Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cuộc sống khởi sắc của cư dân làng chài Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không còn phải sống cảnh lênh đênh theo sóng nước đầy gian nan như những ngày đầu khởi nghiệp ở chốn cao nguyên lộng gió. Hiện nay, cuộc sống của  29 hộ dân xóm nước nổi trên dòng Sê San 4 đã có nhiều khởi sắc sau khi được cấp đất xây nhà "an cư lập nghiệp".

Những số phận lênh đênh

Làng chài lênh đênh trên lòng hồ Sê San 4. Ảnh: N.T
Làng chài lênh đênh trên lòng hồ Sê San 4. Ảnh: N.T



Rời miền quê nghèo khó, 29 hộ dân với trên 90 nhân khẩu từ nhiều vùng miền khác nhau hội họp sống phận đời lênh đênh theo sóng nước trên dòng Sê San, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum để rồi dần hình thành nên một ngôi làng lênh đênh giữa lòng hồ trên vùng đất bazan đầy nắng và gió. Nhớ lại những ngày đầu rời miền quê nghèo đặt chân lên sóng nước lênh đênh, ông Đặng Văn Thân lắc đầu ngao ngán: “Quê tôi ở tận An Giang, thấy có người mách tôi lên Tây Nguyên mà kiếm sống nên tôi đánh liều lên đây chài lưới mưu sinh. Mới chân ráo chân ướt trên sông nên tôi gặp rất nhiều khó khăn khi làm nhà bè rồi lại lênh đênh không xác định được dòng nước, rồi nguồn tiêu thụ. Có lúc tôi tưởng chừng như tuyệt vọng”.

Sê San-“dòng sông chảy ngược” có chiều dài 237 km, với lưu vực hơn 11.000 km2 được mệnh danh là “dòng sông năng lượng”. Không những vậy, Sê San còn nổi tiếng về nguồn thủy sản dồi dào với hệ thủy sinh phong phú gồm những loài cá quý như: anh vũ, lăng, sihanouk, chạch, chép.

Được thiên nhiên ưu đãi, trên Sê San có nhiều loài cá quý, ngư dân ngoài việc tranh thủ đánh bắt cá trên sông mỗi ngày thì xung quanh nhà bè người dân còn nuôi thêm cá lồng với nhiều loại như cá trắm, diêu hồng, thác lác, cá lăng... khi đánh bắt nhiều, người dân nơi đây sơ chế với một hương vị riêng rồi phơi khô tạo nên những món ăn ngon. Tiếng lành đồn xa, những người có hoàn cảnh khốn khó đã kết nối lại, cùng lên mảnh đất Tây Nguyên, tranh thủ nguồn tài nguyên quý giá để làm ăn, đổi đời.

Cuộc sống bình dị của cư dân trên nhà bè. Ảnh: N.T
Cuộc sống bình dị của cư dân trên nhà bè. Ảnh: N.T



Thế nhưng những khát khao mong mỏi một ngày không xa có được mảnh đất cắm dùi, được chính quyền công nhận là những cư dân hợp pháp luôn đau đáu trong lòng mỗi cư dân. Anh Nguyễn Tuấn Vũ, cư dân làng chài đăm chiêu: "Rời miền quê tỉnh An Giang nghèo khó, vợ chồng tôi khăn gói lên Tây Nguyên lập nghiệp. Vừa khó khăn về kinh tế vừa bị chính quyền địa phương không cho phép định cư. Khi cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đuổi thì tôi chèo bè chạy qua địa phận tỉnh Kon Tum. Và ngược lại, khi chính quyền tỉnh Kon Tum đuổi thì lại chạy ngược về tỉnh Gia Lai. Cuộc sống lúc đó khó khăn lắm, không an cư thì sao lập nghiệp được".

Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Sau bao nhiêu năm chờ đợi trong mòn mỏi, mơ ước của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Thấu hiểu được tâm nguyện và nổi khổ của hơn 90 nhân khẩu vốn đỗi khó khăn, chính quyền tỉnh Kon Tum, huyện H'Drai đã quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân an cư. Ông Nguyễn Phú An-Phó Chủ tịch xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum), cho biết “Thấy hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân làng chài, tỉnh Kon Tum, huyện Ia H’Drai đã hỗ trợ cấp đất cho các hộ, mỗi hộ được cấp 400 m2 đất và 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở”.

Món bánh tráng cá cơm nổi tiếng thơm ngon của cư dân làng chài. Ảnh: N.T
Món bánh tráng cá cơm nổi tiếng thơm ngon của cư dân làng chài. Ảnh: N.T



Những căn nhà xây đang dần hình thành, niềm vui ấy đã trở thành niềm vui vô bờ đối với những hộ dân mưu sinh trên vùng sông nước. Từ việc đánh bắt cá và nuôi cá mang lại hiệu quả, những căn chòi cũ nay đã được các hộ đầu tư thêm nhiều loại vật liệu kiên cố dựng lại những căn nhà nổi thêm chắc chắn, thoáng rộng để đón thêm nhiều người tìm đến với làng chài giữa sông nước Tây Nguyên.

Cư dân làng chài đã không còn sống cảnh chui lủi, lo âu nghèo khổ thay vào đó là một cuộc sống khởi sắc nơi quê hương mới. Được sự quan tâm của chính quyền tỉnh Kon Tum, 29 hộ dân xóm nước nổi giờ đây có thể hân hoan, vợ chồng con cái nắm tay nhau nở cười viên mản trong căn nhà mới khang trang kiên cố nơi đất liền.

Trong ánh mắt không giấu nổi niềm vui, ông Thân cười mãn nguyện khi nhìn căn nhà mới của mình: “Thế là chúng tôi được lên bờ định cư rồi. Không còn phải chịu mùa nóng thì nắng cháy da, mùa mưa thì lạnh thấu xương. Nhà bè này chúng tôi sẽ dùng để chứa cá sau mỗi lần đánh bắt và nuôi thêm cá lồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

 Căn nhà trên đất liền được chính quyền tỉnh Kon Tum xây dựng cho các cư dân làng chài. Ảnh: N.T
Căn nhà trên đất liền được chính quyền tỉnh Kon Tum xây dựng cho các cư dân làng chài. Ảnh: N.T



Để hỗ trợ cư dân làng chài ổn định cuộc sống cả trên sông và trên bờ, ông Nguyễn Phú An-Phó Chủ tịch xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) cho biết thêm: "Để các hộ dân làng chài an cư lập nghiệp, ngoài hành động thiết thực như cấp đất và hỗ trợ tiền cho người dân xây dựng nhà cửa tạo điều kiện tốt nhất để người dân có cuộc sống ổn định, chính quyền còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các chương trình hỗ trợ về con giống như cá lăng, cá anh vũ... Chính quyền địa phương dự kiến thời gian tới sẽ xin chủ trương của tỉnh Kon Tum để hỗ trợ các hộ dân canh tác trên bờ bằng cách chuyển đổi một số diện tích đất rừng sang đất nông nghiệp".

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm