Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố, tính đến nay cả nước có 2 tỉnh Lạng Sơn, Phú Yên có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 2 xã Hồng Thái, huyện Bình Gia và xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn làm 199 con gia súc mắc bệnh; trong đó có 105 con trâu và 94 con bò. Số gia súc chết và tiêu hủy là 1 con bò.
Trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch như: Bao vây, khoanh vùng dập dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng có nguy cơ cao; rà soát tổng đàn, buộc các hộ dân nuôi nhốt tại chỗ; lập các chốt để ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh và tạm thời đình chỉ việc buôn bán, giết mổ và vận chuyển gia súc ra, vào vùng dịch.
Cùng với đó, cơ quan thú y của huyện, phối hợp với cán bộ thú y xã, công an xã và cán bộ của từng thôn, tổ chức thành từng đội phòng, chống dịch. Theo đó, mỗi tổ có nhiệm vụ rắc vôi bột xung quanh những khu vực chăn nuôi, đường vào thôn…
Ngoài ra, các địa phương triển khai các tổ phòng-chống dịch bệnh lở mồm long móng đi đến từng hộ có chăn nuôi trâu bò để phun thuốc tiêu độc khử và tuyên truyền, hướng dân cho người chăn nuôi cách phòng dịch bệnh cho gia súc của mình.
Đối với số lượng trâu, bò đã bị nhiễm bệnh, các địa phương chỉ đạo lực lượng thú y tiêm thuốc, rửa, sát trùng và cấp thuốc cho người dân, cách ly vật nuôi đã bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo cán bộ thú y địa phương, khó khăn nhất trong việc khoanh vùng dịch và dập dịch chính là việc bà con vẫn còn thả rông trâu, bò. Không những vậy, nhiều hộ còn không mặn mà với việc tiêm phòng. Ngoài ra, có một số trâu, bò mới khỏi bệnh người dân đã chủ quan, thả rông ra ruộng.
Hiện các đoàn công tác của Cục Thú y và lãnh đạo cơ quan thú y vùng II vẫn đang tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
Theo TTXVN