Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đám cháy được dập tắt, tiếp tục kiểm soát xung quanh vùng rừng bị cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến 6 giờ ngày 21-2-2013, các điểm cháy trên ngọn núi Chư Nâm, thuộc địa bàn xã Chư Jôr, huyện Chư Pah được khống chế đã kết thúc hành trình gần 3 ngày tỉnh, huyện huy động tối đa nguồn lực để khắc chế ngọn lửa trên các ngọn núi Chư Nâm, Chih Dut Man. Lửa đã tắt, song hãy còn nhiều việc phải làm.  

Lực lượng điều động tiếp ứng sáng ngày 21-2 tại khu vực núi Chư Joorr. Ảnh: Nguyễn Giác
Lực lượng điều động tiếp ứng sáng ngày 21-2 tại khu vực núi Chư Jôr. Ảnh: Nguyễn Giác

Khu vực dưới chân núi Chư Nâm thuộc địa bàn xã Chư Jôr lúc 10 giờ 30 phút ngày 21-2-2013 dòng xe vẫn còn nối dài, có cả xe đặc dụng phòng cháy chữa cháy và lực lượng vũ trang ứng trực tại hiện trường mặc dù điểm cháy đã được khống chế. Sự có mặt của phương tiện chữa cháy và lực lượng vũ trang tại khu vực cháy xuất phát từ việc điều động lực lượng, phương tiện của UBND tỉnh. Theo ông Ngô Ngọc Sinh-Chánh văn Phòng UBND tỉnh trong đêm 20-2, UBND tỉnh đã huy động 640 cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3; cảnh sát cơ động tỉnh; Chi cục Kiểm lâm tham gia chữa cháy. 5 giờ ngày 21-2, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đến hiện trường chỉ đạo, động viên lực lượng tiếp tục triển khai công tác chữa cháy. Đến 5 giờ 30 phút, đám cháy đã được khống chế và dập tắt.

Chiến sỹ Lê Thanh Hưng, biên chế Trung đoàn 48, Sư 320, Quân đoàn 3 mệt lừ, ngồi tựa lưng vào ba lô quân trang nói: 23 giờ ngày 20-2 tất cả chiến sĩ nhận được lệnh chuyển động thái chuẩn bị chống cháy tại huyện Chư Pah, mọi người nhanh chóng chuẩn bị hành trang và lên xe về khu vực đã định. Đến nơi thấy lửa trên núi vẫn còn cháy đỏ, lực lượng nhanh chóng chia thành nhiều tổ đảm nhiệm phần việc dọn đường ranh cách ly khu vực rừng còn lại; tổ thì dập tàn lửa.
 

Các chiến sĩ Quân đoàn 3 chuẩn bị cơm canh cho lực lượng túc trực trong ngày 21-2
Các chiến sĩ Quân đoàn 3 chuẩn bị cơm canh cho lực lượng túc trực trong ngày 21-2. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo tìm hiểu của phóng viên GLO, lực lượng tham gia chữa cháy sáng ngày 21-2 ngoài các công cụ chữa cháy thô sơ như cành cây tươi, cây đập lửa chuyên dụng thì các chiến sĩ mang theo bình đông nước vừa để chống lại cơn khát khi dập lửa; đồng thời đổ nước vào những đóm lửa sót lại đang ẩn mình dưới lớp tàn tro để xử lý dứt điểm nguy cơ lửa tái bùng phát làm cháy rừng. Mặc dù các điểm cháy đã được dập tắt, song người có trách nhiệm vẫn chưa cho rút quân khỏi khu vực cháy, mà tiến hành chia lực lượng làm 2 bộ phận. Phần lớn chiến sỹ tiếp tục ứng trực tại điểm cháy trên đỉnh núi Chư Nâm thuộc địa bàn xã Chư Jôr; số ít chiến sỹ trong lực lượng được điều động xuống núi lo công tác hậu cần cơm, nước phục vụ cho cả lực lượng đang làm nhiệm vụ chốt giữ, kiểm tra các điểm cháy đã được dập tắt.
 

Một bộ phận xuống núi sau khi hoàn thành nhiệm vụ để chuẩn bị công tác hậu cần.
Một bộ phận xuống núi sau khi hoàn thành nhiệm vụ để chuẩn bị công tác hậu cần.Ảnh: Nguyễn Giác

Lửa trên núi Chư Nâm và Chih Dut Man đã tắt hiện ra những khoảnh đất rộng được bao quanh bởi những con đường đá sỏi trơ màu xám xịt của tàn tro chính là hệ quả của vụ cháy rừng kéo dài gần 3 ngày để lại. Những con đường mòn ôm lấy khoảnh đất xám xịt tàn tro ấy không phải đường mòn để dân đi; mà là đường băng cản lửa do chính đơn vị chủ rừng tạo nên để ngăn chặn sự lây lan của lửa khi xảy ra cháy rừng. Thế nhưng, theo nhìn nhận của cơ quan quản lý, trong vụ cháy rừng này mạng lưới đường băng cản lửa không phát huy được tác dụng. Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Đường băng cản lửa chỉ phát huy được tác dụng khi lửa cháy từ trên xuống, gió thổi ngược chiều lửa cháy. Còn diễn biến vụ cháy rừng này thì gió lớn và liên tục đổi chiều, dẫn đến lửa lan sang khu vực khác rất nhanh và khó kiểm soát nên hệ thống đường băng cản lửa được thiết lập bị vô hiệu hóa.

Cũng theo ông Nguyễn Nhĩ thì: Còn mức độ thiệt hại cụ để phải chờ cơ quan chức năng thành lập tổ khảo sát tính toán. Riêng theo đánh giá của UBND huyện Chư Pah thì nguyên nhân vụ cháy kéo dài là do đặc điểm rừng có nhiều lau lách, cỏ tranh, thực bì khô, mật độ rừng trồng dày, liền kề nhau kết hợp địa hình dốc cao, nhiều tầng đồi, lực lượng chữa cháy phải di chuyển từ 4-5 km mới tiếp cận được khu vực xảy ra cháy, bên cạnh đó yếu tố gió mạnh trời nắng hanh nên ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy.
 

Rừng tại núi Chư Joorr sau vụ cháy.
Rừng tại núi Chư Jôr sau vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo báo cáo mới nhất từ UBND tỉnh, vụ cháy rừng trồng trên địa bàn huyện Chư Pah thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý với tổng diện tích cháy ước tính đến thời điểm sáng 21-2 là 270 ha, trong đó có khoảng 60% là diện tích rừng trồng, tương đương 162 ha rừng trồng bị cháy. Trong tổng diện tích bị cháy có khoảng 150 ha thuộc tiểu khu 252, 253 thuộc địa bàn thị trấn Phú Hòa; diện tích còn lại thuộc tiểu khu 249 thuộc địa bàn xã Chư Đăng Ya và tiểu khu 262 thuộc địa bàn xã Chư Jôr.

Ông Ngô Ngọc Sinh-Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Vụ cháy rừng trồng tại huyện Chư Pah đã được khống chế, song theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh các lực lượng vẫn tiếp tục triển khai kiểm soát vùng cháy, dập tắt các tàn lửa tránh bùng phát trở lại. Sau đó sẽ chỉ đạo xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, mức độ thiệt hại, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân liên quan.
 

Trong 3 ngày chữa cháy rừng trồng tại huyện Chư Pah, tỉnh, huyện đã điều động gần 2.000 lượt người thuộc các lực lượng Kiểm lâm, Công an, quân đội, dân quân tự vệ, nhân dân và lực lượng của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah để chữa cháy rừng. Đồng thời, huyện, xã chủ động kinh phí bố trí người kịp thời chuẩn bị cơm, nước phục vụ cho những lực lượng tham gia chữa cháy trong những ngày qua.

Quang Văn-Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm