Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Quản lý, phát triển rừng cộng đồng: Cần có thêm cơ chế chính sách phù hợp

Năm 2019, hơn 200 hộ dân làng Đaklah-Tờ Rah (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) rất phấn khởi được UBND xã giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng quản lý với tổng diện tích 570 ha. Sau khi tham gia tập huấn về quản lý, phát triển rừng, người dân trong làng được chia làm 13 tổ để luân phiên tổ chức tuần tra, chăm sóc rừng.

Trưởng thôn AMich cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp... trên diện tích được giao. Công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế”.

“Hiện nay, xã đã giao đất, giao rừng cho 5 cộng đồng làng quản lý với tổng diện tích 1.265 ha. Công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp”-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang khẳng định.

Còn tại xã Kon Pne (huyện Kbang), việc giao rừng cho 3 cộng đồng làng quản lý đã bước đầu đem lại kết quả khả quan. Hơn 443 ha rừng do cộng đồng quản lý luôn được bảo vệ tốt bởi ý thức của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Ủi cho biết: Hàng ngày, làng phân công người trực tại các điểm chốt cửa rừng. Đồng thời, kịp thời báo cáo UBND xã khi phát hiện hành vi khai thác, vận chuyển gỗ để kịp thời xử lý. Việc tiếp nhận kinh phí dịch vụ môi trường rừng cũng được chúng tôi chi trả đúng theo quy định.

Còn ông Nguyễn Công Linh-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Kon Pne thì cho biết: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng làng, xã Kon Pne đã xây dựng được lực lượng bảo vệ rừng đông hơn và có tổ chức trong quá trình thực hiện. Việc xâm lấn, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn và dần được kiểm soát; trữ lượng gỗ tại các khu rừng cộng đồng quản lý dần tăng.

“Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, phát huy vai trò giám sát của người có uy tín, già làng, trưởng thôn trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, đề xuất khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng”-ông Linh chia sẻ.

Theo thống kê, hiện trạng rừng năm 2023 của tỉnh Gia Lai là 649.996 ha, phân bố tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Diện tích có rừng của tỉnh hiện đang lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đứng thứ 4 so với cả nước với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú.

Hiện nay, tỉnh đã giao cho 56 cộng đồng dân cư quản lý gần 22 ngàn ha rừng tại các huyện: Đak Đoa, Đức Cơ, Kông Chro, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa.

rung-8-8693.jpg
Người dân làng Đaklah-Tờ Rah (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vui mừng khi được UBND xã giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng quản lý. Ảnh: T.D

Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Để quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng dân cư, các địa phương, đơn vị chủ rừng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về quyền lợi, nghĩa vụ; thường xuyên hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng có lồng ghép quy định về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; tuần tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác quản lý, phát triển rừng cộng đồng vẫn còn bất cập về tính pháp lý, quyền lợi, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng. Trên thực tế, cộng đồng dân cư thôn, làng không phải là một cấp quản lý hành chính nên chưa đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân, vay tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển rừng.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ thực hiện việc giao rừng, chưa thực hiện việc giao đất lâm nghiệp đối với đất chưa có rừng. Điều này dẫn đến khó khăn cho quá trình thực hiện các bước tiếp theo của công tác giao rừng, cho thuê rừng và công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động đã được các đơn vị triển khai thường xuyên nhưng vẫn còn một số cộng đồng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm quản lý diện tích rừng được giao; một số địa phương, đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác hướng dẫn cộng đồng nhận khoán trong việc lập kế hoạch, tổ chức triển khai để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán.

rung-6-6323.jpg
Việc giao rừng cho 3 cộng đồng làng quản lý trên địa bàn xã Kon Pne (huyện Kbang) bước đầu đem lại kết quả tích cực. Ảnh: T.D

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang cho rằng: Tỉnh cần có những giải pháp để gắn kết quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng với hương ước bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư. Cần tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện hương ước bảo vệ rừng.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan nhấn mạnh: Theo khoản 6 Điều 8 Luật Lâm nghiệp 2017, cộng đồng dân cư lần đầu tiên được công nhận là 1 trong 7 chủ rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, vẫn cần có thêm các cơ chế chính sách phù hợp.

Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có và tham gia phát triển rừng trồng.

Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn, phấn đấu nâng cao độ che phủ rừng.

Cùng với đó, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, hỗ trợ các cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, khoán phát triển rừng, sản xuất nông-lâm nghiệp kết hợp theo quy định của pháp luật, đảm bảo diện tích rừng sau khi giao sinh trưởng, phát triển tốt.

de-ema-chi-dungg-01-8578.png

Có thể bạn quan tâm