(GLO)- Những vấn đề "nóng" như giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao; việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đầu tư công trình thủy lợi phục vụ sản xuất... đã được cử tri các huyện: Kông Chro, Ia Pa, Mang Yang và thị xã Ayun Pa kiến nghị với đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trong buổi tiếp xúc ngày 20-6.
Ngày 20-6, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Kông Chro và Mang Yang. Cùng ngày, đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Tham gia các buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Kông Chro. Ảnh: Quang Tấn |
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề “nóng”
Tại các buổi tiếp xúc, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri về kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Theo đó, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.
Sau khi nghe thông báo kết quả, ông Nguyễn Đức Hướng-Phó Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-kiến nghị: “Do tác động của nhiều yếu tố nên giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp trên thị trường đang ở mức quá cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có chính sách bình ổn, điều chỉnh giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nhất là ở những xã vùng xâu, vùng xa của huyện”.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro Nguyễn Đức Hướng tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Tấn |
Tại huyện Mang Yang, cử tri đề nghị Quốc hội có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như những năm qua. Bên cạnh đó, cử tri cho rằng các vấn đề về đất đai, hạ tầng giao thông, công tác quản lý xây dựng còn nhiều bất cập; giá cả phân bón tăng cao trong khi nạn phân bón giả chưa được ngăn chặn triệt để gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân… Ngoài ra, cử tri Đào Thị Nở (tổ dân phố 6, thị trấn Kon Dơng) cho rằng: “Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ bản tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng và đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Điều này khiến đời sống của một bộ phận cán bộ có mức lương thấp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu, phân bón, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao như hiện nay. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức lương cơ bản hoặc sớm thực hiện đề án bố trí việc làm nhằm góp phần cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống cán bộ, công chức, viên chức”.
Cử tri huyện Ia Pa cũng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Cử tri A Hà (thôn Hlin 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đề nghị: “Huyện, xã cần quan tâm giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 11 hộ dân của thôn được bố mẹ chia khi lập gia đình để có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, mong muốn Trung ương, tỉnh, huyện có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại địa phương để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân”.
Trong khi đó, thay mặt cử tri trên địa bàn, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa-kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư một số công trình mang tính cấp thiết tại địa phương như: công trình hồ thủy lợi Ia Thul; công trình bờ kè Bến Mộng; xây dựng cầu từ buôn Jứ (xã Ia Broăi) qua thị xã Ayun Pa nhằm khắc phục tình trạng chia cắt khi lũ về. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa cũng mong các cơ quan chức năng của tỉnh có kế hoạch giám sát, đánh giá hoạt động của các hợp tác xã nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của loại hình kinh tế tập thể quan trọng này, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Tại thị xã Ayun Pa, cử tri ý kiến, kiến nghị liên quan đến các vấn đề về đất đai, chính sách, đầu tư hạ tầng giao thông. Cụ thể, cử tri kiến nghị cần đầu tư, nâng cấp tỉnh lộ 668 (đi qua tỉnh Đak Lak) để tạo thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân 2 địa phương; Luật Chăn nuôi không cho phép chăn nuôi trong đô thị gây khó khăn người dân, đặc biệt là nghề nuôi chim yến; cần nâng cao phụ cấp, chế độ chính sách với người trồng rừng; tăng số lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng sang trồng điều giúp rút ngắn thời gian thu hoạch, dễ vận chuyển…
Giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm
Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các địa phương đã giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy lợi tại địa phương, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Với công trình hồ thủy lợi Ia Thul, hiện nay đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như chủ trương đầu tư và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình có tổng vốn 4.024 tỷ đồng, trong đó, đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 1.700 tỷ. Công trình hoàn thành sẽ đảm bảo nước tưới cho khoảng 8.600 ha cây trồng.
Qua đây, đề nghị Quốc hội sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ để dự án được triển khai. Về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, vừa qua, HĐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tất cả các huyện, thị xã, trong đó có nội dung giám sát các hợp tác xã nông nghiệp. Dựa trên kết luận của đoàn giám sát, các sở, ngành liên quan đang xây dựng kế hoạch, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, nhất là về xây dựng chuỗi liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiếp xúc cử tri tại thị xã Ayun Pa. Ảnh: Vũ Chi |
Còn ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thừa nhận tiến độ thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua tỉnh Gia Lai còn chậm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như an toàn giao thông như phản ánh của cử tri. Ông Dũng cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 19.
Ngoài ra, lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Giao thông-Vận tải, Y tế… cũng đã giải trình một số nội dung liên quan đến việc tiêu thụ nông sản, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, kế hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, công tác khám-chữa bệnh…
Về phía đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Lê Hoàng Anh đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời, trao đổi, thông tin đến cử tri những chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ nhằm bình ổn thị trường giá xăng dầu, phân bón. Ông Lê Hoàng Anh cho biết: Quốc hội, Chính phủ cũng đã và đang đặc biệt quan tâm đến phát triển hạng tầng giao thông để tăng cường kết nối logistics nhằm tạo thuận tiện trong vận chuyển, tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Điển hình như tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 2 dự án đường vành đai và 3 dự án đường cao tốc. Đây là các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, có tác động lan tỏa, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.
Qua tiếp xúc tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, đại biểu Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của tỉnh cũng như các địa phương cần vào cuộc kịp thời để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri kiến nghị, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài. Với các dự án đầu tư, chính quyền địa phương cần tranh thủ các nguồn lực triển khai ngay khi có nguồn vốn cấp về, tạo sự đồng thuận trong nhân dân…
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc ở huyện Kông Chro và Mang Yang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đã cảm ơn những ý kiến, đóng góp và sự quan tâm của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đồng thời, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vui mừng thông tin đến cử tri những thành tựu, kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước, của tỉnh trong những tháng đầu năm 2022.
Với những kiến nghị của cử tri, nhất là các vấn đề liên quan đến việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, vật tư nông nghiệp, bên cạnh chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người dân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng đây là những vấn đề lớn được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có nhiều quyết sách để bình ổn giá, đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và giúp người dân ổn định cuộc sống. Với những vấn đề chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo và trả lời cử tri trong thời gian sớm nhất.
QUANG TẤN - VŨ CHI