Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cùng Gia Lai online đón giao thừa chào năm mới (trực tiếp)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những giờ khắc cuối cùng của năm Giáp Ngọ sắp qua. Người người, nhà nhà đang háo hức đón chào năm mới Ất Mùi-2015 sắp đến. Chúng tôi đang có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi sắp diễn ra Lễ hội giao thừa chào xuân Ất Mùi 2015. Lễ hội chào năm mới sẽ được GLO tường thuật trực tiếp để chuyển đến bạn đọc yêu mến Gia Lai hay những người con quê hương Gia Lai đang làm ăn, sinh sống, học tập tại các vùng trong và ngoài nước không có điều kiện về thăm nhà những thông tin, hình ảnh quê nhà trong giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
 

Nhấn F5 để liên tục cập nhật

0 giờ 00 phút: Bầu trời Pleiku rực rỡ với màn biểu diễn pháo hoa hòa cùng với đó là tiếng cồng chiêng của các nghệ nhân. Mọi người cùng nắm tay nhau ngắm pháo hoa và hướng về một năm mới với nhiều thành công hơn, sức khỏe và Gia Lai ngày càng phát triển.

 

* Tại thị xã An Khê

Phần biểu diên văn nghệ kết thúc cũng là lúc kim đồng hồ dịch chuyển dần về con số 12. Đông đảo người dân đều hướng lên bầu trời để chuẩn bị thưởng thức bữa tiệc sắc màu. Đúng 0 giờ ngày đầu tiên của năm mới, những màn pháo hoa đầu tiên đã bung nổ trên bầu trời thị xã An Khê. Hòa cùng tiếng pháo nổ đì đùng là tiếng reo hò, tán thưởng của người xem. Nhiều người đưa điện thoại lên cao chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Một năm mới nữa lại về trong niềm hân hoan của người dân cả nước nói chung và thị xã An Khê nói riêng.

 
 
 
 

23 giờ 56 phút, Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi lời chúc tết đến toàn thể nhân dân trong tỉnh và đánh trống khai Xuân

23 giờ 50 phút, Chùm các ca khúc về Tết đã làm nao lòng tất cả các khán giả có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Tất cả mọi người đang háo hức chờ đón giây phút thiêng liêng chào đón năm mới Ất Mùi 2015

 

Chỉ còn ít phút nữa thôi, năm mới Ất Mùi sẽ chính thức đến với tất cả chúng ta. Ca khúc “Chúc Tết” do tập thể ca sỹ, diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đang đem không khí năm mới đến gần hơn để mọi người cảm nhận thấy rõ nét, khoảng cách giữa năm cũ-năm mới chỉ còn rất ngắn…

Theo quan sát của phóng viên, người dân đã về kín khoảng sân dưới khán đài tại Quảng trường Đại Đoàn Kết lúc này. Tuy vậy, công tác giữ gìn an ninh, trật tự vẫn được đảm bảo.

23 giờ 38 phút, “Mùa xuân ơi”-một sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện da diết vang lên tiếp nối chương trình trên sân khấu lộng lẫy. “Nghe âm vang bao câu chúc an lành/Đất nước gấm hoa yên ấm an vui/Bao em thơ khoe áo mới tươi cười, chào một mùa xuân mới/Xuân, xuân ơi, xuân đã về…”.

Bây giờ là 23 giờ 35 phút. Trên sân khấu, các ca sỹ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đang thể hiện ca khúc “Xuân họp mặt”, sáng tác Văn Phụng. Ca khúc đã thắp lên trong lòng mỗi người những cảm xúc hân hoan, đón chào năm mới trong niềm vui sum họp, đoàn viên.

 

 
 

23 giờ 33 phút, tạm xa với hình ảnh Pleiku xưa và nay, mọi người cùng sống dậy với những xúc cảm thiêng liêng dành cho những người “Lính Trường Sa” nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Nắng mặc nắng, gió mặc gió, cát mặc cát, mưa cứ mưa, các anh vẫn cười tươi trên thao trường mỗi ngày, rồi đêm xuống lại cùng vui với tiếng đàn tiếng hát.

 

 

23 giờ 30 phút, hàng ngàn người dân có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết đang đắm chìm trong những giai điệu nồng nàn của ca khúc “Pleiku xưa và nay”, sáng tác NSƯT Đức Hà. Một Pleiku với vẻ đẹp xuyên thời gian, ở hai chiều đối xứng: xưa và nay được khắc họa rõ nét, có chiều sâu với những vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt của mỗi thời. Qua đó, vun đắp thêm tình yêu Phố núi Pleiku trong mỗi người hôm nay.
 

23 giờ 25 phút, không khí trở nên sôi động với tiết mục “Mùa xuân trở về”. Thông qua giai điệu rộn ràng cùng những ca từ tươi vui, bài hát đã khắc họa nên một khung cảnh mùa xuân duyên dáng và căng tràn sắc hương. Xuân luôn mang những gì đẹp nhất, mang tình yêu, mang niềm vui đến với mọi nhà.

 
 

Cụ Nguyễn Thị Cảnh (74 tuổi, ngụ thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) bộc bạch: “Năm đầu tiên được con gái chở ra Pleiku đón giao thừa. Vui lắm. Các tiết mục biểu diễn khá hay, ca sĩ hát bài “Đêm giao thừa nghe khúc dân ca” vừa rồi rất giàu cảm xúc”.

Ca khúc “Đêm giao thừa nghe khúc dân ca” do ca sỹ Châu Hằng thể hiện
Ca khúc “Đêm giao thừa nghe khúc dân ca” do ca sỹ Châu Hằng thể hiện

23 giờ 20 phút, “... Câu dân ca ấm lòng người đi xa/Nghe nôn nao như chiều 30 Tết/Bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh/Lời dân ca như phù xa con sông/Thương quê hương thương vườn cau luống rau/Câu dân ca giao thừa nơi xa xứ/Có mùa xuân đến từ quê nhà”… Ca khúc “Đêm giao thừa nghe khúc dân ca” do ca sỹ Châu Hằng thể hiện đã đem đến những dòng cảm xúc lắng đọng cho hàng ngàn khán giả đang có mặt theo dõi trực tiếp tại sân khấu Quảng trường Đại Đoàn Kết-TP. Pleiku.

 

“Tết, tết, tết là tết là tết, tết vừa đến đây bên mái hiên nhà/Tết, tết, tết là tết là tết, tết vừa ghé qua trong nhà dưới phố/Tết, tết, tết là tết là tết, cho người ở xa về đây sum vầy/Tết, tết, tết là tết là tết, con cháu ông bà quây quần bên nhau…” 23 giờ 17 phút, những ca từ với chữ tết dồn dập trong ca khúc “Tết là Tết” của nhạc sỹ Nhất Trung được thể hiện qua 2 giọng hát khỏe khoắn Minh Hùng-Uyên Nhi cùng tốp múa nam-nữ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San khiến lòng người thêm nôn nao, chộn rộn. Tết Ất Mùi đúng là đang đến thật gần, chỉ còn cách chúng ta từng giờ, từng phút.

 

23 giờ 17 phút, chương trình tiếp tục những âm thanh vui tươi của ngày Xuân vang lên, rộn ràng cả sân khấu. Liên khúc xuân được các diễn viên trẻ trung, năng động của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San bắt đầu trình diễn với các ca khúc sôi động. Đầu tiên là nhạc phẩm “Mùa xuân long phụng sum vầy” do tốp ca Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San thể hiện. Giai điệu vui tươi, trẻ trung của ca khúc đã đem đến một không khí tươi mới cho lễ hội ngày hôm nay.

Những lời hát tái hiện một cách sinh động nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Việt” “Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà/Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi/Chúc cụ già được sống lâu, sống thọ/Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang”… Đó cũng là lời cầu chúc, là ước vọng của chúng ta dành cho những người thân yêu trong năm mới này.

23 giờ 12 phút, chương trình được tiếp nối bằng màn trình diễn múa rồng của đội múa rồng TP. Pleiku. Hai chú rồng với sự góp mặt của 18 diễn viên đang uốn lượn đầy tự tin và bắt mắt trên sân khấu. Màn biểu diễn này là một nét đặc sắc mới so với các lễ hội giao thừa trước đó.

