Cơ hội phục hồi cho người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như trước đây, bệnh nhân gặp các chấn thương phức tạp như: đứt chi thể, chấn thương sọ não… phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị thì nay, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 đã hoàn toàn có thể xử lý được những tình huống này. Không những tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức mà quý báu hơn cả là họ đã giành lại được cơ hội phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân…

Tiên phong trong kỹ thuật vi phẫu thuật
 

 Bác sĩ Lợi đang phẫu thuật theo phương pháp vi phẫu cho một bệnh nhân. Ảnh: Lê Hòa
Bác sĩ Lợi đang phẫu thuật theo phương pháp vi phẫu cho một bệnh nhân. Ảnh: Lê Hòa

Kỹ thuật vi phẫu thuật vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ở Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ, số bệnh viện có thể thực hiện được các ca vi phẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, Bệnh viện Quân y 211 là một trong những đơn vị đã tiếp cận và thực hiện thành công kỹ thuật này. Tốt nghiệp Học viện Quân y, chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật vi phẫu đã được bác sĩ Chuyên khoa II-Trung tá Trần Xuân Lợi, hiện là Chủ nhiệm Khoa Chấn thương Chỉnh hình-Bệnh viện Quân y 211 quan tâm nghiên cứu ngay từ thời còn là học viên. Tất cả nguồn tri thức quý báu được tích góp, cộng với vốn kinh nghiệm thực tiễn trong suốt cả chục năm gắn bó bên bàn mổ đã đem đến cho ông cùng các cộng sự cơ hội nắm bắt và làm chủ kỹ thuật phức tạp này.

“Ca vi phẫu đầu tiên là trường hợp của bệnh nhân Trịnh Kim Trung (SN 1995, ở huyện Đak Pơ). Bệnh nhân này bị một vết chém làm đứt rời bàn tay. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã được người nhà đưa đến vài bệnh viện khác song không nơi nào nhận thực hiện. Sau hơn 10 giờ thực hiện, ca phẫu thuật vi phẫu đã thành công ngoài mong đợi. Hiện nay, cánh tay của Trung đã phục hồi khoảng 80% khả năng vận động, cảm giác”-bác sĩ Lợi kể về trường hợp đầu tiên ông thực hiện vi phẫu để cứu lấy cánh tay cho bệnh nhân.

Kể từ năm 2013 đến nay, các y-bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình-Bệnh viện Quân y 211 đã thực hiện nối 9 trường hợp chi thể bị đứt rời, trong đó có 6 trường hợp thành công (3 trường hợp thất bại là bởi nguyên nhân khách quan: bệnh nhân bảo quản phần chi thể đứt rời không đúng kỹ thuật, dẫn đến hoại tử và thời gian từ khi bị nạn đến khi nhập viện cấp cứu quá lâu). Ngoài ra, bệnh viện còn tiến hành phẫu thuật nối cho 34 trường hợp bị đứt gần hoàn toàn. “Có rất nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công của một ca vi phẫu, phụ thuộc cả 2 phía: bác sĩ và bệnh nhân. Nhưng trước hết, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế sớm, chưa qua “giờ vàng” (khoảng 6 giờ sau khi gặp tai nạn-N.V) và biết bảo quản vết thương, phần chi thể bị đứt đúng cách… thì tỷ lệ phẫu thuật thành công sẽ cao hơn. Do đó, nếu ngay tại địa phương có bệnh viện thực hiện được vi phẫu đã là một điều may mắn đối với bệnh nhân chẳng may gặp nạn cần nối gấp. Chưa kể đến chi phí đi lại, công sức người thăm nom…”-bác sĩ Lợi chia sẻ.

Cấy ghép IMPLANT-bước tiến vượt bậc trong điều trị nha khoa

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỹ thuật cấy ghép IMPLANT cho bệnh nhân mất răng là kỹ thuật hiện đại bậc nhất hiện nay trên thế giới trong việc phục hình răng. Tuy được phát minh cách đây khoảng 40 năm nhưng tại Việt Nam kỹ thuật này mới xuất hiện khoảng chục năm trở về đây. Riêng tại tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Quân y 211 mới áp dụng thực hiện kỹ thuật này được 4 năm và là địa chỉ duy nhất triển khai áp dụng kỹ thuật này.

“Trước đây, sử dụng hàm răng giả hay các kỹ thuật phục hình cố định khác vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như ảnh hưởng đến việc ăn, nhai của người bệnh thì hiện nay, với kỹ thuật cấy ghép mới này, các hạn chế trên gần như bị triệt tiêu. Ưu điểm của phương pháp này là phục hình răng bị mất mà không mài các răng bên cạnh, răng như thật, cho cảm giác ăn/nhai tốt, tồn tại suốt đời, tính thẩm mỹ cao... Do vậy, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất hài lòng”-bác sĩ Chuyên khoa I-Thượng tá Nguyễn Văn Nguyệt-Chủ nhiệm Khoa Răng-Hàm-Mặt-Bệnh viện Quân y 211 chia sẻ.

Cái khó đòi hỏi đi kèm của phương pháp này ngoài đòi hỏi trình độ chuyên môn cao từ bác sĩ thì nhất thiết phải có trang-thiết bị hiện đại hỗ trợ. “Thiết bị phải thật hiện đại và chính xác để đánh giá đúng chất lượng xương, độ dày của xương để việc cấy ghép không gây ra những tổn thương cho các vùng phụ cận, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”-bác sĩ Nguyệt nhấn mạnh. Triển khai từ năm 2011 đến nay, Khoa đã tiến hành điều trị theo phương pháp trên cho trên 20 trường hợp và đang có xu hướng ngày càng tăng dần do những ưu điểm mà nó mang lại.

Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung vẫn đang thuộc “vùng trũng” về điều kiện kinh tế-xã hội, đi kèm với nó tất nhiên, các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. “Với việc áp dụng ngày càng nhiều các phương pháp điều trị hiện đại, chúng tôi hy vọng sẽ làm tốt hơn vai trò là đơn vị khám chữa bệnh không chỉ cho nhu cầu của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn mà còn cả người dân trong khu vực”-bác sĩ Chuyên khoa II-Đại tá Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211 nhấn mạnh.

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm