Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Con đường đẹp nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sớm mai, nắng len nhẹ trong cái lạnh sẽ sàng. Nghe đâu đó vọng lại lời hát của đám trẻ nơi đầu ngõ: “Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh. Nhà vẫn luôn chờ ta”…

Mẹ gọi điện hỏi: Ngày nào thì con được nghỉ Tết? Thật ra thì mẹ không dám hỏi thẳng ra là ngày nào con về. Câu hỏi mà tất cả những người mẹ, năm nào cũng đợi chờ bằng cách đếm tháng, đếm ngày.

Trời rét ngòn ngọt, không dưng lòng cứ quay quắt nhớ bếp lửa ấm thật ấm, thơm thật thơm hương vị của những món ăn đậm vị quê. Có những món ăn đơn giản ngày thường, cũng có món ăn chỉ có thể chờ đến Tết mới có.

Năm nào mẹ cũng để dành được một con gà thật già. Đó là nguyên liệu chính làm món thịt nấu đông. Kiếm thêm miếng thịt thủ nữa để tạo chất kết dính cho món ăn. Nồi thịt được nấu thật kỹ, thật nhừ, các loại thịt và gia vị thật thấm quyện vào nhau. Rồi cứ để nguyên như vậy cất vào nơi an toàn, thời tiết sẽ làm cho chúng tự đông quánh lại. Đến bữa ăn thì xắn lấy từng miếng bày ra đĩa. Nhờ có món này mà mấy ngày Tết tươm tất hơn.

Nhiều năm trôi qua rồi, nhưng mỗi khi gió ngun ngún rét, tôi lại như thấy hương vị của món thịt nấu đông dậy lên. Cái vị thơm của thịt, của nấm mèo, của trần bì, hạt tiêu… quyện trong bát cơm nóng và tiếng nói cười ríu ran hương xuân luôn khiến lòng tôi cảm thấy ấm áp. Có lẽ vì cái cảm giác ấm áp ấy mà thỉnh thoảng tôi lại lụi cụi nhóm bếp than, nấu cho sắp nhỏ món ăn đã từng quấn quýt mãi với tuổi thơ của mình.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Những ngày cuối năm, chúng tôi tha thẩn chơi ở đầu ngõ và hóng lên phía đầu đường, chờ mẹ đi chợ về. Mỗi lần mẹ từ chợ về, trong chiếc thúng buộc phía sau xe, bao giờ cũng có một thức quà gì đấy. Nhưng cái nỗi trông mong mẹ về chợ của những ngày cuối năm cũng khác hẳn ngày thường. Đó là ngày chúng tôi sẽ có thêm áo quần mới, giày dép mới.

Có lẽ chỉ những ai từng trải qua cảm giác ngóng đợi bộ quần áo và đôi dép duy nhất được sắm mỗi năm, mới hiểu được cảm giác của những đứa trẻ quê ngày ấy. Giờ tôi vẫn hình dung được cảnh tượng khi ấy, chúng tôi mặc bộ quần áo còn nguyên nếp gấp và mùi hồ, xỏ đôi dép mới tinh, mà thường là cả quần áo và dép đều rộng rinh so với người, để còn mang được cả năm sau, rồi chạy ào đi khoe với đám bạn.

Bây giờ, người mong ngóng Tết không phải là chúng tôi nữa. Thỉnh thoảng, tôi nhắc lại chuyện cũ, xong chèo kéo mẹ nấu lại mấy món xưa. Khi thì món cá om dưa, khi món cá vùi trấu, khi lại nấu cơm bằng nồi gang trên bếp củi để hóng miếng cơm cháy giòn thơm. Nhìn mẹ lụi cụi nhóm lửa, ra ra vào vào, tay trước tay sau, tôi như gặp lại cả một khoảng trời chất chứa đầy hoài niệm.

Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ, không biết con người ta có thể sống mà không có ký ức, không có hoài niệm không? Hẳn là không thể nào rồi, vì hoài niệm luôn là những thứ đẹp đẽ, khiến con người có thể đi qua bao năm tháng mà vẫn như thấy được mình của ngày đã qua, để có thứ mà níu mình lại, để tạo ra những điều đẹp đẽ khác cho hiện tại.

Phải mãi đến khi ngồi ngóng chờ những đứa con đi xa trở về, tôi mới hiểu được tận cùng những năm tháng mẹ tôi đã dõi theo những bước chân của chúng tôi. Khi cánh cổng nhà vừa mở, bọn trẻ cất tiếng gọi mẹ, tiếng gọi như xoáy vào lòng niềm hạnh phúc vỡ ra theo hành trình trở về của con.

Đến lúc ấy, tôi mới hiểu con đường đẹp nhất với mỗi người chính là lối về nhà mình, nơi có cha mẹ và những bữa cơm ấm áp nương náu mãi tận tâm can. Con đường ấy không hẳn phải là con đường ngập tràn sắc hoa, nhưng bốn mùa như đầy hoa nở trong lòng. Con đường ấy có thể chỉ là một lối nhỏ đầy ổ gà và cỏ dại, nhưng bước chân lại vững chãi vô cùng. Con đường ấy có thể dẫn về xóm nhỏ heo hút xa xôi, nhưng lại ngập tràn ánh sáng của những yêu thương.

Cuộc đời có trăm vạn nẻo đưa chúng ta đến những chân trời xa lạ, đầy bất ngờ và vô định. Nhưng chỉ cần có một nẻo về luôn có mẹ trông mong ngóng đợi, nẻo ấy sẽ mãi là nẻo đường đẹp nhất. Nó đẹp nhất là bởi nó có hồi ức, có kỷ niệm, có yêu thương và có cả tương lai nữa.

Những tờ lịch nằm chờ thời gian đi nốt những ngày cuối để khép lại một năm. Đâu đó vẫn vọng lại lời hát của đám trẻ: “Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh. Nhà vẫn luôn chờ ta”…

Có thể bạn quan tâm