Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Dân chủ, công khai khi sáp nhập trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vấn đề tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã được đề cập trong Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 của Bộ GD-ĐT mới đây với nhiều băn khoăn của đại biểu các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nghị quyết 19-NQ/TW về tinh giản biên chế nêu: Từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt một cách máy móc 10% biên chế giáo viên… Chủ yếu là tinh giản biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên đứng lớp. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp phải tùy tình hình địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, gia đình. Đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày, sĩ số hợp lý, giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa-thiếu hay tinh giản”.

Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với Trường THCS Nay Der và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê, Gia Lai)-2 đơn vị sẽ sáp nhập trong năm học tới. Ảnh: N.G
Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với Trường THCS Nay Der và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê, Gia Lai)-2 đơn vị sẽ sáp nhập trong năm học tới. Ảnh: N.G
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang thực hiện việc giảm biên chế trong ngành GD-ĐT, nhất là rà soát để sáp nhập các trường học từ Mầm non đến THPT. Nhiều tỉnh đã sáp nhập hàng chục trường, đa số là ở các huyện, xã có số dân thấp và trường dưới 10 lớp. Riêng tại Gia Lai, qua khảo sát và lấy ý kiến rộng rãi, ngành GD-ĐT đã có đề án sáp nhập 55 trường gồm Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT; trong đó có có một số trường ghép 2 cấp THCS với THPT.
Chúng ta thấy, việc sáp nhập trường có thuận lợi là sắp xếp lại hệ thống trường lớp một cách chặt chẽ, không phân tán quá rộng làm phình biên chế cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học hoặc không sử dụng hết công suất giáo viên. Nếu ngành GD-ĐT cả nước làm triệt để thì có thể giảm được hàng vạn biên chế từ cán bộ quản lý, giáo viên đến nhân viên trường học. Đồng thời, các đơn vị cũng tận dụng được cơ sở vật chất, trang-thiết bị để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc sáp nhập trường học ở các địa phương cũng gây ra một số biến động và những khó khăn nhất định. Trước mắt là làm xáo trộn đội ngũ từ nhân viên, cán bộ quản lý đến giáo viên; việc điều động nguồn nhân lực này từ chỗ thừa sang chỗ thiếu hoặc một số phải giải quyết chế độ để nghỉ sớm hay chuyển công tác khác làm phát sinh nhiều yếu tố bất ổn. Bên cạnh đó, các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được điều động về quản lý trường mới sáp nhập, nhất là các trường nhiều cấp học có thể gặp lúng túng.
Trước đây, ngành GD-ĐT nước ta cũng đã có thời tồn tại loại hình trường nhiều cấp học, có nơi ghép cả Mầm non vào trường phổ thông cơ sở (Tiểu học và THCS), có trường dồn cả 3 cấp học (Tiểu học, THCS và THPT). Sau các lần cải cách, trường cấp nào được tách ra cấp ấy nhằm dễ quản lý và giúp nâng cao chất lượng giáo dục vì mỗi lứa tuổi học sinh có đặc điểm tâm sinh lý khác nhau và phương pháp giáo dục cũng có nhiều điểm khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể quản lý được loại hình trường có nhiều cấp học. Hiện nay, các trường Mầm non, phổ thông ngoài công lập đa phần là ghép nhiều cấp học nhưng công tác quản lý, quản trị rất tốt, có uy tín với phụ huynh, học sinh. Tại Gia Lai cũng có một số trường ngoài công lập nhiều cấp học đang hoạt động trong nhiều năm qua. Vấn đề là tâm tư của cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học bị dôi dư khi thực hiện sáp nhập khá lo lắng.
Vì vậy, công tác quản lý cần dân chủ, công khai, minh bạch, nhất thiết không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong việc bố trí, điều động nhân sự, tránh tình trạng khiếu kiện gây bất ổn trong ngành. Việc bố trí cán bộ quản lý cho các đơn vị sáp nhập cần học tập một số tỉnh, thành đã làm là tổ chức thi cử công khai để chọn được những cán bộ có đức, có tài nhằm đưa các trường sớm đi vào ổn định, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm