Báo xuân

Có một cái Tết như thế ở rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào cũng vậy, kể từ khi tôi về Huyện đội An Khê, sau đó là Huyện ủy (biệt danh K8), cứ độ kề Tết là các đội công tác vũ trang, các tiểu đội, trung đội làm nhiệm vụ độc lập ở các hướng được cấp trên triệu tập về phía sau để chuẩn bị đón Tết Âm lịch. Công việc chuẩn bị Tết được phân công cụ thể cho từng bộ phận, từng người.
 

 Minh họa: huyền trang
Minh họa: Huyền Trang

Là Tết trong điều kiện chiến tranh, nhưng mỗi năm lãnh đạo, chỉ huy đều có cách tổ chức khác nhau, năm sau cố gắng tốt hơn năm trước-nếu có thể, để giúp cho các cán bộ, chiến sĩ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Vậy nên từ việc chuẩn bị vật chất cho đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ luôn được chuẩn bị chu toàn. Ở đây chỉ xin nói về chuyện... vật chất. Ấy là Tết năm 1972, trước ngày tập trung về hậu cứ, thì nhận được tin vui báo ra từ đội công tác phía Tây rằng, cơ sở bên trong ấp chiến lược gửi tặng cho đội công tác một con bò. Các đội công tác hướng Bắc và Nam, nhất là đội công tác thị (thị trấn An Khê) được bà con cơ sở gửi cho rất nhiều đồ hộp, đường, sữa, bánh kẹo, các loại thực phẩm khô, nếp, gạo. Các anh chị quản lý, nuôi quân tính toán, “cân đối”, thứ gì thiếu sẽ đề xuất lãnh đạo gửi bà con trong ấp mua thêm. Cùng với đó là cử người vào các làng đồng bào Bahnar vùng bất hợp pháp để đổi thêm heo gà, rau, củ quả...

Nhóm lính trẻ, khỏe được giao nhiệm vụ đột nhập vào ấp Đồn Chè (còn gọi là Đồng Chè, phía Tây Nam thị xã An Khê ngày nay), theo chỉ dẫn của chủ trại bò để chọn một chú bò theo ý muốn. Đêm ấy, như đã giao ước, chủ trại bò chủ động không bật điện bảo vệ, không cử người trông giữ, không khóa cổng rào. Tuy thế, do bò chăn thả rông nên rất hung dữ và sợ người lạ. Dù khó, nhưng nhiệm vụ của nhóm vẫn hoàn thành, một chú bò đực to và “hiền” nhất đàn được lừa ra bìa rừng trước khi trời sáng. Hôm sau tin từ chủ trại bò thông báo về, thì ra lòng tham của nhóm lính trẻ đã bị trả giá: đó là chú bò già và yếu nhất đàn! Con bò già trái tính, nhóm lính trẻ đến khổ với nó. Đến lúc nó nổi bệnh lười, nằm ỳ một chỗ, cỏ chẳng thèm nhìn, nước không muốn ngó. Từ đội công tác phía Tây về đến hậu cứ phía sau ở khu vực suối 407-làng Bung-A9, K7 con đường còn dài, lại bị con sông Ba án ngữ, vào mùa khô nước chỗ sâu cũng chỉ ngang ngực, nhưng nó lại rộng mênh mông, từ bờ này sang bờ bên kia, đoạn hẹp cũng vài trăm mét, phơi mình dưới nắng, chỉ toàn là đá, là cát và những bụi rù rì và lau sậy sau mùa lũ xác xơ, trơ trụi, nguy hiểm hơn nữa là sự rình rập của biệt kích từ mặt đất và trực thăng các loại từ trên không. Điều nguy hiểm ấy con bò già nào có biết. Ra đến giữa sông, hắn lăn ra nằm ỳ một chỗ, thách thức sự khôn ngoan của đám lính trẻ chúng tôi. Một ý tưởng được chọn và ngay lập tức thực hành: Gom lá, cỏ khô làm đuốc đốt đít “cụ” bò. Quả nhiên con bò già vụt đứng lên và nhằm bờ sông phía đối diện mà lao. “Phát huy tinh thần sáng tạo” ấy, cứ “cụ” ta mệt, ỳ ra là lại... đốt vào chỗ “của quý”... Về đến điểm hẹn, cả bọn bị một trận lôi đình của lãnh đạo vì cái sáng kiến kỳ quái đó. Ngoài ra, không phải cái gì to cũng đem lại giá trị cao. Nhưng rồi Bí thư Huyện ủy Mai Xuân Cảnh và Huyện đội trưởng Nguyễn Hào mỗi ông khen theo kiểu riêng của mình về cái sáng kiến lạ kia, làm chúng tôi ngẫm cười mà quên ngay... khuyết điểm.

Hết cái xui về chuyện chọn nhầm một con bò già gần như vô tích sự, lại đến cái rủi từ biệt kích Mỹ chồng lên nhau tưởng như có thế lực vô hình sắp đặt. Buổi sáng mùng Một Tết, công việc đang vào giai đoạn kết cho một bữa gặp mặt liên hoan đầu năm thì từng đàn trực thăng, nào loại quạt, loại chở quân đổ bộ, loại phóng pháo ập đến. Chúng quần đảo trên đầu như đàn quạ đen phát hiện được xác chết từ dưới đất. Từng loạt rốc-két xé toạc bầu trời, lao vun vút xuống ngay khu rừng già mà chúng tôi đang trú quân. Cây cối, đất đá tung lên cùng với những căn lều tạm vừa được dựng mấy ngày hôm trước bằng tranh, tre, lá, nứa. Sau hơn một giờ quần đảo và oanh tạc dữ dội thì chúng đổ quân xuống trảng tranh ven con suối 407. Biệt kích Mỹ nhanh chóng bao vây nơi chúng tôi ở. Tiếng nổ của lựu đạn, của trung liên, tiểu liên xới tung mặt đất và cây cối đổ nhào. Những tên biệt kích Mỹ hung hăng lao thẳng vào vị trí chúng tôi mà xả đạn...

Cuộc chiến đấu không cân sức... Đêm ấy, một tổ trinh sát và liên lạc Huyện đội K8 được giao nhiệm vụ quay lại trận địa. Tất cả các căn hầm chữ A, các căn lều tạm bị san bằng; quân-tư trang của nhiều người bị đốt sạch; nồi niêu, xoong chảo, bung, bảy, ghè ché đều chung số phận; lương thực và thực phẩm thứ đã chế biến, nấu nướng dở dang cũng như loại còn đang dự trữ đều bị trộn lẫn với đất đá và thuốc súng pha mùi khói rốc-két. Một cái Tết không còn là Tết nữa. Nhưng may thay, trong số năm sáu chục con người với trang bị bán vũ trang chúng tôi chỉ có bốn năm người bị thương nhẹ. Quả là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nếu không có bạt ngàn và liên hoàn những cánh rừng già che chở thì chẳng biết liệu chúng tôi có ai còn sống sót để bây giờ, cũng vào dịp cuối năm, trà dư tửu hậu mà kể lại chuyện này? Rồi một cái Tết cũng qua đi, bà con Bahnar làng Bung, làng Chơ Gang đã chung tay cùng chuẩn bị Tết với chúng tôi trong không khí đầm ấm. Thay cho những thứ “cao lương mỹ vị” đã bị biệt kích Mỹ hủy hoại sạch sành sanh kia là với những thứ của rừng, của làng, của con sông HWay lượn quanh ngọn đồi không tên đang mùa nước cạn.

Ở rừng, Tết thời chiến cũng có những lúc “lên voi”, cũng có khi xuống... ngựa. Nhưng nhờ được lòng dân, không phân biệt trong vùng địch hậu, bị kèm kẹp tứ bề của đối phương hay ngoài vùng bất hợp pháp, vùng giải phóng, là bà con Bahnar hay người Kinh, Tết đến những người lính chúng tôi luôn nhận được sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ, chăm lo từ họ-như những người bà con thân tộc vậy. Dẫu xa nhà và gian khổ ác liệt, nhưng tình đồng đội và tấm lòng nhân dân giúp đám lính trẻ chúng tôi ấm lòng biết bao mỗi khi Tết đến, Xuân sang!

 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm