Multimedia

Emagazine

E-magazine Đặc sản bản địa trở thành sản phẩm OCOP




1. Groach là giống cỏ thơm đặc sản của người Jrai ở vùng đất Đức Cơ. Từ bao đời nay, bà con miền biên viễn vẫn thường dùng loại cỏ này làm muối khô để dành ăn quanh năm. Và, từ một loài cây gia vị nhỏ bé ấy, chị Rơ Ô H’Rin (làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty) đã nâng tầm thành món đặc sản hấp dẫn bao thực khách gần xa.

Chị Rơ Ô H’Rin kể: Groach là một loại cỏ hiếm mọc trên rừng núi, chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Groach có hương thơm độc đáo, chỉ cần đi ngang đã ngửi thấy mùi thơm nhẹ. “Thời còn đói cơm lạt muối, ông bà mình đã mang loại cỏ này về giã cùng các loại gia vị khác để dùng trong bữa ăn hàng ngày. Hương vị của cỏ thơm không hề giống bất cứ một loại cây gia vị nào”-chị H’Rin bày tỏ.



Muối cỏ thơm H’Rin có vị cay nồng của ớt, vị mặn của muối và hương thơm đặc biệt của cỏ Groach. Tất cả hòa quyện thành hương vị đặc trưng khó lẫn. Muối có thể dùng để chấm trái cây nhưng phù hợp nhất vẫn là kết hợp cùng thịt nướng và thịt gác bếp. Cuối năm 2022, sản phẩm “Muối cỏ thơm H’Rin” đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Để duy trì và phát triển dòng sản phẩm này trên thị trường, chị H’Rin đã thu mua và đưa cỏ thơm về treo ở gian bếp. Khi có sẵn nguyên liệu, bất cứ khi nào khách hàng cần, chị cũng có thể làm những mẻ muối thơm ngon. Cùng với đó, chị không ngừng nỗ lực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ nông sản của địa phương và trên các trang mạng xã hội. “Tham gia Chương trình OCOP, tôi được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, đặc biệt là tham dự nhiều hội chợ xúc tiến thương mại... Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Với giá bán 40-50 ngàn đồng/100 gram, tôi cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định”-chị H’Rin chia sẻ.



Trò chuyện cùng P.V, ông Rơ Châm Piyh (làng Trol Đeng) vui vẻ cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi loại gia vị độc đáo của dân tộc mình được nhiều người biết tới. Tại các gian hàng quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, chúng tôi rất dễ bắt gặp hình ảnh muối cỏ thơm. Có được điều này là nhờ tâm huyết của chị H’Rin trong việc gìn giữ, lưu truyền và quảng bá”. Còn ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thì thông tin: “Chúng tôi luôn khuyến khích người dân vượt khó, sáng tạo để có sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, hiệu quả. Muối cỏ thơm H’Rin là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện chứa đựng câu chuyện văn hóa của người Jrai. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân từ khâu bảo hộ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chúng tôi đã giúp chủ thể tiếp cận thị trường”.



2. Gạo Kê Lau của người Jrai ở làng Lũh Rưng (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đã khiến bà con nơi đây rất phấn khởi và tự hào. Năm 2020, 21 hộ dân Jrai liên kết với Hợp tác xã (HTX) Nông-lâm nghiệp Ia Hrú khôi phục giống lúa đặc sản truyền thống Kê Lau, đồng thời xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

Vui mừng khi giống lúa Kê Lau 6 tháng của cha ông mình được hồi sinh và có nhiều người biết tới, ông Rơ Lan Chăm chia sẻ: “Kê Lau là giống lúa truyền thống của người dân tộc bản địa, trồng 6 tháng mới cho thu hoạch và 1 năm chỉ làm được 1 vụ. Nhờ có sự hướng dẫn, liên kết, bao tiêu đầu ra từ HTX nên bà con chúng tôi đã tìm lại vị thế cho cây lúa truyền thống. Đây là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế cho giống lúa Kê Lau”.



Sau khi trồng thử nghiệm và đưa ra thị trường, gạo Kê Lau được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tháng 6-2020, HTX Nông-lâm nghiệp Ia Hrú chủ động liên kết với các hộ đồng bào Jrai gieo trồng 20 ha lúa Kê Lau. Sau 6 tháng, giống lúa này cho thu hoạch với năng suất 3 tấn/ha. Mỗi ký gạo Kê Lau được bán ra với giá 30.000 đồng. “Lúa Kê Lau có đặc tính chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, cho hạt gạo thơm ngon. Tôi đã quyết tâm tìm cách khôi phục giống lúa này với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân bản địa”-ông Huỳnh Văn Ánh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông-lâm nghiệp Ia Hrú cho hay.

Để nâng tầm giá trị và mở rộng thị trường, ông Ánh đã nỗ lực đưa gạo Kê Lau trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài việc “gắn sao” cho sản phẩm, ông Ánh còn giới thiệu, quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn, hội chợ nông sản an toàn của huyện và tỉnh.




3. Túi thổ cẩm Glar là câu chuyện về văn hóa truyền thống của người Bahnar ở xã Glar (huyện Đak Đoa). Những năm gần đây, đồng bào Bahnar ở đây không ngừng khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống thông qua hoạt động của HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar. Việc làm này đã nâng tầm giá trị cho sản phẩm dệt thổ cẩm, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với những phụ nữ người Bahnar như bà Mlốp (thôn Dôr 2) thì dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào máu thịt. Niềm đam mê ấy mỗi ngày càng thêm lớn dần. Năm 2006, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar được thành lập với 30 thành viên, do bà Mlốp làm Chủ nhiệm. Từ một vài sản phẩm ban đầu, đến nay, sản phẩm của HTX khá đa dạng cả về chủng loại và mẫu mã. “Túi thổ cẩm Glar là một trong những sản phẩm đặc trưng của nghề dệt. Chúng được “đánh thức” và “nuôi dưỡng” bởi những đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ trong làng. Năm 2020, HTX đã quyết định chọn túi xách để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Túi được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, từ khâu dệt vải, tạo hoa văn… cho đến may thành sản phẩm. Được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là đòn bẩy giúp sản phẩm văn hóa truyền thống của HTX vươn xa và gia tăng mạnh mẽ giá trị”-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar cho biết.



Theo bà Mlốp, sau khi đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, túi dệt Glar được tham gia trưng bày, triển lãm tại các phiên chợ, hội chợ… Từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, đơn hàng về nhiều hơn. Hiện mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường 50-70 chiếc túi. Mỗi sản phẩm bán ra với giá 350.000 đồng, nếu sản phẩm dệt đẹp, sắc sảo sẽ có giá tiền cao hơn.

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, cuối năm 2020, sản phẩm túi thổ cẩm Glar đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và là sản phẩm thủ công truyền thống duy nhất trong tổng số 32 sản phẩm của huyện đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh tính đến thời điểm này.




Có thể bạn quan tâm