Phóng sự - Ký sự

Còn đó Toska…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Toska - một từ tiếng Nga rất khó dịch cho đúng nghĩa. Có thể hiểu là nỗi buồn nhớ, sự u sầu hay “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Tóm lại là không thể truyền tải nội dung chứa chất bên trong, giống như không cắt nghĩa nổi thế nào là tâm hồn Nga một cách trọn vẹn.

Và chúng ta chỉ có thể thở dài “Ôi, toska…” khi cố gắng phác họa chi tiết cho bức vẽ đại cảnh về nước Nga 100 năm sau cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

 

Tác giả Bích An trên đường phố Arbat, Nga.
Tác giả Bích An trên đường phố Arbat, Nga.

1. Tôi mỉm cười khi Yuri, tên anh tài xế xe taxi Yandex - một dạng Grab kiểu Nga - thốt lên từ toska trên đường vành đai từ sân bay Domodedovo về khách sạn Pushkin ở trung tâm Moskva. “Toska” vì đường kẹt cứng xe. Chỉ thi thoảng có vài chiếc xe dám liều vượt sang làn xe ưu tiên, mà theo lời Yuri cằn nhằn “chắc là quen cảnh sát công lộ”. Ừ thì toska thật!

Tôi lại sực nhớ lời của Napoleon sau thảm bại trong cuộc xâm chiếm nước Nga năm 1812 rằng “nước Nga không có đường đi mà chỉ có hướng đi”.

Cũng có thể hiểu tâm trạng của vị hoàng đế Pháp khi không thể khuất phục người Nga, mà một trong những nguyên nhân là đường sá tệ hại, không cho phép triển khai sức mạnh áp đảo của kỵ binh và pháo binh Pháp.

Tôi có kể lại cho Yuri chuyện Đài truyền hình Nga RT phỏng vấn các sinh viên Pháp có biết rằng nước Pháp từng xâm chiếm nước Nga và Paris từng bị Sa hoàng Aleksandr 1 chiếm đóng không. Gần như toàn bộ số người được hỏi đã tròn mắt “có chuyện đó thật à” và hỏi lại nước Pháp chiếm nước Nga để làm gì.

Đó đúng là một chương đen tối rất ít được đề cập trong sách giáo khoa lịch sử ở Pháp cho nên sinh viên Pháp không biết cũng phải. Tôi cũng có nói từ “bistro” trong tiếng Pháp chỉ các quán ăn nhanh là từ tiếng Nga, khi các quân đoàn cô-dắc Nga ngồi chờ món ăn dọn lên ở các quán ăn Paris đã hét lên bằng tiếng Nga “buistro” - “nhanh lên” và đó là xuất xứ của bistro mọc lên nhan nhản ở nước Nga hiện giờ. Yuri cười như “Liên Xô” nói thêm từ “sputnik” - vệ tinh nhân tạo - cũng là từ thuần Nga vì Liên bang Xô Viết là nước đầu tiên phóng lên quỹ đạo sputnik.

Chúng tôi cùng vui vẻ hoài niệm chút ít về quá khứ huy hoàng một thời “địa chỉ của chúng tôi - Liên bang Xô Viết” trong khi chờ thông đường. Và quả thật, nước Nga chỉ có hướng đi trong khi đường đi dạng cao tốc bóng lộn như ở các nước phát triển gần như không có, nó xa xỉ như trứng cá caviar loại cao cấp của Nga đối với chúng ta.  

Yuri sinh ra sau khi Liên Xô tan rã đầu những năm 90 nên khó có thể so sánh hai giai đoạn phát triển, cũng như cái được cái mất ở mỗi loại thể chế.

Cái chính với chàng trai trẻ là kiếm tiền để ra ở riêng, không phải tá túc trong căn hộ 2 phòng ngủ của cha mẹ cậu. Nhưng để làm được điều đó không dễ, vì một căn hộ ở Moskva có giá khoảng nửa triệu đô, trong khi thu nhập hàng tháng của chàng trai chưa dám lấy vợ này chỉ khoảng 1.000 USD.

Dĩ nhiên, Yuri cũng có cô bạn gái xinh xắn nhưng để tiến thêm bước nữa thì… “hãy đợi đấy” (tên một bộ phim hoạt hình nổi tiếng thời Liên Xô cũ), khi cái gì ở thủ đô nước Nga cũng đắt đỏ hơn so với các thành phố khác.

 

Điện Kremlin nhìn từ nhà thờ Chúa cứu thế.
Điện Kremlin nhìn từ nhà thờ Chúa cứu thế.

2. Tôi cũng chia sẻ với Yuri về sự quyến rũ, cuốn hút đến “hớp hồn” của các cô gái Nga. Đây cũng là điều duy nhất chúng tôi đồng quan điểm. Theo ý kiến của Yuri, vẻ đẹp Nga là sự pha trộn giữa nét slavo và phương Đông với nụ cười say đắm và cặp mi mắt dài đến vô cùng. Nhưng đường đến với nhan sắc không hề dễ dàng nếu bạn chỉ có mỗi trái tim nóng bỏng.

Yuri kể rằng, một khoản tiền không nhỏ anh ta phải bỏ ra để nuôi dưỡng tình yêu từ quà tặng mỗi dịp lễ lạt đến hàng hiệu phải mua mỗi khi đi dạo các trung tâm thương mại.

“Một cái túi xách coi được cũng cỡ 2.000 USD, chưa kể quần áo này kia. Khổ lắm!”, Yuri nhăn nhó nói. Và dường như nguyên tắc “không tiền thì đừng hòng động đến tôi” đang ngự trị ở nước Nga hiện tại.

Thật khác thời xưa, khi muốn làm quen bạn chỉ cần thuộc dăm ba bài thơ của Pushkin hay kể ra vài cuốn tiểu thuyết của L. Tolstoy. Ngày nay, sự thực dụng đã lên ngôi. Thời thế, thế thời phải thế! Tiêu chuẩn lựa chọn đầu tiên của phụ nữ Nga là khả năng tài chính và sự quan tâm, chăm sóc từ phía ý trung nhân. Cũng đúng như ở mọi nơi trên trái đất .

Một câu hỏi khác được đặt ra là bản thân người Nga nghĩ gì về mình, về tính cách Nga nổi tiếng? Có lẽ, câu trả lời dễ nhất là qua các câu chuyện tiếu lâm, mà về khả năng tự trào thì người Nga không thua kém bất cứ ai.

Khi kể về thói quen thích bù khú, chén chú chén anh của người Nga, Yuri có dẫn câu chuyện, đại ý: Có 3 người, một người Nga, một người Ba Lan, một người Đức trôi dạt tới một hòn đảo không người sinh sống. Để sinh tồn, họ rủ nhau đi câu cá và ngẫu nhiên bắt được một con cá vàng. Cá vàng xin tha mạng, hứa sẽ thực hiện mọi lời ước. Người Ba Lan và Đức muốn có một ly vodka và mau chóng đưa họ về nhà. Còn người Nga xin một thùng vodka, một bàn ăn và… đưa 2 người bạn kia trở lại hòn đảo.

Hay một câu chuyện tiếu lâm khác: Người Nga và người Mỹ tâm sự về thú chơi xe và các chuyến du lịch nước ngoài. Người Mỹ kể rằng khi tâm trạng tốt anh ta đi xe màu sáng, khi tâm trạng không vui thì đi xe màu đen, còn ra nước ngoài chọn màu rực rỡ nhất. Người Nga giải thích rằng khi vui vẻ thì có xe cảnh sát chở, khi tồi tệ thì đi xe cấp cứu và đi nước ngoài một lần duy nhất… trên xe tăng.

Câu chuyện thứ nhất cũng có một phần sự thật về huyền thoại “uống như người Nga”. Vì vodka có ở khắp nơi nên hạn chế hay cấm đoán là điều rất khó thực hiện. Trước đây, Gorbachov cũng đã thử làm nhưng thất bại.

Hiện giờ, Tổng thống Putin cũng đang tiến hành chiến dịch trong sạch hóa bằng cách cấm quảng cáo vodka và cấm cầm chai bia khi đi dạo trên phố. Một vài năm trước, chính phủ Nga đã ra sắc lệnh cấm bán đồ uống có cồn từ 23 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Và liệu nước Nga có thành công khi chống lại quốc nạn nghiện rượu đã ở mức báo động? Khó có thể nói trước và chỉ có thời gian sẽ trả lời. Thật ra theo quan sát của người viết, người Nga uống rượu, bia cũng chừng mực như người Đức, người Anh… và còn thua xa người Việt về khả năng “ngưu tửu”.

Khi ở một thành phố cách không xa Moskva có dựng tượng tôn vinh món ăn pelmenhi - món ăn Nga giống với hoành thánh, có người đã đùa vui rằng có mồi nhậu mà chả lẽ lại thiếu vodka. Nói thế để thấy không dễ gạt bỏ thứ đồ uống quốc hồn, quốc túy của người Nga ở thì hiện tại.

3. Lại chuyển sang đồ nhắm hay khai vị kiểu Nga. Trong lĩnh vực này thì nhìn chung không có khác biệt so với thời Liên Xô trước đây. Các sản vật có tiếng nhất vẫn là salo hay mỡ heo hun khói, bánh mì đen và dưa chuột muối.

Thêm vào đó là cá phơi khô, còn trong các dịp lễ lạt ở nhà thì thường người Nga hay làm thêm món xúc xích chiên, thịt nướng kiểu Nga (sasluc). Có một nhận xét là người Nga ăn nhiều thịt.

Trong các căn tin, nhà ăn tự chọn, vào bữa trưa đàn ông Nga thường chọn món súp bắp cải với nấm và rau xanh (món shi), món thứ hai là thịt heo chiên với khoai tây; phụ nữ thì thường chọn súp củ cải đỏ (borsh), hoành thánh kiểu Nga và bánh kếp phủ crem chua (smetana). Còn món súp cá lừng danh thì thi thoảng mới có và có cảm giác người Nga thích câu cá hơn là ăn cá.

Tuy nhiên, cá vẫn là món chủ đạo trên bàn tiệc kiểu Nga. Trong các cửa hàng ta có thể tìm thấy nhiều loại cá biển, thường là cá hun khói hay cá khô; ít thấy cá tươi.

Nhưng nói tới nước Nga không thể không nói tới món trứng cá caviar lừng danh. Người ta chia trứng cá thành 2 loại: trứng cá đỏ từ cá hồi và trứng cá đen từ cá tầm, tuy trong thực tế chúng hết sức đa dạng. Loại ngon nhất - theo thừa nhận của giới sành ẩm thực, là trứng cá đen, có giá tới 350USD cho một hộp trọng lượng tịnh 50g, nghĩa là đắt ngang vàng.

Có 2 cách ăn trứng cá theo kiểu Nga là cho thêm vào bánh blin - loại bánh xèo kiểu Nga, hoặc phết lên bánh mì trắng đã phủ lớp bơ mỏng. Song, chuyên gia ở một nhà hàng nổi tiếng tại TP Saint Petersburg đã nói với tôi rằng ngon nhất vẫn là xúc ăn bằng thìa bạc để trải nghiệm sự tinh khiết của sản vật này.

Và đó là cách quý tộc Nga xưa kia hay sử dụng. Cũng khá lý thú lịch sử về nguồn gốc trứng cá. Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ 12, trứng cá hồi và cá tầm sau khi nấu trong nước sôi được đem phân phát cho nông nô, còn quý tộc chỉ ăn cá đã bỏ hết nội tạng.

Sau này, Sa hoàng Ivan hung đế mới ăn thử trứng cá đã xử lý bằng nước muối và ra lệnh đưa nó vào thực đơn hàng ngày. Khoảng 300 năm sau, Pie đệ nhất mới truyền lệnh đưa ngành sản xuất trứng cá thuộc độc quyền của nhà nước.

Hiện tại, nước Nga kiểm soát rất chặt chẽ lượng cá hồi và cá tầm tự nhiên. Một trong những biện pháp ngăn chặn săn bắt bất hợp pháp là chỉ cho phép mang ra khỏi cửa khẩu biên giới tối đa 250g trứng cá.

Muốn mang số lượng lớn phải có giấy phép đặc biệt. Nhiều thế kỷ qua, người Nga tin là ăn trứng cá sẽ kéo dài tuổi thọ và tăng cường khả năng sinh lý. Thực hư không rõ nhưng cái rõ nhất là sự thân thiện đáng kinh ngạc của người Nga.

Đối với du khách nước ngoài, khi bạn hỏi người đi đường một căn nhà hay đường phố cụ thể thì thường được nghe câu trả lời “tôi không biết”.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại. Người đó sẽ cầm tay bạn dắt đến trạm xe gần nhất, nơi có treo tấm bản đồ lớn của thành phố và cùng bạn nghiên cứu cách đến nơi cần đến.

Và dù bạn có nói thứ tiếng Nga dở tệ nhất thì người Nga vẫn cố gắng hiểu điều bạn muốn biết. Tôi có cảm giác người Nga rất thích khi du khách nước ngoài nói bằng tiếng bản địa.

Nước Nga và người Nga đã tự tin như chính người Nga hay nói: Đất nước chúng tôi đã chiến thắng đói nghèo, mùa đông thì không thể kéo dài quanh năm và gấu trắng chỉ sống ở cực Bắc. Âu là vậy!

Bích An/sggp

Có thể bạn quan tâm