 
 

23 giờ 10 phút, trên sân khấu lúc này đang là phần biểu diễn mang đậm dấu ấn Tây Nguyên, Gia Lai nói riêng: Màn biểu diễn cồng chiêng do các nghệ nhân đến từ Pleiku Roh thể hiện. Hàng chục chàng trai, cô gái Jrai trong nhịp xoang duyên dáng, bước đi theo nhịp chiêng lúc gần lúc xa… Mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa của những ngày say cùng trời đất, “ăn năm uống tháng” của cư dân bản địa đại ngàn Tây Nguyên được các nghệ nhân Pleiku Roh tái hiện sinh động và hồn chất, cuốn hút.
 

 

Anh Siu Yan-Đội phó Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) tự hào bày tỏ: “Đây là năm đầu tiên đội cồng chiêng của làng tham gia biểu diễn tại lễ hội giao thừa. Chúng mình cảm thấy rất tự hào khi được mang tiếng cồng chiêng của làng giới thiệu đến đông đảo mọi người”.



Em H’Yuên (học sinh lớp 9-Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, huyện Đak Đoa), nói: “Màn biểu diễn này đem lại cho em nhiều cảm xúc trong giờ phút chuẩn bị đón năm mới sang. Em càng thấy yêu và tự hào thêm về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận”.

 

23 giờ 7 phút, Về dự lễ hội có ông Ksor Phước-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Hồ Văn Điềm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đoàn đại biểu các tỉnh Stung Treng (Campuchia); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh và TP. Pleiku; lãnh đạo các huyện, các đơn vị; các lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Các vị lãnh đạo tỉnh tham dự Lễ hội đón Giao thừa
Các vị lãnh đạo tỉnh tham dự Lễ hội đón Giao thừa

 

Bài hát “Mùa xuân ơi, xuân đã về”, sáng tác Nguyễn Ngọc Thiện đã kết thúc chương trình nghệ thuật chào xuân hôm nay. Bây giờ là 23 giờ, chương trình sẽ bước vào nội dung chính của lễ hội giao thừa hôm nay: Chương trình Lễ hội chào xuân Ất Mùi 2015!
 

 

Trên sân khấu lúc này, tiếng trống hội báo hiệu mùa xuân đã vang lên. Sự xuất hiện của hai con rồng được tạo hình với những đường bay lượn mạnh mẽ, tượng trưng cho khát vọng quê hương Gia Lai sẽ bay cao trong năm Ất Mùi sắp tới. Em Nguyễn Triệu Vỹ (lớp 11B2, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh-TP. Pleiku)-một thành viên của Đội múa rồng, cho hay: “Đội rồng vàng của em có 9 thành viên, chúng em tập suốt trong vòng 2 tháng. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là phải điều khiển sao cho tránh để gãy rồng. Được có mặt và biểu diễn trong lễ hội giao thừa mừng xuân Ất Mùi hôm nay, tụi em rất vui và hãnh diện”.

Hàng ngàn người đang hòa trong tiếng trống rộn ràng và mê đắm trong màn vũ điệu đẹp mắt do tập thể ca sỹ, diễn viên, cộng tác viên Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đang thể hiện. Hợp xướng mang tên: “Chào mùa xuân thênh thang Việt Nam (sáng tác: An Thuyên), biên đạo múa: NSƯT Quang Tâm, Công Hưng, Tứ Lục, Văn Cơ và Hoài Liễu là tiết mục mở màn cho chương trình biểu diễn nghệ thuật lễ hội giao thừa chào năm mới Ất Mùi năm nay.

Lời ca khúc vang lên trong nhịp điệu trầm hùng nhưng không kém phần rộn rã với những lời thiết tha: “Ta đi trên đường dài xã hội chủ nghĩa hát ca vang/Rừng Trường Sơn bazan khát khao gọi/Hồn biển Đông mênh mông sóng xô.../Nhịp thời gian xôn xao sức trai trẻ/Cùng dựng xây non sông thắm tươi hơn/Hồ Chí Minh muôn năm dẫn con đường Việt Nam vươn tới...”. Phần hợp xướng đã đem lại bầu không khí rộn ràng, lòng người như hân hoan, phấn chấn hơn.

 

 
 
 
 

22 giờ 35 phút, những ca khúc “Xuân Tây Nguyên”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Những trái tim Việt Nam”, “Xuân ơi xuân đã về” tiếp tục kết nối sân khấu với hàng ngàn khán giả bên dưới. Em Kpuih Hồng (làng Mrong, thị trấn Ya Ly, huyện Chư Pah) phấn khởi nói: “Em và các bạn đã chạy xe máy ra đây từ rất sớm để đón xem lễ hội giao thừa. Đây là năm đầu tiên tụi em ra phố, không khí rất náo nhiệt và đông vui. Các tiết mục văn nghệ cũng rất hấp dẫn”.

Còn với ông Đinh Thái Định (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), đi xem lễ hội giao thừa và bắn pháo hoa đã trở thành thói quen của ông. “Năm nào cũng vậy, tôi phải đi xem cho bằng được, không đi là thấy khó chịu, thiếu thiếu trong người. Thời tiết năm nay lạnh hơn năm ngoái, tuy nhiên dòng người đổ ra đường cũng rất đông”-ông Định vui vẻ chia sẻ.

 

22 giờ 30 phút, sân khấu chương trình lại tiếp tục nóng với những giai điệu sôi động, khỏe khoắn được các chàng trai của nhóm nhạc Bazan mang đến qua ca khúc “Hội cầu mưa”, sáng tác Nguyễn Cường. Ca khúc tái hiện lễ hội cầu mưa thông qua những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những cô gái, chàng trai Jrai.

MC Lệ Hằng của GLOTV đang tác nghiệp tại Lễ hội Giao thừa
MC Lệ Hằng của GLOTV đang tác nghiệp tại Lễ hội Giao thừa
Đông đảo người dân Pleiku và các vùng lân cận đón giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết
Đông đảo người dân Pleiku và các vùng lân cận đón giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

* Còn tại huyện Kbang, đông đảo người dân đang thưởng thức chương trình lễ hội giao thừa và gặp gỡ giao lưu với 22 người con ưu tú năm 2015 của huyện nhà tại Công viên Văn hóa Kbang (thị trấn Kbang).

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Giao lưu với những gương mặt tiêu biểu.
Giao lưu với những gương mặt tiêu biểu.

Ngay từ rất sớm, nhiều người dân đã có mặt ở đây để chờ xem chương trình đặc sắc đón chờ giao thừa. Ông Nguyễn Văn Cường (tổ dân phố 19, thị trấn Kbang) đưa cả gia đình đến đây cho biết: “Trước thời khắc giao thừa, cả gia đình tôi tranh thủ đi chơi cùng nhau. Sau khi dạo chợ hoa, vợ con tôi đòi vào đây từ sớm để kiếm chỗ ngồi đẹp, xem chương trình cho thoải mái”.

Đây là chương trình thường niên mà tất cả người dân huyện Kbang đón đợi vào mỗi đêm 30 Tết. “Lễ hội giao thừa thực sự đã trở thành một món ăn tinh thần rất có ý nghĩa. Năm nào cũng vậy, dù bận rộn với rất nhiều công việc nhà vào đêm 30 Tết nhưng tôi vẫn cùng các con ra đây xem chương trình này”- cô Lê Thị Lan (tổ dân phố 14, thị trấn Kbang) nói.

22 giờ 25 phút, giọng ca đầm ấm, ngọt ngào của Phi Ưng và Rô Hằng trong một sáng tác của nhạc sỹ An Hiếu, ca khúc “Một ngày mới sang” mang hơi thở của mùa Xuân mới với những ca từ, nhịp điệu lắng đọng, da diết.

Hàng ngàn người dân Pleiku và các huyện lân cận đang tiếp tục đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết trong niềm hân hoan, háo hức. Lực lượng an ninh được huy động tối đa để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự của buổi lễ.

 

22 giờ giờ 22 phút, chương trình được tiếp nối với sự xuất hiện của các cô gái duyên dáng trong tà áo dài cách tân. Những giai điệu vui tươi của ca khúc “Đón xuân” vang lên làm thổn thức trái tim của bao người trong thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

 
 
 
 

Năm 2014 là năm đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật của Gia Lai với những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt: kinh tế-văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự đoàn kết, nhất trí một lòng, quân dân Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc và tiếp tục được nâng cao; y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến, chất lượng ngày một nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững… Tự hào về một năm với nhiều thắng lợi sắp qua, chúng ta càng cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong năm Ất Mùi này.
 

 

Trên sân khấu lúc này (22 giờ 10 phút) đang là phần biểu diễn nghệ thuật chào xuân do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Pleiku và các đơn vị: Đội Thông tin, Văn hóa, Nghệ thuật-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phòng Giáo dục TP. Pleiku, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch, Phòng Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San.

* Tại thị xã An Khê
 

 

Đón giao thừa tại thị xã An Khê năm nay không chỉ có riêng người dân thị xã mà còn có sự góp mặt của nhiều người đến từ các huyện lân cận. Anh Nguyễn Tiến Tới, ở huyện Đak Pơ cùng hai người bạn nữa đến đây từ lúc 16 giờ chiều. Khi đến 21 giờ, anh cùng bạn về Hội trường để đón xem lễ hội giao thừa. Anh cho hay: Lúc đầu nghe nói Tết năm nay thị xã An Khê bắn pháo hoa, bạn bè mình ai cũng vui mừng và lên kế hoạch đi xem. Dù đường xa nhưng được đi xem bắn pháo hoa trong tiết trời lành lạnh như thế này chúng tôi cũng háo hức lắm”. Chở bạn gái từ thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) ra thị xã An Khê đón giao thừa, anh Nguyễn Văn Vinh cho hay: “Thay vì lên Pleiku xem bắn pháo hoa như những năm trước, năm nay mình chở bạn gái xuống thị xã An Khê xem bắn pháo hoa để thay đổi không khí. Dù không đông như ở Quảng trường Đại Đoàn kết nhưng không khí đón giao thừa ở đây cũng không kém phần thiêng liêng”.

 
 

21 giờ tối 30 Tết, đông đảo người dân đã kéo về Hội trường 23-3 để chào đón thời khắc quan trọng của năm. Mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng không ngăn nỗi dòng người đổ về Hội trường để đón xem Lễ giao thừa và tận hưởng những màn bắn pháo hoa đẹp đánh dấu cho thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.   
 

 

Lúc này, dòng người đang nối nhau đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết để tham dự lễ hội giao thừa chào xuân Ất Mùi 2015. Thời tiết Pleiku đêm nay không quá lạnh. Ngay từ 20 giờ, nhiều người đã có mặt, chờ đợi giờ phút chương trình diễn ra. Anh Rơ Châm Vun (35 tuổi), ở làng Châm Bôm, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, phấn khởi nói: “3 năm nay, giao thừa nào mình cũng về Quảng trường Đại Đoàn Kết để đón giao thừa. Năm nay cũng vậy. Mình rất thích được đón một năm mới trong bầu không khí vui tươi, đông vui như thế này, đặc biệt là có bắn pháo hoa”.

 
 
Nhiều người dân đổ xô đến các cây xăng đổ đầy nhiên liệu du Xuân.
Nhiều người dân đổ xô đến các cây xăng đổ đầy nhiên liệu du Xuân.
Các đơn vị tham gia Lễ hội giao thừa đã có mặt tại Quãng trường Đại Đoàn Kết cho việc truyền hình trực tiếp.
Các đơn vị tham gia Lễ hội giao thừa đã có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết cho việc truyền hình trực tiếp.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo rực rỡ ánh đèn.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo rực rỡ ánh đèn.
Người dân chuẩn bị nhiều bong bóng bay bán cho du khách đến quảng trường.
Người dân chuẩn bị nhiều bong bóng bay bán cho du khách đến quảng trường.
Đèn trang trí trên đường Quang Trung rực rõ sắc màu.
Đèn trang trí trên đường Quang Trung rực rõ sắc màu.
Một công nhân bên công việc quen thuộc trên đường Hai Bà Trưng.
Một công nhân bên công việc quen thuộc trên đường Hai Bà Trưng.

Có thể bạn quan tâm