Cộng đồng trách nhiệm trong phòng-chống lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Thế giới phòng-chống lao năm nay (24-3) có chủ đề: “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”. Việc huy động được người dân cùng cộng đồng trách nhiệm có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh. Muốn huy động được sức mạnh của cộng đồng thì đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng để người dân hiểu và cùng vào cuộc. Tuy nhiên khó khăn về kinh phí khiến chương trình phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh gặp nhiều hạn chế…
 

Ảnh: K.N.B
Tư vấn phòng-chống bệnh lao trong cộng đồng. Ảnh: K.N.B

Về những khó khăn có thể gặp phải trong công tác phòng-chống lao trên địa bàn trong năm 2014, bác sĩ Mai Minh Hiền-Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai chia sẻ: “Năm 2014, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình phòng-chống lao nói riêng, đều bị cắt giảm 2/3 kinh phí, chỉ còn 207 triệu đồng, do đó công tác phòng-chống lao trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Bệnh viện không có tiền mua thuốc bổ cho bệnh nhân lao, không có kinh phí cho công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, không thể chi hỗ trợ kinh phí cho công tác xét nghiệm đờm, phải cắt giảm tiền giám sát và cấp phát thuốc hàng ngày cho bệnh nhân lao... Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ còn thiếu trầm trọng. Cả đơn vị chỉ có 7 bác sĩ kể cả lãnh đạo. Do đó từ lãnh đạo quản lý đến bác sĩ đều tham gia công tác khám và điều trị. Những khó khăn trên đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong công tác phòng-chống lao trên địa bàn năm 2014”.  

Năm 2013, công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh tuy gặp nhiều trở ngại nhưng cũng đã cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra. Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, năm 2013, toàn tỉnh đã phát hiện mới 604 bệnh nhân lao các thể (giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước). Lý do giảm là do năm 2012, được sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu điều tra tại Trại giam Gia trung bằng hình thức chụp phim Xquang hàng loạt để phát hiện bệnh lao, nên số bệnh nhân phát hiện tăng. Trong năm 2013, bệnh viện quản lý điều trị khoảng 750 bệnh nhân, tỷ lệ điều trị khỏi là 82,6%, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2012; 94,3% bệnh nhân điều trị khỏi và hoàn thành điều trị; số bệnh nhân bỏ trị là 2,85%.      

 

Tình trạng thiếu bác sĩ đã và đang ảnh hưởng đến công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Tình trạng thiếu bác sĩ đã và đang ảnh hưởng đến công tác phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Gia Lai đã đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi với quy mô 70 giường, người bệnh đã được tiếp cận dịch vụ y tế đúng chuyên ngành để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên do mới đi vào thu dung nên công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 30% đến 50% và hiện nay chỉ khoảng 78%. Đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được đầu tư một số trang-thiết bị cơ bản do chương trình chống lao quốc gia cấp từ năm 2003 (máy Xquang), máy siêu âm trắng đen và năm 2012 tỉnh cho mua một số máy xét nghiệm cơ bản như sinh hóa huyết học, máy Xquang di động, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh. Được biết sắp tới Bệnh viện sẽ được trang bị đầy đủ trang-thiết bị hiện đại và xe cứu thương để kịp thời khám và điều trị bệnh nhân với thiết bị chất lượng cao.

Tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được trong năm qua là một thách thức không hề nhỏ với những người làm công tác phòng-chống lao trên địa bàn khi mà những khó khăn vẫn tồn tại. Trong đó vấn đề phân cấp trách nhiệm cụ thể sẽ góp phần rất lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Bác sĩ Mai Minh Hiền cho biết: Trong năm 2014, công tác phòng-chống lao sẽ phải tập trung cùng lúc nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Tại trạm y tế xã, các cán bộ y tế xã, y tế thôn làng, cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình, cán bộ đoàn thể, hội nỗ lực vận động những người có dấu hiệu nghi lao đến bệnh viện huyện hoặc bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi để được khám và điều trị. Tại bệnh viện huyện, bác sĩ phòng khám, bác sĩ khoa nội nhi nhiễm cần tăng cường công tác xét nghiệm đờm đối với người nghi lao. Trường hợp kết quả AFB âm tính, hãy chuyển bệnh nhân lên bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi để được chẩn đoán và điều trị. Tại Ban Y tế dự phòng các huyện và thành phố, thống kê báo cáo với chương trình lao tỉnh, tăng cường công tác giám sát, theo dõi bệnh nhân uống thuốc theo công thức (mới) của chương trình chống lao quốc gia 6 tháng (cần theo dõi suốt thời gian điều trị, để tránh đa kháng thuốc, áp dụng từ ngày 1-4-2014). Bệnh viện Lao và Bệnh phổi sẽ tập trung công tác khám sàng lọc, để có chẩn đoán chính xác kịp thời đưa vào điều trị lao một cách có hiệu quả tốt nhất.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm