Thời sự - Bình luận

Cửa mở, nhưng không dễ vào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 10 năm nỗ lực đàm phán, có lúc tưởng chừng 'không thể vượt qua', Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12-2.
Chỉ còn một bước cuối cùng là chờ Quốc hội nước ta bấm nút thông qua vào tháng 6 tới, dự kiến tháng 7-2020 EVFTA chính thức có hiệu lực và thực thi.
Dù ví đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, nhưng ông Nicolas Audier, chủ tịch của EuroCham, lưu ý rằng kết quả này mới chỉ là khởi đầu. 
EU đặt ra những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật rất cao và chặt chẽ, các yêu cầu kiểm dịch động thực vật đối với sản phẩm nông sản, thủy sản; hay các quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm dệt may, da giày, hàng tiêu dùng, đồ gỗ...
Hơn nữa, EU đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao hơn với các hoạt động cải cách bên trong. Đó là yêu cầu minh bạch hóa đảm bảo môi trường pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động; đảm bảo các nguyên tắc về mua sắm Chính phủ; yêu cầu phát triển bền vững, gắn với tiêu chuẩn môi trường, quyền người lao động, quyền sở hữu trí tuệ...
EVFTA đặt ra yêu cầu cải cách bên trong, tái cơ cấu các ngành, doanh nghiệp để có sức cạnh tranh tốt hơn. Khi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp có sức chống chịu tốt, sẽ là liều thuốc hữu hiệu tăng cường "miễn dịch" với mọi rủi ro bên ngoài, vượt qua vòng xoáy dịch bệnh đang bào mòn kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh rằng những sản phẩm chủ lực của Việt Nam như trái cây, cà phê, gạo, đường, đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày... sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Cửa mở, nhưng không dễ để doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội vàng.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới gần 70% doanh nghiệp đánh giá EVFTA sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ, trong khi năm 2016 tới gần 36% không biết tới hiệp định. 
Doanh nghiệp đã sẵn sàng hơn, nhưng đi liền với đó phải là nỗ lực tự tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe của châu Âu. 
Muốn vậy, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, yêu cầu của bạn hàng, chú trọng đầu tư công nghệ, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm...
Đồng hành cùng doanh nghiệp là Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại cuộc họp bàn đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh tới tăng trưởng rằng không chỉ tập trung chống virus corona mà cần phải chống "virus trì trệ", không dám hành động. 
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế, các quy định pháp luật cho phù hợp với tiêu chuẩn cao của EU. 
Tự thân nền kinh tế cũng phải tái cấu trúc theo hướng tăng tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào thị trường và nâng cấp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ra sân chơi lớn rồi, tư duy người Việt và sản phẩm Việt cũng phải lớn lên. Khi có nội lực tốt, sức cạnh tranh tốt, có khả năng ứng biến với mọi tác động bất lợi từ bên ngoài thì nền kinh tế hay bất cứ doanh nghiệp nào đều hoàn toàn có thể vượt qua được những rủi ro của vòng xoáy dịch bệnh đang bào mòn kinh tế như hiện nay.
Theo NGỌC AN (TTO)

Có thể bạn quan tâm