Phóng sự - Ký sự

Đak Pơ một ngày tháng 7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm ngày 24-6-2014, một sự kiện lớn diễn ra ở nơi này-lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đak Pơ nhưng tôi không có mặt, vì một chuyến công tác xa; tròn một tháng sau sự kiện ấy, tôi về đây với hy vọng lòng mình sẽ thanh thản khi được thắp những nén tâm nhang cho các hương hồn liệt sĩ đã nằm lại để có một chiến thắng lẫy lừng, ghi vào những trang sử vàng son của dân tộc trong cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước năm xưa...
      
1. Cô gái trẻ Phạm Thị Mỹ Dung vừa tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa II thành phố Hồ Chí Minh, người được lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cử làm hướng dẫn viên cho tôi. Rất vui khi bước chân vào Nhà truyền thống chiến thắng Đak Pơ, một không gian trưng bày những hình ảnh, hiện vật có liên quan đến trận đánh lịch sử và một số lĩnh vực đời sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; tuy còn khá khiêm tốn với những gì lẽ ra phải có ở đây, nhưng từ những cái đã có, cũng gợi lại cho chúng tôi nhiều điều bổ ích, bổ sung cho kiến thức hạn hẹp của mình về vùng đất anh hùng này.

 

Thứ 2 từ trái sang, già làng Đinh Bi; Nguyễn Thị Hồng Vân; mẹ Yam; trưởng thôn Đinh Bo. Ảnh: B.H.
Thứ 2 từ trái sang, già làng Đinh Bi; Nguyễn Thị Hồng Vân; mẹ Yam; trưởng thôn Đinh Lo. Ảnh: B.H

Dù chỉ mới vào nghề độ sáu tháng nay, nhưng Dung có vẻ yêu nghề của mình, tôi để ý thấy cô cầm trên tay xấp tài liệu, “là cháu tự soạn thảo theo sách báo đã viết về trận đánh này, nhưng chưa được đầy đủ…”. Dù sao, được vậy cũng quý lắm, hy vọng từ nơi này, từ những gì Mỹ Dung “truyền đạt”, góp một phần tái hiện lại như một “cuốn sử sống” cho thế hệ hiện nay và mai sau thêm lòng tự hào, sự ghi ơn và tôn kính những gì thế hệ trước để lại.

Theo chân Mỹ Dung, chúng tôi đến Đài tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ và khu vực được cho là trạm phẫu phục vụ cho trận đánh năm xưa. Cái nắng đầu giờ chiều của vùng đất giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn này khá gay gắt, thế mà như có phép lạ, khi chúng tôi lên đến Đài tưởng niệm thì những cơn gió nhẹ thổi về, không khí nơi đây trở nên dịu mát hẳn; cái máy ảnh lại sinh chứng, vừa bấm kiểu ảnh đầu tiên ghi lại vị trí mà cách đây một tháng, hôm làm lễ động thổ để xây Đền tưởng niệm liệt sĩ và Đài chiến thắng Đak Pơ thì cái đèn máy ảnh bỗng dưng lóe lên rồi phụt tắt, nên không thể có được những tấm ảnh như ý minh họa cho bài viết này. Mà thôi, chuyện nghề đôi khi nó thế. Trong cái ruổi có cái may, là chuyến thực tế này chúng tôi không thông tin trước cho lãnh đạo huyện và cũng đã gần cuối giờ làm việc buổi chiều, thế mà khi về trụ sở thì Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Đức đang có ở nhà và cũng đang rảnh việc.

 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Câu chuyện của chúng tôi với Bí thư Đức mỗi lúc thêm “cao trào”, anh kể về những gì diễn ra thuận buồm xuôi gió hôm làm lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đak Pơ; là chuyện các chú, các bác, những người lính tham gia trận đánh năm xưa tề tựu về đây khá đông, dù tất cả đã tuổi cao sức yếu, nhưng gặp lại nhau, bao kỷ niệm ùa về, vui buồn chia sẻ cho nhau, động viên nhau vui sống cùng cháu con những ngày còn lại… điều ấy đã truyền sang thế hệ hôm nay lòng tin yêu và niềm tự hào về lớp cha ông một thuở làm nên những chiến công oanh liệt, để lại truyền thống cho đời sau noi theo. Rồi nhất là niềm vui của chuyện chuẩn bị khởi công xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ, Đài chiến thắng vào đầu tháng tám tới, từ đây linh hồn các liệt sĩ trong trận Đak Pơ nói riêng và các liệt sĩ hy sinh ở vùng đất này trong các thời kỳ kháng chiến đã có nơi an nghỉ, cho dù việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các anh cho đến nay gần như là điều không thể, bởi thời gian và điều kiện khách quan nên còn chưa làm được.

2. Mẹ Yam vội vã tìm chìa khóa để mở cửa căn nhà xây bên cạnh nhà sàn khi thấy có khách đến, tôi chột dạ vì đã không nhờ người báo trước cho cuộc viếng thăm này. Chỉ mấy câu xã giao với lãnh đạo xã Phú An về chuyện muốn đến Đê Chơ Gang của tôi, dù đang họp Hội đồng Nhân dân, nhưng Trưởng thôn Đinh Lo và nữ cán bộ xã phụ trách công tác tôn giáo-dân tộc Nguyễn Thị Hồng Vân đã nhanh chóng trở thành những người dẫn đường. Đường về Đê Chơ Gang giờ đã bê tông hóa, so cách đây 5 năm tôi đến, làng đã được “thay da đổi thịt”, trở thành làng điểm kiểu mẫu của cả xã. Nhà gạch lẫn những căn nhà sàn được xây dựng dọc theo những trục đường ngang dọc, cũng đã bê tông sạch đẹp. Mẹ Yam sai người đi gọi già làng, mẹ bảo ông ấy đang ở nhà một người có lễ cúng gì đó. Mẹ Yam là vợ của già làng, trưởng thôn giới thiệu vậy. Khi biết mục đích cuộc viếng thăm này của khách, già làng Đinh Bi hào hứng hẳn lên trong câu chuyện về ngày xưa…

…Thuở ấy, gọi là làng, chứ thực ra chỉ chưa đầy hai mươi hộ, sống nghề nương rẫy quanh dãy Hãnh Hót, du canh du cư theo mùa gieo hạt với một “quy trình” phát-đốt-chọc-trỉa, đói đau vẫn đeo bám, có sinh mà không có dưỡng nên làng chẳng được đông người; còn biết được là ngày xưa, xưa lắm làng Chơ Gang cũng như bao làng khác quanh vùng đã hết lòng hết sức phục vụ cho anh em nhà Tây Sơn. Rồi kháng chiến chống Pháp bùng lên, kháng chiến chống Mỹ tiếp tục nổ ra, người người không kể già trẻ, lớn bé, gái trai cùng tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước làng cứ như là hậu phương và người đồng hành với các đơn vị quân dân chính đảng trên địa bàn An Khê. Nhiều người lính năm xưa hoạt động ở vùng này, cả người còn, người mất mà cho tới bây giờ khi nhắc lại, già làng Đinh Bi còn nhớ được tên, “hồi ấy già cũng là du kích mà”- ông bảo thế.

 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông nhìn qua tôi, rồi nhìn mẹ Yam, “cháu không nhớ sao, Yam là em gái của Đinh Chiêm đấy”. Tôi nhớ rất rõ, chú Đinh Chiêm thoát ly tham gia cách mạng, làm giao liên trên tỉnh từ hồi những năm 1960. Cũng vài lần gặp ông ấy, và nghe khi đã về hưu ông làm nhiều việc cho làng, cho xã, là người được bà con quanh vùng yêu quý, ngoài công việc chung, ông còn là người luôn giúp đỡ những người nghèo khó, là một “thầy lang” của làng, ông cứu chữa cho nhiều người khỏi bệnh bằng chính những cây lá trong rừng. Năm ông mất, hay tin mà tôi không về được, “không sao, công tác mà, thì nay cũng như cháu đã về thăm Chiêm rồi còn gì”- già Bi động viên thật khéo. Nguyễn Thị Hồng Vân ra vẻ chăm chú đến nội dung cuộc chuyện trò của chủ và khách, tôi chủ quan cho rằng “cháu hiểu gì không?”. “Dạ có, nhưng không được nhiều”. Thì ra Vân có biết nhưng chưa rành lắm tiếng Bahnar, thế cũng quý lắm rồi. Bây giờ không nhiều lắm cán bộ người Kinh công tác ở cơ sở biết ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số đâu đấy.

Trưởng thôn Đinh Lo cho biết, làng bây giờ có 104 hộ, 450 người, trong đó có 20 hộ người Kinh, 25 hộ thuộc diện gia đình chính sách. Bề ngoài thấy vậy nhưng làng còn nghèo lắm, có tới 24, 25 hộ thuộc diện nghèo; huyện, xã cũng giúp đỡ nhiều nhưng chưa hết nghèo. Nghèo là do thiếu đất trồng trỉa, bà con chủ yếu trồng bắp, mì, lúa, ớt nên đất ít thì ít sản phẩm, ít tiền… “Nhắn với nhà báo một điều, trong vùng này còn nhiều đất lắm nhưng Nhà nước đã giao cho các doanh nghiệp rồi, giờ làm sao chia lại cho bà con một ít để giúp bà con tăng gia sản xuất, thế thì mới xóa được nghèo”.

Nguyên nhân thiếu đất là do người làng ngày thêm đông, thanh niên lập gia đình tách hộ, mặt khác cũng có một số người bán đất đi, nên mới thiếu. Có lẽ những lời thổ lộ của Trưởng thôn là đúng; tôi đem câu chuyện này trao đổi với Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Đức, cùng chia sẻ với anh cái khó của huyện nghèo lại sinh sau đẻ muộn. Nhưng với hy vọng và tin tưởng chẳng thể cái khó bó được cái khôn, những năm lại đây và thời gian đến huyện, tỉnh cũng cố gắng nhiều trong việc đầu tư cho hạ tầng sản xuất và xã hội; trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập mới năm rồi huyện cũng đã nhìn lại những gì chưa làm được để tìm giải pháp khắc phục, trong đó được biết chuyện giảm nghèo bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề nan giải, nhưng không thể không làm.

Chia tay Đê Chơ Gang, tạm biệt già làng Đinh Bi, mẹ Yam và chàng trai 32 tuổi-một đảng viên, Trưởng thôn-Đinh Lo và Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Đức, người viết bài này mang theo bao điều trăn trở qua những câu chuyện cùng họ, nhưng tôi hy vọng những điều trăn trở, những khó khăn ấy sớm được xử lý bằng những biện pháp hữu hiệu, để xứng đáng hơn với lớp lớp cha anh ngày trước đã anh dũng chiến đấu hy sinh để có một Đak Pơ anh hùng, một truyền thống anh dũng cho hậu thế…

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm