thù của địa phương, từ đó góp phần quảng bá các dịch vụ du lịch, tạo dấu ấn đậm nét đối với du khách về món ăn ngon của Gia Lai”-chị Nguyên chia sẻ.
Món bún mắm cua khá kén người ăn bởi màu sắc và cảm giác nặng mùi cho những ai mới thấy và ăn lần đầu. Tuy nhiên, với nhiều người, đây là món ăn “gây thương nhớ” và nhất định phải thưởng thức khi đến Pleiku.
Bún cua Chi (02 Phùng Hưng) là một trong những quán đầu tiên ở Pleiku bán món bún mắm cua.
Nữ chủ quán Châu Thị Chi cho hay: “Khi lần đầu tiên ăn, tôi đã cảm nhận được vị đặc biệt. Rồi khi tập tành chế biến, tôi bắt đầu sáng tạo thêm cách ủ nước cua cho dậy mùi, màu sắc đậm lại. Để có được nước cua tươi ngon, sau khi mua cua về phải rửa sạch, tách bỏ phần mai, sau đó đem xay nhuyễn và lọc lấy nước. Lọc xong đem nước cua ủ 12 tiếng đồng hồ để cho lên men rồi mới nấu. Bằng cách này, nước cua mới dậy mùi. Bún cua nấu thêm măng, trứng, khi ăn cho thêm nguyên liệu như da heo giòn, hành phi, mắm nêm, ớt xào, rau sống, có thể ăn kèm nem chua, chả. Nhiều du khách khi đến Pleiku, kể cả những người nổi tiếng như diễn viên Nhan Phúc Vinh, Lê Dương Bảo Lâm… đã thử món ăn này và có lời khen ngợi”.