(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) hiện rất hoang mang lo lắng vì bệnh lở mồm long móng (LMLM) đang bùng phát nhanh chóng trên đàn bò của xã. Thời điểm năm học mới đã cận kề, nhiều hộ dân trông đợi bán bò để sắm sửa quần áo, đồ dùng học tập cho con nhưng lại chờ trong vô vọng.
Bệnh lây lan nhanh
Theo báo cáo của UBND xã Ia Sao, tính đến sáng 7-8, có thêm 9 con bò/tổng đàn 12 con của ông Nguyễn Đức Huệ (ở thôn Quyết Thắng) bị bệnh LMLM. Như vậy dịch bệnh LMLM đã lây lan nhanh chóng trên đàn bò của 5/5 thôn, làng trong xã. Đến sáng 7-8, xã Ia Sao đã có 449 con bò của 120 hộ dân bị bệnh LMLM; có 4 con bò của 4 hộ dân ở các buôn: Hoang 1, Hoang 2, Khăn, H’Liếp bị chết vì LMLM buộc phải tiêu hủy. Ông Lê Xuân Hải-Chủ tịch UBND xã Ia Sao, cho hay: Ngành Thú y đã vào cuộc quyết liệt cùng với chính quyền địa phương và các hộ dân chữa khỏi cho 260 con bò của 31 hộ dân. Tính đến sáng 7-8, vẫn còn 185 con bò của 114 hộ dân bị bệnh LMLM.
Đàn bò của ông Ksor Kly (buôn Khăn, xã Ia Sao) bị bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Đ.P |
Để ngăn chặn dịch bệnh LMLM lây lan sang các địa phương khác, UBND thị xã Ayun Pa đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh LMLM trên địa bàn xã Ia Sao; thành lập Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh thị xã; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh LMLM. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh trực 24/24 giờ trên quốc lộ 25 (ở 2 điểm đầu đi qua địa bàn xã).
Ông Ksor Nhuat-Trưởng trạm Thú y và Chăn nuôi thị xã Ayun Pa, cho biết: Nguyên nhân bò bị bệnh LMLM do vi rút tuýp A gây nên. Đây là tuýp vi rút lần đầu xuất hiện có độc tố rất mạnh, khả năng lây lan nhanh và trước đây đàn bò của thị xã Ayun Pa chưa có kháng thể phòng bệnh vì chưa được chích ngừa chủng vi rút này. Để ngăn chặn dịch bệnh, Trạm đã phối hợp với UBND xã Ia Sao, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch của xã cùng các ban, ngành, đoàn thể nơi xảy ra dịch bệnh tổ chức họp dân để tuyên truyền, hướng dẫn cách ly, chăm sóc, điều trị cho bò bị bệnh; dọn vệ sinh chuồng trại, cấp phát thuốc, hóa chất và hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng chuồng trại 1-2 lần/ngày. Bên cạnh đó, tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không giết mổ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng sản phẩm bò bệnh, chết; lập biển báo cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào khu vực có dịch; đồng thời, rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại và trước cổng các hộ có bò bị bệnh…
Người nuôi bò gặp khó
Dịch bệnh LMLM trên đàn bò của xã Ia Sao đang lây lan khá nhanh. Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nhốt cách ly đàn bò bị bệnh ở nhà, không lùa bò ra bãi chăn thả tập trung. Thế nhưng cái khó là đàn bò của xã hiện có khoảng 2 ngàn con. Chủ tịch UBND xã Ia Sao Lê Xuân Hải cho hay, nhiều hộ dân gọi điện đòi tiền hỗ trợ mua thức ăn cho bò vì buộc phải nhốt cách ly bò bệnh ở nhà. Tuy nhiên, việc này thì xã không làm được vì Nhà nước không có quy định. Vậy nên nhiều hộ dân vẫn cứ thả bò ra bãi chăn thả chung khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng ra địa bàn toàn xã. Trường hợp đàn bò 9 con của hộ ông Huệ ở thôn Quyết Thắng bị lây bệnh LMLM vừa được báo cáo sáng 7-8 cũng do nguyên nhân trên.
Trong buổi làm việc với UBND xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) vào sáng 7-8, ông Nguyễn Ngọc Tiến-Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp 15 ngàn liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng tuýp O và tuýp A cùng với 20 tấn hóa chất Bencocid cho tỉnh Gia Lai để dập tắt dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò. |
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh có nguy cơ kéo dài vì tập quán làm chuồng nhốt bò dưới gầm nhà sàn, không đảm bảo vệ sinh. “Nhiều hộ để chuồng bò lâu ngày không dọn vệ sinh. Bò ngày nào cũng đứng phân ngập lút chân thì làm sao không bị bệnh. Trong điều kiện mất vệ sinh như thế thì công tác chữa trị cũng gặp nhiều khó khăn”-ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã, cho hay.
Thông tin dịch bệnh LMLM lây lan khiến cho người dân lo lắng vì quy định không được mua bán bò trong vùng dịch bệnh. Trong khi đó, năm học mới đang cận kề, nhiều gia đình chỉ trông chờ vào việc bán bò để trang trải các khoản chi phí quần áo mới, sách vở, đồ dùng học tập cho con. Ông Nay Kly-Trưởng thôn Khăn, cho hay: Hầu hết 260 hộ dân trong buôn đều nuôi bò, tổng đàn là 564 con. Đến nay, đã có 171 con bò bị bệnh của 26 hộ dân (có 1 con bò của hộ ông Siu Sô bị chết phải tiêu hủy). “Nhà tôi có con gái lớn học lớp 12, muốn bán 1 con bò cũng không được, có 3 con heo lớn hơn 50 kg/con mà bán cũng không ai dám mua”-ông Nay Kly lo lắng nói.
Đức Phương