Bộ Y tế vừa chỉ thị các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, đảm bảo thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn, tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn, chú ý kiểm tra thực phẩm bày bán tại các chợ, các điểm bán thực phẩm phục vụ Tết, các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chống thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm và thực hiện an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu để kịp thời điều trị và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Không chậm trễ cấp cứu
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết.
Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị.
Đồng thời, tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.
Tăng cường y tế dự phòng
Trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, các địa phương cũng cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm A (H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota và các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.
Bộ yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thương quốc tế, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong.
Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ những vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ, phát hiện, cách ly và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, không để dịch xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Cần chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.
Tổ chức trực bán thuốc 24/24 giờ
Để bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Dược chỉ đạo các bệnh viện, Công ty dược phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá thuốc đột biến, tăng giá hàng loạt.
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ Tết.
Sở Y tế cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến các công tác bình ổn và quản lý giá thuốc dùng cho người.
Theo Chinhphu.vn