Multimedia

Emagazine

E-magazine Mê kiểng lá-thú chơi thời hiện đại

Trào lưu chơi kiểng lá ngoại nhập bắt đầu hình thành tại một số tỉnh, thành lớn Việt Nam khoảng năm 2018-2019. Trào lưu thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian dịch Covid-19 và kéo dài cho đến nay. Các loài kiểng lá ngoại nhập, lá đẹp, độc đáo, có sức hút mạnh mẽ trên thị trường chủ yếu nguồn gốc xuất xứ từ các khu rừng nhiệt đới ở Thái Lan, Philippines, Ecuador, Brazil, Guyana… Các dòng kiểng lá phổ biến như Monstera, Anthurium, Philodendron, Alocasia, Epipremnum, Peperomina… khi du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một thú chơi mới. Trong thế giới kiểng lá, sức hút của chiếc lá đến từ sự đa dạng về hình thái, màu sắc biến đổi khác biệt theo từng giai đoạn sinh trưởng, form dáng, đường nét hoa văn kỳ ảo trên từng chiếc lá khiến cộng đồng người mê lá không ngại đầu tư công sức, thời gian để sưu tầm, khám phá, nghiên cứu, tìm hiểu một cách khoa học, bài bản.

Từ một người chơi hoa hồng, anh Trần Xuân Diệu (236/15 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) bắt đầu rơi vào kiểng lá trong thời gian ở nhà cách ly dịch Covid-19.

Anh cho biết: “Chơi kiểng lá là một hành trình thú vị vì mình phải dành thời gian quan sát, tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loài. Từ đó, chủ động điều chỉnh môi trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc để lai tạo thành loài mới với màu sắc, form lá hình dạng độc đáo hoặc biến thể đột biến (variegated). Chơi kiểng lá không đơn thuần là ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên bản của từng chiếc lá, mà còn có thể sáng tạo, nhân giống để tạo ra tác phẩm mang đậm yếu tố cá nhân của người chơi”.

z5949107898927-ce1975ab6a06613f5daf53d65d8ee342-7537.jpg
Sự đa dạng về form dáng, màu sắc, đường nét họa tiết độc đáo của mỗi chiếc lá tạo nên sức hút của thú chơi kiểng lá. Ảnh: Sơn Ca

Nếu như một bộ phận có xu hướng chơi kiểng lá theo định dạng cơ bản, thiên về yếu tố phong thủy thì một số khác định dạng sưu tầm, từ việc đầu tư hệ thống đèn chiếu, phun sương, đến bố trí tiểu cảnh để mỗi không gian, mỗi vườn kiểng lá thực sự là một hình thái tiểu khí hậu khác nhau. Anh Đặng Hoàng Nguyên (Lô A8/06 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thời điểm năm 2018-2019, các loài kiểng lá hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài về, cây thuần chứ chưa xuất hiện các biến thể đột biến. Lúc đó giá kiểng lá rất đắt, tôi đã từng mua một cây đột biến, bao gồm một node và một lá mẹ với giá 85 triệu đồng. Sau khi vận chuyển về đến Pleiku thì cây bị sốc nhiệt mà chết. Đó là một trải nghiệm rất khó quên của tôi trên hành trình mê lá”.

z5949113603425-84d0dd79faa7ea0ec3e973de33275947-2929.jpg
Màu sắc, kích thước, độ dày mỏng của chiếc lá liên tục biến đổi qua từng chu kỳ sinh trưởng. Ảnh: Sơn Ca

Mặc dù không gian dành riêng cho kiểng lá trên ban công chỉ tầm 6 m2 nhưng anh Đặng Hoàng Nguyên lại sưu tầm hơn 100 chi, loài phổ biến, nổi tiếng thuộc các dòng Monstera, Anthurium, Philodendron, Alocasia, Epipremnum… Theo chia sẻ của anh Nguyên, người chơi hiện nay dễ dàng tiếp cận kiểng lá bởi có nhiều nguồn cung cấp tại chỗ, đa dạng về chủng loại với mức giá phổ thông, từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Một điểm thuận lợi khác là các loài kiểng lá ngoại nhập được lai tạo, thuần khí hậu Việt Nam. “Với tư cách người sưu tầm kiểng lá, tôi đang mong đợi tham gia sự kiện triễn lãm mê lá vào cuối tháng 10-2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 3 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, thu hút đông đảo cộng đồng kiểng lá trong nước và quốc tế tham gia”-anh Đặng Hoàng Nguyên hào hứng cho biết.

Khởi động nhập môn với dòng Monstera, anh Nguyễn Quốc Khánh (74 Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku) đã kịp sưu tầm hơn 200 chậu kiểng lá thuộc nhiều loài. Anh Khánh chia sẻ trải nghiệm: “Điều cuốn hút và thú vị nhất khi chơi kiểng lá là kiên nhẫn theo dõi hành trình sinh trưởng. Từ một node cắt, nảy mầm, ra lá sẽ có nhiều thay đổi từ màu sắc, hình dáng, độ cứng, tùy theo điều kiện nhiệt độ, ánh sáng. Mỗi chiếc lá là một bản thể riêng biệt, không lá nào giống lá nào”.

Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá là dễ chăm sóc, dễ thích nghi với nhiều hình thái môi trường, khí hậu nhưng nhìn chung các dòng kiểng lá thường sinh trưởng tốt nhất ở môi trường có điều kiện độ ẩm 60-80%, nhiệt độ 26-30 độ C, cường độ ánh sáng từ 3.000 lux đến 15.000 lux. Từ bài học kinh nghiệm bản thân, anh Thân Xuân Nhựt (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Chơi kiểng lá chuyện cây chết là bình thường. Nguyên nhân có thể do người chơi nghiện tưới cây nên dễ bị úng rễ, do giá thể không phù hợp, nấm bệnh theo mùa. Mỗi khi cây chết là người chơi rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình”. Để đáp ứng yêu cầu về độ ẩm, anh Thân Xuân Nhựt không ngại trải nghiệm phương pháp trồng khí canh, kết hợp môi trường nước của hồ cá, sử dụng bình sục oxy để tạo độ ẩm cho kiểng lá.

Cũng là một người chơi kiểng lá, anh Trần Xuân Diệu (236/15 Phạm Văn Đồng, TP Pleiku) đã thiết kế một lồng dưỡng cây. Tại khu vực lồng dưỡng, anh Diệu chủ động tạo môi trường riêng biệt đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, thuốc điều trị để xử lý cấp cứu, phục hồi kiểng lá. Sau khi cây đã phục hồi sinh trưởng thì đưa ra khỏi môi trường lồng dưỡng để quay trở về giai đoạn chăm sóc nguyên bản.

Trong nhịp sống hiện đại, kiểng lá không chỉ là thú chơi mà còn lại liệu pháp tinh thần giúp giảm stress lành mạnh. Xu hướng xanh hóa từ không gian cá nhân đến các không gian mang tính đặc thù như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, địa điểm kinh doanh, văn phòng… Mức độ phổ biến, hiện diện của của các dòng kiểng lá ngày một gia tăng cho thấy, những giá trị, lợi ích thương mại của kiểng lá đang được khai thác hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm