(GLO)- Gần 1 tháng kiểm tra, đánh giá, Đoàn liên ngành của tỉnh Gia Lai đã xác định chính xác vị trí, số lượng và thực trạng các cây gỗ giáng Hương quý hiếm trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai chủ yếu thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Pa quản lý.
Theo đó, từ ngày 29-8 đến ngày 27-9, Đoàn liên ngành của tỉnh cùng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Pa đã tiến hành kiểm tra, đánh giá số lượng, thực trạng cây gỗ giáng Hương hiện có trên lâm phần Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Pa. Về phương pháp thực hiện: Khi phát hiện cây giáng Hương thì Đoàn liên ngành tiến hành sử dụng máy định vị GPS xác định tọa độ, dùng thước để đo đường kính. Đồng thời, đánh số ký hiệu bằng sơn lên thân cây và mô tả, đánh giá thực trạng của từng cây gỗ giáng Hương.
Một cây giáng Hương cổ thụ bị lâm tặc khoét sâu vào thân cây để lấy gỗ tại huyện Kbang. Ảnh: Gia Nguyễn |
Kết quả, Đoàn liên ngành đã đánh giá, thống kê có tổng cộng 410 cây gỗ giáng Hương có đường kính từ 25-160 cm tại vị trí D1.3 m, phân bố rải rác trên 27 khoảnh, 7 tiểu khu thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Trong đó, có 349 cây sinh trưởng và phát triển bình thường; 5 cây bị chết khô tự nhiên; 56 cây bị con người tác động dẫn đến 6 cây bị chết khô, các cây còn lại lá vẫn còn xanh tươi.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, Đoàn liên ngành còn phát hiện tại khoảnh 6, tiểu khu 87 có 1 cây giáng Hương bị cưa hạ từ lâu, cây rỗng ruột từ gốc đến ngọn, bị cắt thành nhiều khúc, không có khả năng tận dụng gỗ và vẫn còn lại tại hiện trường. Đặc biệt, gốc cây có dấu vết bị đốt và hiện đã bị cây đa ký sinh.
Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá thực tế, Đoàn liên ngành của tỉnh đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kbang. Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt số cây gỗ giáng Hương hiện có tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Pa quản lý.
Gia Nguyễn