Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

"Cung đường" gỗ lậu ở Ia Pa: Nhiều tập thể, cá nhân nhận khuyết điểm, bị kỷ luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị giao ban về công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng năm 2019, Thanh tra tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về việc phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai). Mới đây, Thanh tra tỉnh đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề này.



Ngày 16-9, Báo Gia Lai Điện tử có bài phản ánh về “cung đường” gỗ lậu ở huyện Ia Pa. Theo đó, tại địa phương này, tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng lâm tặc ngang nhiên dùng xe máy, xe công nông độ chế để vận chuyển gỗ trái phép từ trong rừng ra ngoài tập kết rồi tiếp tục đưa về các xưởng gỗ trên địa bàn xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa. Gỗ lậu khai thác tại lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Chư Mố, vận chuyển qua trạm cửa rừng của đơn vị này và con đường liên xã nhưng không hề bị phát hiện, xử lý.  

 Lâm tặc sử dụng xe máy để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Ảnh: K.T
Lâm tặc sử dụng xe máy để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Ảnh: K.T

Đối với sai phạm tại Công ty Lâm Anh Gia Lai, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Ia Pa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Đỗ Ngọc Phong để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng. Hiện Công an huyện Ia Pa đang tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ia Pa để củng cố hồ sơ, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với công ty này và các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xác minh các đối tượng đã vận chuyển và bán số gỗ trên cho Đỗ Ngọc Phong cũng như các đối tượng có hành vi khai thác số lâm sản trên theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi báo đăng, tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin. Trên cơ sở chỉ đạo này, Thanh tra tỉnh đã tiến hành làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Ia Pa cùng các đơn vị liên quan. Theo kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Lâm Anh Gia Lai (nơi gỗ lậu từ rừng được vận chuyển về lúc 0 giờ 41 phút ngày 11-9-2019 mà Báo Gia Lai đã phản ánh) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 17-4-2017, do ông Đỗ Ngọc Xuân là chủ sở hữu và là người đại diện pháp luật. Đến ngày 31-8-2018, công ty này đã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với người đại diện theo pháp luật mới là ông Đỗ Ngọc Phong. Qua kiểm tra tại kho xưởng của công ty này, cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ 677 khúc, hộp gỗ có khối lượng là 8,153 m3 chủng loại căm xe (nhóm II) không phù hợp với bảng kê tại xưởng. Trong đó, có hơn 1 m3 gỗ là do 2 ông Nay Khóa và Nay Tiết sử dụng xe lôi vận chuyển tới Công ty Lâm Anh để cất giấu; số còn lại là do ông Phong gom mua của những người dân trên địa bàn để sơ chế rồi nhập chung vào số gỗ có trong hồ sơ và bán cho khách hàng.

Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, UBND xã Ia Kdăm và Ban QLRPH Chư Mố tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường tại khoảnh 5, 6, 7 tiểu khu 1197 thuộc lâm phần của Ban QLRPH Chư Mố. Tại đây, các đơn vị liên quan đã phát hiện có 11 gốc cây gỗ căm xe đường kính 11-20 cm nằm rải rác tại các khoảnh bị đốn hạ bằng cưa xăng. Tuy nhiên, đến ngày 24-9, đoàn liên ngành do Chi cục Kiểm lâm tỉnh thành lập kiểm tra thì phát hiện con số khủng khiếp hơn nhiều so với kết quả trước đó. Cụ thể, theo biên bản lập ngày 24-9 thì đoàn liên ngành phát hiện có 133 gốc cây chủng loại căm xe, cà chít đường kính 11-34 cm bị chặt hạ tại tiểu khu 1197 và tiểu khu 1194 thuộc lâm phần của Ban QLRPH Chư Mố. Toàn bộ thân gỗ đã bị đưa khỏi hiện trường, chỉ còn lại bìa, cành, ngọn; khối lượng gỗ thiệt hại ước tính gần 8,6 m3. Điều lạ là, cũng trên các khoảnh 5, 6, 7 tiểu khu 1197 lúc đầu chỉ có 11 gốc cây bị chặt phá được phát hiện nhưng tại biên bản ngày 24-9 thể hiện: tại khoảnh 5 tiểu khu 1197 có 86 gốc cây bị cưa hạ và tại khoảnh 6 tiểu khu 1197 có 29 gốc cây bị cưa hạ.

Trước những sai phạm xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Ia Pa đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện nhận khuyết điểm trước Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện; ông Dương Sỹ Anh-Kiểm lâm địa bàn xã Ia Kdăm bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Đối với Ban QLRPH Chư Mố, ông Nay Ú-Trưởng ban tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Văn Tuấn-Trạm trưởng và khiển trách 3 cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ia Kdăm. Về phía xã Ia Kdăm, tập thể lãnh đạo, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã nhận hình thức kỷ luật khiển trách do chưa thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo Công an huyện Ia Pa nhận trách nhiệm chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, triển khai các biện pháp đấu tranh phòng-chống tội phạm liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa cũng nghiêm túc nhận khuyết điểm, thiếu sót trước UBND tỉnh vì chưa thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của các ngành chức năng, UBND các xã, đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

 

KHÁNH TOÀN



 

Có thể bạn quan tâm