Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cựu chiến binh Gia Lai trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhiệm kỳ 2017-2022, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhân Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VII (diễn ra từ chiều 17 đến hết ngày 18-11), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh về những kết quả đã đạt được cũng như một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2022-2027.

*P.V: Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội CCB tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

 

Ông Nay Hứ. Ảnh: Phương Dung
Ông Nay Hứ. Ảnh: Phương Dung

- Ông NAY HỨ: Đây là nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống hội viên cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, với truyền thống “Trung thành-Đoàn kết-Gương mẫu-Đổi mới”, các cấp Hội đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017-2022) đề ra.

Về công tác xây dựng tổ chức Hội, đến nay, toàn tỉnh có 17 đơn vị cấp huyện, 240 tổ chức cơ sở Hội và 1.604 chi hội với gần 35.000 hội viên. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã kết nạp 6.029 hội viên, đạt 114,6% chỉ tiêu Nghị quyết. Các cấp Hội luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững và làm giàu hợp pháp. Cụ thể, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và quan tâm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hội viên; tạo điều kiện để hàng ngàn lượt hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nguồn quỹ nội bộ đạt trên 44 tỷ đồng, giúp nhiều hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp để phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập.

Nhiều hội viên đã chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 89 doanh nghiệp, 379 trang trại và 5.085 gia trại do hội viên CCB làm chủ. Qua tổng kết phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh có 12.322 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hội viên không chỉ làm giàu cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương mà hàng năm còn tạo việc làm cho gần 15.000 lao động là con em hội viên CCB, cựu quân nhân với mức thu nhập ổn định. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng cải thiện; tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu tăng từ 35% (năm 2017) lên 37,35% (năm 2021); tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm từ 7,4% (năm 2017) xuống còn 2,35% (năm 2021).

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã vận động được trên 3 tỷ đồng, làm mới 250 nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ Hội CCB tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) 350 triệu đồng để làm 7 căn nhà “Đoàn kết-Hữu nghị”. Mặt khác, cán bộ, hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương như: “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… Cán bộ, hội viên đã tham gia 30.837 ngày công làm mới, tu sửa, nâng cấp gần 100 km đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, di dời nhà ở...; hiến 85.779 m2 đất, trị giá hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông và các công trình công cộng; đóng góp kinh phí lắp điện thắp sáng và camera an ninh.

   Cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa tham quan mô hình kinh tế của cựu chiến binh Hoàng Văn Thể (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa tham quan mô hình kinh tế của cựu chiến binh Hoàng Văn Thể (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: Phương Dung


* P.V: Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội CCB tỉnh sẽ tập trung vào những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với khâu đột phá nào, thưa ông?

- Ông NAY HỨ: Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022-2027) là đại hội của tinh thần đoàn kết, đổi mới. Điều này được thể hiện rất rõ ngay ở khẩu hiệu hành động: “Trung thành, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, phát triển”. Đại hội tập trung đánh giá một cách toàn diện những mặt đã làm được và phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém; thống nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2022-2027.

Chủ đề của Đại hội là “Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành-đoàn kết-gương mẫu-đổi mới”, xây dựng Hội CCB tỉnh vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội xác định rõ mục tiêu tổng quát và 6 chỉ tiêu cụ thể, gồm: Hàng năm kết nạp từ 1.200 hội viên trở lên và phối hợp bồi dưỡng, giới thiệu cho cấp ủy các cấp xem xét, kết nạp từ 45 hội viên trở lên vào Đảng. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% đến 1,5%/năm; vùng đặc biệt khó khăn giảm 2% trở lên; mỗi năm xóa 40 nhà dột nát cho hội viên nghèo trở lên. Phấn đấu 100% hội viên trong độ tuổi lao động còn sức khỏe được tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu, bồi dưỡng và tìm kiếm được việc làm... Để cụ thể hóa các chỉ tiêu đã đề ra, Hội cũng triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương ứng.

Hội xác định tập trung đẩy mạnh 2 khâu đột phá gồm: nâng cao năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ các cấp; tập trung xóa hộ nghèo trong hộ hội viên CCB dân tộc thiểu số. Mỗi cán bộ phải luôn gương mẫu, “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự soi tự sửa, tự đối chiếu với từng cương vị, trách nhiệm được giao. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong hội viên dân tộc thiểu số, phối hợp rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể hàng năm; vận động hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm