(GLO)- “Xăm Trắc” được coi là hoạt động sôi nổi nhất của người dân tại địa bàn xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai trong thời gian gần đây. Người người, nhà nhà kéo nhau đi tìm kiếm, đào bới khắp khu vực chỉ với mong ước tìm được cho mình một bộ phận gỗ Trắc còn sót lại. Sau mỗi đêm, có người đem về cho mình cả mấy trăm triệu đồng, còn có người lại trắng tay…
Gỗ quý bị chôn vùi
Một khúc gỗ Trắc ngắn như trên cũng có giá gần 100 triệu đồng. Ảnh: Cẩm Tiên |
Trắc đỏ được xem là một trong ba loại gỗ có giá trị cao nhất ở khu vực Tây Nguyên (sau Huỳnh Đàn và Thủy Tùng). Đây là loại cây gỗ lớn, rất cứng và nặng, trong gỗ có chứa tinh dầu. Trên thị trường, loại gỗ này thường được mua theo ký với giá giao động từ vài trăm cho tới vài triệu đồng một ký, phụ thuộc vào hình dáng và độ lớn của gỗ.
Huyện Kbang được xem là khu vực chứa nhiều loại gỗ quý trong cả nước. Hàng chục năm về trước, khi Trắc chưa được biết đến như một loại gỗ quý thì hàng trăm cây gỗ tại đây đã lần lượt bị đốn để nhường đất cho các hoạt động sản xuất. Bởi vậy, một số lượng gỗ lớn đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Thậm chí chẳng ai thèm lấy loại gỗ này.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Khá (42 tuổi): “Ngày xưa có biết gỗ nó quý vậy đâu, người ta lấy về đóng giường, tủ trong nhà. Thậm chí vì gỗ đó nó dễ cháy, nên có nhà còn chẻ ra để nhóm lửa”.
Giàu lên nhờ Trắc
Ngày xưa không biết đến giá trị của gỗ Trắc, nhưng đến hiện tại giá trị của loại gỗ này khiến người dân nơi đây phải đổ xô nhau đi tìm. Từ người già cho đến người trẻ, ai cũng nung nấu cho mình ước muốn đổi đời nhờ loại gỗ quý này.
Nhiều năm trước, những gia đình may mắn lấy Trắc để đóng bàn, ghế, tủ hoặc hơn nữa là làm nhà thì ngày nay đã thu được số tiền rất lớn từ nó, thậm chí là giàu có. Nhiều nhà ngày xưa lấy Trắc làm cột nhà, giờ đã dỡ nhà đi lấy gỗ bán để sau đó xây lại một ngôi nhà to hơn, đẹp hơn rất nhiều.
Vài năm trước, chị Thảo làm nghề mua ve chai ở xã Sơ Pai đã mua một chiếc bàn bằng gỗ trắc do người dân tộc thiểu số bán với giá 500 ngàn đồng về bỏ ở bếp để đựng đồ đạc lỉnh kỉnh. Vậy mà mới đây người ta tới trả 20 triệu đồng để mua lại chiếc bàn mà chị vẫn chưa muốn bán.
Mấy năm qua, thương lái nhiều nơi đổ xô về khu vực này để thu mua gỗ Trắc. Nhà ai có đồ đạc gì bằng Trắc cũng được chào mua với giá rất cao. Người có thì bán, người không có thì đổ xô đi tìm.
Hành trình xăm Trắc
Anh Tiên (22 tuổi) cùng cây xăm trên tay. Ảnh: Cẩm Tiên |
Ngay từ tờ mờ sáng, người dân trong khu vực đã lên đường đi tìm Trắc. Hành trang mà họ mang theo gồm gói cơm với cá khô hoặc bánh cuốn cùng với chai nước. Cây xăm được làm từ sắt dài từ 2-3 mét, một đầu được mài thật nhọn để đâm xuống đất tìm gỗ. Ngoài ra cuốc, xẻng hay bao tải là những vật dụng không thể thiếu cho công cuộc truy tìm của họ.
Đầu tiên, họ lên kế hoạch tìm địa điểm. Nơi họ chọn xăm Trắc thường là những khu vực mà được nghi ngờ là nơi ngày xưa gỗ Trắc ngã xuống. Dựa theo sự tư vấn của người sinh sống lâu năm tại khu vực này mà họ sẽ phán đoán địa điểm đi xăm cho hợp lý. Họ sẽ đi và chọt cây xăm xuống lòng đất, tùy vào độ cứng và khả năng phán đoán mà họ lựa chọn cho mình những cây xăm với độ dài và kích thước khác nhau. Trong quá trình đi như vậy, nếu đâm thấy gỗ thì họ sẽ kéo cây xăm lên và xem mảnh dăm dính ở đầu xăm. Với người có nhiều kinh nghiệm đi xăm, thì chỉ cần ngửi mùi của đầu xăm, họ cũng có thể đoán được dưới đất là loại gỗ nào. Khi xác định được chắc chắn dưới đất là gỗ Trắc, họ sẽ tiến hành dùng cuốc, xẻng để đào lên. Nếu trong quá trình đào, cảm thấy khối lượng gỗ khá lớn, người dân sẽ không ngại thuê máy múc để múc gỗ lên. Tuy việc này tốn một số tiền không ít, nhưng so với giá trị của khúc gỗ trắc nằm ở dưới lòng đất thì không đáng bao nhiêu.
Đã có nhiều người mang về cho mình số tiền rất lờn từ vài trăm triệu đồng cho đến gần tỷ đồng từ việc đi xăm Trắc. Nhiều trường hợp không đi cá nhân, mà họ quyết định hợp tác với chủ thầu để làm việc theo nhóm. Nhờ vậy, mà cơ hội và số lượng gỗ quý tìm được lớn hơn rất nhiều. Tuy vậy, cũng có rất nhiều những trường hợp không may mắn khác. Bỏ công sức lẫn tiền bạc để thuê máy múc để đào bới, nhưng kéo lên lại không phải Trắc hoặc nếu có chỉ là những đoạn gỗ ngắn bị bọng và mục ở bên trong nên không có giá trị nhiều. Đây cũng là điều dễ khiến người đi xăm chán nản, thất vọng.
Quá trình múc gỗ lên khỏi lòng đất. Ảnh: Cẩm Tiên |
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, có rất nhiều trường hợp đi ngày đi đêm vẫn không xăm được gì. Nhưng có người lại rất may mắn, hết lần này tới lần khác trúng đậm. Có lẽ, chính sự may rủi, chính cái yi vọng một ngày vận may sẽ đến với mình, đã thôi thúc người già lẫn người trẻ ở xã Sơ Pai (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đổ xô nhau đi tìm gỗ quý. Có người tin rằng vận may là có thật, rằng nó sẽ đến với họ một ngày gần nhất, tin rằng lượng giá trị gỗ dưới lòng đất kia có thể sẽ giúp họ giàu lên bất cứ lúc nào. Nhưng cũng có những người rất bình tĩnh và lựa chọn cho mình con đường an toàn với một công việc có thu nhập ổn định và chắc chắn hơn.
Được biết, cơ quan chức năng tại địa phương không cấm việc người dân đi tìm gỗ Trắc. Nếu như giữa người đi xăm và chủ đất có sự thỏa thuận ăn chia hợp lý về tiền bạc thì cơ quan tại đây sẽ không can thiệp. Cơ quan địa phương chỉ can thiệp vào các trường hợp có xảy ra mâu thuẫn cũng như vi phạm vào vùng đất lâm nghiệp. Bởi vậy, người dân tại đây hoàn toàn tự do trong công cuộc “tìm vận may” cho mình.
Cẩm Tiên