Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đảm bảo các điều kiện tốt nhất tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 27-1, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-2021), 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2021) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia "Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá" cùng đoàn công tác của tỉnh đã có buổi kiểm tra, làm việc với UBND thị xã An Khê về tiến độ triển khai các nội dung liên quan đến việc tổ chức sự kiện này. 
Theo báo cáo của UBND thị xã An Khê, đến nay, các hạng mục đầu tư thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo đã cơ bản hoàn thành. Riêng hạng mục cổng chào, quảng trường hiện khối lượng thực hiện đạt 80%. Ủy ban nhân dân thị xã đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng đôn đốc đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trước ngày 3-2.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND thị xã An Khê
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác làm việc với UBND thị xã An Khê. Ảnh: Quang Tấn
Đến nay, thị xã đã triển khai công tác tuyên truyền về sự kiện quan trọng này trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền bằng hình thức trực quan như pa nô, băng rôn… Đồng thời, thị xã đã làm việc với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định để thực hiện hoạt cảnh tái hiện lễ chiêu binh tụ nghĩa, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.
Cùng với đó, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nội thị, các tuyến đường dẫn vào khu di tích và khu tổ chức lễ hội; triển khai xây dựng nhà vệ sinh, lên phương án lắp hệ thống điện chiếu sáng trong khu vực tổ chức lễ hội; trang trí cổng chào hơi, xếp hoa, cây cảnh… Thị xã cũng đã tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ sở lưu trú, nhà hàng lớn gửi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổng hợp; đăng tải trên cổng thông tin điện tử thị xã, các trang mạng xã hội để du khách biết; chuẩn bị các điều kiện cơ sở, vật chất phục vụ lễ hội và nhu cầu tham quan, thưởng lãm của đại biểu, du khách…
Ngoài ra, UBND thị xã đã chỉ đạo Công an thị xã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội; chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng-chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo chi tiết kịch bản chương trình lễ hội và đang phối hợp với các bên liên quan để hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời lên kế hoạch trang trí sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng... khu vực tổ chức lễ hội.
Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã và đang triển khai tuyên truyền đậm nét các nội dung liên quan đến sự kiện quan trọng này cũng như chuẩn bị các điều kiện để truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thành-Truyền hình, trên Báo Gia Lai điện tử () và fanpage của Báo (https://facebook.com/baogialai.net).
Đoàn đi kiểm tra thực tế các hạng mục thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo
Đoàn đi kiểm tra thực tế các hạng mục thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Quang Tấn
Qua kiểm tra thực tế địa điểm tổ chức lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng của tỉnh. Do đó, các sở, ngành, UBND thị xã cần phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện để sự kiện diễn ra thành công.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thị xã An Khê triển khai xây dựng kịch bản chi tiết, trong đó cần nắm chính xác các dữ kiện lịch sử nhà Tây Sơn để tránh sai sót về lịch sử; triển khai công tác tuyên truyền bằng pa nô, băng rôn… tại TP. Pleiku. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tập trung tuyên truyền đậm nét trước và trong sự kiện quan trọng này.
Cùng với đó, UBND thị xã An Khê chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để hoàn thành các hạng mục đầu tư thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành chức năng, UBND các xã, phường dọn dẹp vệ sinh đảm bảo cảnh quan từ đầu đến cuối thị xã; bố trí điện, nước, nhà vệ sinh đảm bảo; bố trí các bảng chỉ dẫn, giới thiệu các di tích; bố trí lực lượng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội; đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng-chống dịch bệnh… Ngoài ra, thị xã và các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ chú trọng tôn tạo, trang trí, vệ sinh các điểm di tích thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất tổ chức tổng duyệt chương trình buổi lễ vào ngày 8-2 (nhằm 27 tháng Chạp).
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm