Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cộng đồng chung tay phòng-chống sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng-chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam” do Quỹ Toàn cầu tài trợ được phê duyệt và đi vào hoạt động tại Gia Lai từ tháng 10-2018, với địa bàn trải rộng trên 74 xã trọng điểm về sốt rét. Dự án triển khai bước đầu đã góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác phòng-chống.
Một trong những khó khăn trong công tác phòng-chống sốt rét hiện nay của tỉnh là khó tiếp cận đối tượng đi rừng ngủ rẫy để tuyên truyền, do vậy số người mắc sốt rét chủ yếu từ đối tượng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 900 ca mắc sốt rét; trong đó, trên 80% là đối tượng lao động, tập trung nhiều ở người đi rừng ngủ rẫy tại các địa bàn trọng điểm về sốt rét như huyện Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Đức Cơ, Chư Prông, thị xã Ayun Pa...
 Các thành viên CMAT tuyên truyền, vận động người đi rừng ngủ rẫy cách phòng bệnh sốt rét.
Các thành viên CMAT tuyên truyền, vận động người đi rừng ngủ rẫy cách phòng bệnh sốt rét. Ảnh: N.N
Với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét tại địa phương thông qua đội ngũ thành viên nhóm Cộng đồng phòng-chống sốt rét (CMAT), đến nay, dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng-chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam” đã tuyển chọn được 120 thành viên CMAT từ 74 xã thuộc 14 huyện, thị xã trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động chính của CMAT gồm nâng cao nhận thức, cung cấp vật phẩm, phát hiện và chuyển gửi người nghi mắc và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho bệnh nhân. Các thành viên CMAT sau khi được tuyển chọn tham gia các khóa tập huấn sẽ tiếp cận, tuyên truyền đến đối tượng đi rừng ngủ rẫy tốt hơn, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra.
Ông Trần Tấn Vinh-cán bộ phụ trách văn phòng Dự án tại Gia Lai-thông tin: Sau khi được tập huấn, các thành viên CMAT đã tiến hành các hoạt động truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm; cấp võng màn cho 234 người; thu thập dữ liệu 12.900 khách hàng là người đi rừng ngủ rẫy; phát hiện và đưa đến trạm y tế 152 ca nghi mắc sốt rét (trong đó có 50 ca mắc) và hỗ trợ theo dõi điều trị tích cực...
Tham gia CMAT từ tháng 4-2019 đến nay, anh Rơ Lan Tứ (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) là một trong những thành viên tích cực của nhóm. Chia sẻ về công việc, anh Tứ cho hay: “Sau khi được tuyển chọn làm CMAT, tôi được đi tập huấn nâng cao kiến thức về phòng-chống sốt rét, sau đó về tuyên truyền lại cho bà con trong làng giúp họ phòng bệnh, giảm thiểu số ca mắc, nhận biết dấu hiệu bệnh sốt rét để kịp thời phát hiện và điều trị, hạn chế tử vong. Địa phương tôi có nhiều người thường xuyên đi rừng ngủ rẫy còn chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng-chống sốt rét dẫn đến số người mắc bệnh còn cao. Tôi đã phát hiện và chuyển gửi 1 ca mắc sốt rét cho cơ sở y tế, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân trong tuân thủ điều trị, đến nay bệnh nhân này đã khỏi bệnh”. Mới tham gia CMAT được hơn 2 tháng nay, chị Ksor HThí (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cũng đã thu thập được dữ liệu của 152 người thường xuyên đi rừng ngủ rẫy tại địa phương, từ đó tiếp cận, tuyên truyền giúp họ nâng cao nhận thức về phòng-chống sốt rét. Chị chia sẻ: “Mình là người địa phương nên có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền. Công việc tuy vất vả vì phải thường xuyên đi nhiều, nhưng vì đây là việc có ích cho cộng đồng nên mình luôn cố gắng phát huy trách nhiệm”.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-cho biết: “Khó khăn trong việc tiếp cận, tuyên truyền phòng-chống sốt rét cho người đi rừng ngủ rẫy trên địa bàn tỉnh đã phần nào được tháo gỡ nhờ những thành viên CMAT tích cực. Nhờ sự tiếp cận, tuyên truyền thường xuyên này mà nhiều người đã có ý thức hơn trong việc phòng bệnh sốt rét cho bản thân và gia đình, từ đó tiến tới thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét trên địa bàn tỉnh thời gian đến”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm