Thời sự - Bình luận

Công chức phường làm... tiến sĩ sinh học, không biết gì về chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. “Công chức (cấp) phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học - phát biểu của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng.
 
Công chức vẫn đi
Công chức vẫn đi "làm tiến sĩ" để phông bạt trong khi không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án. Ảnh minh hoạ của LĐ
Trung tâm Công nhận văn bằng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có lần từ chối công nhận văn bằng tiến sĩ của một trường hợp.
Người này, theo hồ sơ, học chương trình Tiến sĩ giáo dục, ngành giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Asia E (AeU, Malaysia) trong thời gian 4 năm. Tuy nhiên, theo thông tin trên hộ chiếu, "tiến sĩ" này chỉ sang Malaysia 4 lần, mỗi lần 2 ngày, tổng cộng 8 ngày.
8 ngày, kể cả thời gian đi đường là có thể lấy bằng tiến sĩ. Câu chuyện ấy từng như một ví dụ về một thứ “phông bạt” chỉ có tác dụng in cạc-vi-dít.
Cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức... là thực tiễn vừa được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng nêu ra hôm qua.
Zing, dẫn lời ông Dũng phát biểu: “Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học”.
Công chức đua nhau học tiến sĩ, trong khi “khá yếu trong thực hiện công việc”, trong khi “đa số không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án”. Và trong khi ngay cả vừa đi học về kinh tế số - kinh tế tuần hoàn về thì cũng chẳng trả lời được câu hỏi đơn giản: “Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu?!”.
Nhớ dư luận từng xôn xao dạo Hà Nội công bố “Chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.
Rồi dư luận cũng lại “lên cơn” trước đề án 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 tiến sĩ.
Và giờ đây, phát biểu rất thẳng, rất thật của Giám đốc sở KHCN TPHCM như là đang xác nhận những hậu quả của cái “não trạng bằng cấp” của những “lò ấp tiến sĩ”, của những mật độ “mỗi ngày một tiến sĩ”, của những “tiến sĩ 8 ngày”, của những người vừa đi học kinh tế số về cũng chẳng biết chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu.
Nhưng đáng lẽ ra câu hỏi công chức phường đăng ký tiến sĩ sinh học để làm gì, câu hỏi “công chức đào tạo tiến sĩ để làm gì” phải là câu hỏi từ dân, và người trả lời phải là....chính quyền chứ không phải ngược lại.
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cong-chuc-phuong-lam-tien-si-sinh-hoc-khong-biet-gi-ve-chuyen-doi-so-890682.ldo

Có thể bạn quan tâm