Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Có thể & không thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
1. Người ta thường nói, đồng hồ sinh học của đàn ông sẽ có những thay đổi từ tuổi 49 đến tuổi 53, còn ở phụ nữ từ tuổi 53 đến 55. Tôi không biết những người khác ra sao, với tôi diễn biến trong cơ thể, trong tâm lý khi chớm vào tuổi 55 hết sức mau lẹ, rất phức tạp. Khởi đầu từ bộ nhớ, mọi trật tự dường như đã bị đảo lộn. 
 
Chuyện cũ, chuyện mới luôn đan xen song hành gây ra những sự lẫn lộn, nhầm lẫn. Không ít lần tôi tưởng Lâm là anh Lai. Nhớ đấy rồi lại quên đấy. Không ít lần tôi bị lạc đường ở những cung đường quen thuộc nhất. Lúc rẽ trái lại rẽ phải. Nhiều khi đi quá lố địa điểm cần đến hàng trăm mét. Trong đầu tôi như có một cơn lốc, chuyển dịch mọi ý nghĩ, mọi tính toán. Đang nghĩ cái này bỗng nhiên nghĩ tới cái khác. Đang tính điều này lại bất ngờ tính tới điều khác. Nói tóm lại, trong đầu tôi liên tục bị rối ren. Đầu óc đã vậy, tâm trạng cũng diễn biến thất thường tới mức hỗn loạn. Đang mạnh mẽ phấn chấn bỗng mệt mỏi chán chường. Đang âu lo phiền não bỗng hứng khởi tưng bừng. Thói quen điềm tĩnh tự tin dường như không còn nữa. Đã xuất hiện sự lo lắng đến mức hốt hoảng. Đã xuất hiện nỗi bồn chồn, háo hức lờ mờ không xác định. 
Người ta thường nói, không bình tĩnh, bình tâm, không thể có bình thường về sức khỏe, ăn không thấy ngon miệng, ngủ không sâu, thường hay mộng mị những chuyện khác thường. Đã vậy, nhiều thứ đau mới xuất hiện: đau đầu, đau cổ, đau họng, đau ngón tay, ngón chân… Chỉ đau thoáng qua như một cơn gió lạnh, sau đó là sự ê ẩm, nhức mỏi, có khi khó chịu, có lúc lại thoải mái. 
Tôi là người biết sống tự lập từ nhỏ. Từ khi học tiểu học, tôi đã thu lượm những kiến thức về sức khỏe và những kỹ năng ứng xử giao tiếp. Nói gọn lại là kỹ năng sống. Đọc sách báo, học hỏi người lớn, quan sát và lắng nghe mọi thứ diễn ra xung quanh, tôi đã thấu hiểu vấn đề tự lập. Cốt lõi của tự lập là sống thật với mình. Năng lực, tài trí của mình ra sao, mình phải biết rõ. Sức lực của mình thế nào cũng phải biết ở mức cơ bản nhất. Ngay từ thời con gái 19, 20 tuổi, tôi đã biết được khá chi tiết về sức khỏe của mình. Tôi thường xuyên biết nghe tiếng nói từ các bộ phận cơ thể. Suy cho cùng, cơ thể đàn ông hay đàn bà đều giống nhau ở cơ chế vận hành, ở tình trạng sức khỏe của các bộ phận, ở sự cân bằng về sức khỏe tâm thần và sức khỏe cơ thể. 
Tôi hiểu rõ mối quan hệ giữa sức khỏe cơ thể và sức khỏe tâm thần. Sức khỏe cơ thể tốt sẽ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và chi phối hai loại sức khỏe này là sự thiếu thừa… Mỗi khi nhận thấy trong cơ thể thiếu cái gì, tôi nhanh chóng đáp ứng, thừa cái gì đó, phải loại bỏ ngay. Sinh học cũng vậy, tâm thần cũng thế, tôi đặc biệt chú ý đến việc thiếu - thừa trong đời sống tinh thần. 
Khi yêu, với tôi, một người là đủ, người thứ hai là thừa. Tôi hiểu rõ cơ chế sức khỏe tâm thần hoạt động theo nhịp đập trái tim. Một đường hình sin theo phương nằm ngang, theo hướng đường thẳng. Tôi chủ động mọi việc, tình yêu cũng vậy. Ngay từ đầu tôi đã xác định rõ tôi là A, anh Lai là B và từ A đến B chỉ có một đường thẳng và chỉ một mà thôi. Trái tim tôi luôn hướng về anh Lai theo một đường thẳng. Tôi thích một đoạn thơ của một nhà thơ si tình gửi tặng tôi:
Tôi hăm hở lao mình xuống nước 
Và bơi đi, bơi đi mải miết 
Không chờ mang đến bến đến bờ. 
 Tôi cũng rất tâm đắc với câu nói chốn nhân gian: “Biết đủ, trời không để thiếu”. Tôi yêu người ta, thế là đủ, là biết yêu rồi. Được yêu đáp lại là rất tốt. Không được yêu cũng không sao. Sống trên đời vốn dĩ chịu rất nhiều áp lực. Có áp lực từ sinh học cơ thể, có áp lực từ thế giới nội tâm. Để ngăn ngừa và giảm thiểu những áp lực gây hại, tôi luôn xác định rõ ba nguyên tắc: Thứ nhất là phân định rõ ràng các mối quan hệ. Thứ hai là luôn lắng nghe tiếng nói của lương tâm. Thứ ba là tự tạo cho mình niềm vui. Với ba nguyên tắc ấy, hình như tôi đã thành công trong việc giữ ổn định về mọi mặt. 
Đến tuổi 55, dường như tôi không còn giữ được sự ổn định nữa. Đã có dấu hiệu khủng hoảng trong cơ thể, trong tâm trí. Một đêm trăng tròn, trời đẹp, tôi đi bộ trên đường vắng. Ánh trăng thấm vào mái tóc, vào da thịt. Tôi bước đi theo nhịp sóng lơ thơ êm ả của ánh trăng. Và, tôi đã nhận ra cuộc khủng hoảng trong tôi do quy luật sinh lý học và một nhân tố con người gây ra. Nhân tố con người là chính. Cuộc khủng hoảng tiền mãn kinh đã có dấu hiệu của một cuộc chiến tranh. Tôi đang gồng mình, huy động mọi lực lượng để chống lại. 
Một sức mạnh êm nhu, tươi sáng như ánh trăng. Mới đầu là thứ vô hình. Sau đó, hình dáng dần dần hiện rõ. Tốc độ biểu hiện rất nhanh. Như mây trời trôi qua. Trắng tròn sáng tỏ. Sức mạnh ấy là Lâm. Một sự xâm nhập đặc biệt. Từ ngoài vào trong. Từ trong ra ngoài. 
Khởi đầu từ ký ức. Có điều gì đó giống như định mệnh. 30 năm trước, người cha tìm đến tôi xin ý kiến về chuyện làm ăn và tôi đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng đỉnh đầu. Tôi yêu khốc liệt ngay từ lần gặp đầu tiên, lúc ấy tôi 25 tuổi và người tôi yêu 35 tuổi, có vợ ở quê và đứa con trai đầu 10 tuổi. Tôi yêu anh suốt 30 năm nhưng anh ấy không yêu tôi, chỉ coi tôi như em gái. 30 năm sau, người con trai đầu của anh ấy đến với tôi về chuyện làm ăn, ở tuổi 40. Hôm ấy, tôi nhận ra mình bị khủng hoảng. Ký ức 30 năm trước rơi từ trên xuống theo phương thẳng đứng đã gây ra cơn địa chấn, đảo lộn mọi thứ. Tôi đã phải huy động tất cả lực lượng dự phòng khi cần thiết để nhanh chóng lập lại trật tự. 
Trong giấc ngủ không ít lần tôi ú ớ gọi: “Anh Lai, à không, anh Lâm” và ngược lại: “Anh Lâm, à không, anh Lai”… Tôi phải dùng rượu mạnh để ngăn chặn sự bốc hỏa đến phát điên. Không hiểu tạo hóa trêu trọc hay sắp xếp sẵn, lần nào tôi cũng gặp Lâm. Quán ăn Bông Sứ ở gần bên trụ sở công ty tôi thuộc loại quán nhỏ, yên tĩnh và thanh lịch, ít người biết đến. Cũng giống như ông bố, Lâm biết cách lẫn vào đám đông, giấu đi sự nổi trội về hình thể. Anh như một cái bóng của ai đó được kéo dài ra, to ra. Cũng giống như ông bố, anh ta đi nhẹ, nói nhẹ, thở nhẹ. Anh ngồi hay đứng luôn ở tư thế thẳng lưng.  
Ở ly đầu tiên, tôi diễn bài hồn nhiên ở tuổi 18: “Anh biết cách chinh phục phụ nữ đấy!”. Lâm nhìn trực diện, nói nhỏ: “Tôi không hiểu chị nói gì?”. Tôi không nhận ra sự bối rối của anh. Ở đôi mắt, tôi chỉ nhìn thấy nỗi buồn của sự cô đơn. Tôi thanh thản nói thêm: “Hình như anh tán tỉnh phụ nữ bằng nỗi buồn cô đơn và sức nóng của cơ bắp. Tôi thấy cách thức ấy hiệu quả nhất”.  Lâm che đậy sự ngơ ngác bằng nụ cười con nít. Rất khờ khạo. “Chị nói cao siêu quá, tôi không hiểu!”. Tôi nhận thấy sự chân thật rõ ràng. Lâm là người đàn ông đơn giản. Tôi là người đàn bà phức tạp. Giữa chúng tôi luôn có một vùng đệm cách nhiệt, cách điện… 
Rồi một buổi nhậu lúc đêm, tôi nhận ra vùng đệm ấy đã bị hư hại. Ở ly thứ ba, tôi nhìn xa xăm, hỏi nhỏ: “Anh đọc truyện Kiều chưa?”. Lâm nhìn lên cao, nói to: “Tôi đọc rồi”. “Anh nghĩ sao về chuyện Thúy Kiều cậy nhờ em gái chăm sóc Kim Trọng”. Lâm cười nhẹ, nói nhẹ: “Tôi thấy cũng là chuyện bình thường chốn nhân gian. Người ta sống ở đời phải biết nghĩ, biết lo cho người khác”. “Đơn giản vậy sao?”. “Tôi nghe người ta nói có sống đơn giản mới thấy hạnh phúc”. “Còn tình yêu”. “Cũng vậy thôi…”. 
Tôi cảm nhận sức nóng từ bờ vai Lâm tỏa ra. Tôi hốt hoảng đứng lên. Lần đầu tiên không biết vì cái gì, không biết từ đâu tới, thân nhiệt của tôi tăng lên. Hình như tôi đã yêu, thứ tình yêu không bình thường ở chốn nhân gian. Không biết tôi có còn đủ dũng khí chủ động đến với tình yêu.
2. Ngay từ nhỏ, tôi hầu như không có bạn thân. Cả trai lẫn gái. Nhu cầu kết bạn của tôi rất ít. Nhu cầu ăn no nhiều hơn. Đến tuổi trưởng thành nhu cầu kiếm tiền nhiều hơn hàng trăm lần nhu cầu gần gũi đàn bà. 
Tôi ít khi nghĩ sâu, nghĩ xa về đàn bà. Tôi chỉ biết hết thảy phụ nữ trên thế gian này đều là người tốt và đã là đàn ông nhất thiết phải bảo vệ, chăm sóc họ. Ba năm lao động ở Nga, tôi thân thiết với tất cả những cô gái trong đơn vị. Tôi sẵn sàng giúp họ mọi việc họ yêu cầu. Làm việc nặng giúp họ, mua đồ giúp họ. Thậm chí còn giặt đồ giúp người bị ốm đau. Không ít cô gái chủ động bày tỏ tình cảm với tôi. Tôi thẳng thắn nói: “Tôi nghèo lắm, chưa hề nghĩ tới chuyện lấy vợ”. Trong đội lan truyền thông tin tôi bị xếp vào hàng “ái nam ái nữ”. Tôi không buồn, cũng chẳng vui. Miệt mài chắt chiu từng đồng rúp. Ai thuê gì, tôi làm nấy, vài ba kopek cũng được. 
Cuối cùng cũng có một cô gái khai phá thế giới yên tĩnh của tôi. Cô ấy quê ở Hải Phòng, con gái đầu của một cán bộ nhỏ cấp huyện. Cũng như tôi, cô ấy hầu như không quan tâm chú ý đến bất kỳ một bạn trai nào. Mọi tâm sức đều dồn vào việc cóp nhặt, tiết kiệm tiền bạc và tìm mua các loại hàng để gửi về giúp gia đình. Một ngày nọ, cô ấy bị một gã say xỉn tấn công. Gã này theo đuổi cô ấy từ lâu, thoạt đầu rất lãng mạn, rất tử tế, thường tặng hoa, tặng quà cho cô. Cô ấy thuộc loại người đẹp rất thực tế. Hoa không nhận, cô ấy chỉ nhận quà. Mắt to tròn rất lạnh, rất trống vắng nhưng trên miệng thường dán một nụ cười rất thân ái. Không ít đàn ông theo đuổi cô ấy vì nụ cười như cánh cửa khép hờ mời gọi khám phá thế giới tràn ngập sắc xuân. Gã say xỉn viện cớ cô đã nhận quà chắc phải có cảm tình với gã. Gã không chấp nhận lời từ chối lạnh lùng của cô. “Tôi không nhận hoa nghĩa là tôi đã từ chối, anh phải biết điều đó chứ!”. “Nhưng cô đã nhận quà của tôi?”. “Anh đòi lại sao?”. “Phải, cô hoàn trả lại cho tôi”. “Tôi gửi về nhà hết rồi!”. “Cô phải trả”. “Tôi không trả”. 
Gã say xỉn xông tới có ý định nắm tóc hành hung cô gái. Tôi nhào tới, kéo gã ra xa. Gã đánh tôi. Tôi quật ngã gã xuống đất. Tôi định dạy dỗ gã bằng nắm đấm. Cô ấy ngăn lại, lạnh lẽo nói: “Đừng làm lớn chuyện nữa. Xấu hổ lắm! Tôi trả lại đồ cho anh ấy!”. Dường như gã đã tỉnh rượu. Lồm cồm đứng dậy, lặng lẽ bỏ đi. Cô ấy khóc trên vai tôi. Lời nói run rẩy, lúc cao lúc thấp lúc nặng lúc nhẹ: “Có đáng bao nhiêu đâu, hai chục dây may-xo, một cái quạt tai voi thôi. Tại tôi tham lam. Lỗi tại tôi, hèn hạ…”. Tôi an ủi cô ấy: “Cũng tại nghèo khó mà ra”. Tôi chỉ đủ sức giúp cô ấy số tiền mua 20 dây may-xo. Từ ngày đó, cô ấy thân thiết hơn mức bình thường với tôi, thường áp sát vào tôi, khêu gợi đến mức bặm trợn. Người ta nói, cô đơn luôn kích động tính dục mạnh hơn. Tôi không chống trả nữa, tuân theo tự nhiên. Tôi và cô ấy sống với nhau như vợ chồng. Tôi không biết có yêu cô ấy hay không nhưng tôi thấy mình rất thích cô ấy. Trong mắt tôi, cô ấy rất đẹp, rất phù hợp với tôi về mọi mặt. Khi cô ấy báo cho tôi biết không làm đám cưới với tôi mà tổ chức đám cưới với một người khác, chúng tôi trao đổi với nhau vui vẻ và bỗ bã. “Hai cái nghèo cộng lại với nhau chắc chắn sẽ nghèo hơn”. Cô ấy cười bằng mắt. Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bất ngờ và lúng túng chỉ xảy ra trong giây lát. Tôi cười gượng nói nhỏ: “Phải!”. Về mặt hình thức, chúng tôi chia tay nhau nhẹ nhàng, không ai oán trách ai. Chuyển ngữ bạn bè hơi gương gạo. “Em sống vui vẻ là anh vui”, tôi nói. Cô ấy dặn dò: “Bao giờ giàu có mới lấy vợ. Chớ tham lấy vợ giàu”. Sự hiểu biết về đàn bà của tôi bị xáo trộn, bị đảo lộn liên miên. Có lúc tưởng như đã hiểu biết tất cả. Ngay sau đó lại nhận ra không hiểu gì hết. Tôi sống khép kín. Hầu như không có nhu cầu tâm sự với người khác. Mọi tâm tư, sức lực của tôi đều dồn vào mục đích làm giàu. 
Những năm chạy xe tải đường dài, tôi có quen biết và qua đêm với vài ba người đàn bà cơ nhỡ. Họ là góa phụ ở tuổi 40, lam lũ nuôi con nhỏ. Tôi cưu mang giúp đỡ họ trong giới hạn cho phép. Họ thân thiết với tôi cũng trong một giới hạn nhất định. Lần lần, tôi ưa thích các mối quan hệ đó. Một người nói cho tôi biết, biết giới hạn là biết hạnh phúc, không biết giới hạn không biết hạnh phúc. Tôi thấy phải. Đôi ba lần trong nỗi cô đơn một mình đối mặt với trời đêm giá rét, tôi nghĩ sâu hơn về đàn bà. Đàn bà là một thực thể không có sự phân chia rạch ròi giữa phần cứng và phần mềm. Ở họ, chỗ nào cũng là cứng, chỗ nào cũng là mềm. Trong cứng có mềm. Bởi vậy, khi ứng xử với đàn bà, tốt nhất vẫn là cách ứng xử trong cứng có mềm, trong mềm có cứng. Trong một bữa nhậu, tôi cao hứng tham gia cuộc bàn luận về đàn bà. Bày tỏ những suy nghĩ của mình. Cứ tưởng cao siêu, sâu sắc lắm, ai ngờ, có một gã chưa học hết phổ thông trung học cười ha há, vỗ vai tôi dạy dỗ: “Ông anh bị bệnh nghèo làm cho u mê mụ mẫm rồi. Ông anh không có tình yêu thì không đủ tư cách nói về đàn bà…”. Rồi gã oang oác nói ra những gì thuộc về tình yêu, diện mạo tình yêu, màu sắc mùi vị của cái thứ mà gã khẳng định một cách hùng hồn rằng, đấy là đỉnh cao nhất của hạnh phúc. Tiếp đó, gã hùng hồn mạnh mẽ tuyên bố: “Là đàn ông phải vượt lên chính mình để chinh phục cái đẹp hoàn hảo nhất. Tình yêu không có số hai, chỉ có số một”. 
Tôi hỏi một người đàn bà rất cuồng nhiệt, không hôn thì thôi, đã hôn phải kéo dài trên hai phút: “Liệu có loại tình yêu đỉnh cao mang lại hạnh phúc đỉnh cao không?”. Người ấy cười trơ lợi, rổn rảng nói ngay: “Chẳng có thứ bậc cao, thấp trong tình yêu và hạnh phúc. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ý, nhu cầu mỗi người. Chẳng ai giống ai cho dù ai cũng như ai”. 
Tôi thoát khỏi những con đường vòng vèo, những ngõ ngách đến với xa lộ cao tốc của cuộc đời. Trước năm 40 tuổi, tôi phải có một sự nghiệp ông chủ, một tài sản bạc tỷ. Trên cao tốc không có chỗ cho mộng mơ, không có nhiều thời gian tính toán. Một giờ trên cao tốc bằng một ngày bình thường. Căng thẳng và mệt mỏi. 
Một đôi mắt đàn bà nhìn tôi. Tôi không còn mệt mỏi căng thẳng nữa, tôi cảm nhận rất rõ năng lượng từ đôi mắt ấy. Giống như mặt trời đột ngột xuất hiện trong chiều đông giá lạnh. Cũng giống như đang khát được uống nước. Sức lực đột ngột trào dâng. Tôi muốn nhào tới nắm bắt đôi mắt ấy. Tôi thấy rõ sự chuyển động của những cơ bắp và hơi thở. Rất nhanh, rất mạnh. Mọi diễn biến tâm trạng chỉ xảy ra chừng hai giây. Đôi mắt ấy phát ra tiếng nói: “Anh giống ba anh như đúc”. Thân nhiệt tôi hạ xuống rất nhanh. Các cơ bắp phải tự gồng lên để chống lại cái lạnh từ đâu đó tràn tới. Tôi rơi vào tâm trạng bối rối, lúng túng. Tôi biết rõ, Bích Vân yêu sâu đậm, yêu cay đắng ba tôi từ lâu. Mẹ tôi cũng biết. Tôi và mẹ tôi chỉ bày tỏ bằng sự im lặng. Tôi chưa gặp Bích Vân lần nào cho tới ngày hôm ấy. 
Thật tình, tôi không hề có sự tò mò muốn biết người yêu ba mình và tôi cũng không mong gặp mặt. Cũng bởi muốn có sự nghiệp, tôi phải gặp Bích Vân để cậy nhờ giúp đỡ. Chỉ là quan hệ đối tác làm ăn thôi. Tôi có đầy đủ niềm tin sẽ xử lý tốt mối quan hệ này, giống như việc ứng xử với những người bạn thân của ba tôi. 
Cái nhìn tràn ngập năng lượng của Bích Vân khiến tôi hoang mang, không còn tự tin nữa. Tôi không thể khống chế được mình. Ngày nào tôi cũng có nhu cầu gặp Bích Vân, một người đàn bà mang lại sự phấn chấn toàn phần, toàn diện. Tôi hăng hái, hăm hở với việc làm giàu. Không có gì lo ngại, không có gì phải đối phó canh chừng. Và quan trọng hơn cả là tôi thấy ấm áp vui vẻ khi nhìn thấy đôi mắt và nụ cười của người ta. 
Không như những người đàn bà khác, tôi không hề nghĩ đến một kết cục tình cảm, không nghĩ tới chuyện Bích Vân yêu say đắm ba tôi, Bích Vân hơn tôi hàng chục tuổi, Bích Vân là bà chủ chi phối hầu như toàn bộ sự nghiệp của tôi. Người ta thường nói, nghĩ càng nhiều yêu càng ít. Không nghĩ gì cả là yêu đến mức không có đường lùi. Không lẽ tôi đã yêu Bích Vân. Loại tình yêu không thể nói bằng lời. Có thể chỉ là yêu đơn phương. Nhưng tôi biết, trong cõi nhân gian này vẫn tồn tại hai thứ đối lập nhau. Tình yêu có thể mù quáng và không thể mù quáng.
Nhà văn TRẦN VĂN TUẤN
(Dẫn nguồn: SGGP)

Có thể bạn quan tâm