Thời sự - Bình luận

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông: Cần tầm nhìn chiến lược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-12-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 62/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Sau 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch này, Gia Lai đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông được chú trọng đầu tư; hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải từng bước phát triển; công tác phối hợp chia sẻ dữ liệu được quan tâm đúng mức; công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được tăng cường; vấn đề ứng phó sự cố, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông (TNGT) được chú trọng. Đặc biệt, trong 5 năm (2015-2019), TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 2.021 vụ TNGT, làm chết 1.203 người, bị thương 2.249 người; so với 5 năm liền kề, giảm 10,34% số vụ, giảm 0,91% số người chết, giảm 15,36% số người bị thương. Đặt các chỉ số ấy trong bối cảnh dân số cùng với lượng phương tiện vận tải đường bộ tăng nhanh mới thấy được những kết quả to lớn mà cả hệ thống chính trị và người dân kiên trì phấn đấu trong 5 năm qua.
Ảnh minh họa: Internet
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đảm bảo TTATGT trong 5 năm qua cũng còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trước hết, TNGT có giảm nhưng chưa bền vững, có thời điểm tăng đột biến; số người chết và bị thương vẫn đang ở mức cao. Đặc biệt, các hành vi vi phạm TTATGT còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian qua là kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém do đặc điểm địa hình phức tạp trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, công tác đảm bảo TTATGT cũng gặp không ít khó khăn do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, trong khi đó, phương tiện công cộng chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Một hạn chế nữa là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát vi phạm và phạt nguội hành vi vi phạm TTATGT còn hạn chế; chưa có sự kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Tuy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được đẩy mạnh nhưng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa hình thành được văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Phân tích những hạn chế, yếu kém thời gian qua để thấy rằng, công tác đảm bảo TTATGT trong những năm tới cần phải được triển khai quyết liệt hơn với tầm nhìn chiến lược và những giải pháp mang tính đột phá. Theo đó, việc đầu tiên là phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong giai đoạn 2015-2019. Cùng với đó, ngành chức năng cần mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Muốn đạt được hiệu quả trong xử lý vi phạm thì cần có cơ chế làm trong sạch đội ngũ thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân vào đội ngũ này. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần hướng mạnh về khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là lứa tuổi thanh-thiếu niên; tăng cường giáo dục pháp luật về giao thông trong môi trường học đường. Tất nhiên, vấn đề quan trọng cuối cùng là dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho công tác đảm bảo TTATGT, coi đây là nguồn lực đầu tư để phát triển.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm