Multimedia

Emagazine

E-magazine Sưu tập sứ ký kiểu “độc nhất vô nhị” tại Gia Lai

Kiểu chơi “một mình một ngựa” với dòng sứ “sinh ra ở vạch đích” này của ông góp phần tạo thêm mảng màu riêng trong giới sưu tầm.

Theo ông Tuyên, hiện nay, sứ ký kiểu càng trở nên quý hiếm, có những món đồ giá trị bằng cả gia tài. “Đất nước xảy ra chiến tranh, loạn lạc, đồ ký kiểu còn giữ đến ngày nay không nhiều. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn của đất nước, nhiều người chưa ý thức được giá trị nên đã bán qua nhiều kênh. Trong đó, nhiều món đồ sứ ký kiểu quý hiếm theo nhau ra nước ngoài và chưa có cơ hội hồi hương”-ông Tuyên lý giải.

nha-suu-tam-bui-van-tuyen-gioi-thieu-bo-suu-tap-su-ky-kieu-9500.jpg
Nhà sưu tầm Bùi Văn Tuyên giới thiệu bộ sưu tập sứ ký kiểu. Ảnh: H.N

Nhà sưu tầm cho biết, đồ sứ ký kiểu là tên gọi của nhóm hiện vật đồ sứ do người Việt Nam (vua, quan lại, thường dân) đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.

Những món đồ ông sưu tầm chủ yếu đặt làm tại Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Đây là nơi khởi nguồn của gốm sứ Trung Hoa và nổi tiếng nhất từ xưa tới nay.

Ông Tuyên cho biết thêm, màu xanh đặc trưng trên sứ ký kiểu còn được gọi là men chàm. Xưa kia, 1 lạng chàm phải đổi bằng 6 lạng vàng. Cộng với kỹ nghệ làm sứ thượng thừa của người Trung Quốc nên sản phẩm thường là vĩnh cửu, không bị tác động bởi thời gian.

3-bo-tra-su-ky-kieu-ngu-dung-vua-dung-2401.jpg
Bộ trà sứ ký kiểu ngự dụng (vua dùng). Ảnh: H.N

Mỗi món đồ sứ ký kiểu với màu xanh trắng đặc trưng được nhà sưu tập Bùi Văn Tuyên trưng bày riêng trong khung kính, có đế đỡ, cho thấy sự nâng niu, trân quý của chủ nhân.

Nhà sưu tập cho biết, những món ông sưu tầm chủ yếu là đồ ngự dụng, quan dụng (vua, quan sử dụng) hoặc đồ ban thưởng cho quan lại, con cháu hay những người có công trạng với triều đình.

Mỗi triều đại, sứ ký kiểu có một đặc điểm riêng, mỗi hiện vật mang theo cả lịch sử trăm năm của các vương triều gắn với những vị vua trong lịch sử. Đó cũng là lý do ông yêu thích dòng sứ ký kiểu đến như vậy dù có thời điểm, sưu tầm được 1 món đồ, vợ chồng ông mất nhiều năm theo đuổi.

Ví như chiếc chén sứ ký kiểu tên A Di Đà Phật ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX dưới triều Vua Gia Long (1802-1820).

Tích xưa ghi lại, Nguyễn Ánh nhiều lần bị nhà Tây Sơn truy đuổi. Một lần, ông và mẹ trốn giữa cánh đồng, khi quân Tây Sơn tiến đến rất gần, chỉ còn cách khoảng 10 bước chân thì lại bất ngờ rút lui. Khi đó, mẹ của Nguyễn Ánh nguyện rằng nếu 2 mẹ con qua khỏi nạn này bà sẽ đi tu. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, bà đã xuất gia. Vua Gia Long đặt ký kiểu một số món đồ sứ ở Trung Hoa mang về tặng cho ngôi chùa nơi mẹ ông tu hành, trong đó có chén sứ A Di Đà Phật.

Hiện ở Việt Nam chỉ còn 5 chén này, 1 ở chùa Từ Đàm (Huế), còn lại 4 chiếc khác thuộc sở hữu tư nhân, trong đó, chén A Di Đà Phật của ông Tuyên là lành lặn nhất.

Đáng chú ý trong sưu tập sứ ký kiểu của nhà sưu tầm là cặp bát long, lân, quy, phụng, bộ uống trà ly mắt trâu là những món đồ ngự dụng hoặc tiếp đãi các sứ đoàn ngoại giao trong những dịp khánh tiết. Hay miếng kim bội Quỳnh Giao Vĩnh Hảo.

“Đây là món đồ dưới triều Nguyễn, vua thường ban cho con gái cả hoặc người nữ có công, giữ tiết hạnh. Do đó, khi nhìn vào miếng kim bội, ta có thể biết thân phận của người đó”-ông Tuyên nói.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) cho biết: Trong các dòng gốm sứ cổ, đồ ký kiểu hiện có giá trị trên thị trường cao nhất. Mỗi món đồ bằng cả một gia tài nên đây cũng là dòng sứ bị làm giả nhiều nhất. Người chơi trước hết phải có khả năng kinh tế, có kiến thức sâu về gốm sứ mới không bị lừa.

Còn theo đánh giá của nhà sưu tầm Võ Văn Hưng (55 Nguyễn Du, TP. Pleiku), người có trên 20 sưu tầm cổ ngoạn thì: “Sưu tập sứ ký kiểu của ông Bùi Văn Tuyên là duy nhất tại Gia Lai và đứng thứ ba ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên”.

Nhà sưu tầm Bùi Văn Tuyên chia sẻ: Trước đây, ông sưu tầm nhiều dòng gốm sứ cổ với số lượng hiện vật rất lớn. Nhưng sau quá trình “gạn đục khơi trong”, hiện nay, ông chỉ giữ lại bộ sưu tập sứ ký kiểu bởi yêu vẻ đẹp hoài cổ trang nhã, giàu giá trị trên món đồ quý hiếm.

Sự ra đời cho tới những tích truyện trên sứ ký kiểu cần được lần giở qua nhiều lớp thời gian. Người chơi có thể nhìn thấy dòng chảy lịch sử cùng những biến cố, thăng trầm trăm năm qua các triều đại phong kiến trên sứ.

Ngoài ra, ông Tuyên còn có bộ sưu tập hổ phách mà bất cứ ai yêu thích vẻ đẹp trang nhã, không phô trương đều phải xiêu lòng.

Từ thú chơi đến cuộc sống của một người, đâu đó, ta có thể nhìn thấy cá tính và tinh thần của một vùng đất. Nếu có thể nói như vậy, nhà sưu tầm Bùi Văn Tuyên trở thành một phần của đô thị cũng trăm tuổi từ những đóng góp thầm lặng của mình.

de-ema-7404.jpg

Có thể bạn quan tâm