Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

"Dân vận khéo" ở vùng dân tộc thiểu số-Kỳ 1: Nông thôn khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong gần 10 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân và đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” điển hình, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nhiều mô hình hay, sáng tạo
Từ bao đời nay, người Jrai trên địa bàn huyện Phú Thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung có phong tục là mỗi làng có 1 nhà mồ riêng nằm gần khu dân cư của làng. Đám tang người chết của làng này không được đi qua sông, suối hay làng khác vì họ quan niệm rằng như thế sẽ mang “xui xẻo” đến cho người dân làng đó. Phong tục lâu đời này gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là ô nhiễm nguồn nước…, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của dân làng, đặc biệt là các thế hệ con cháu. Ý thức được sự nguy hại trên, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người Jrai trên địa bàn không chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng, cùng với đó vận động người dân làm lễ bỏ mả, trồng cây xanh, tiến tới xóa bỏ các khu nhà mồ riêng các làng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại địa phương.
 Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân tộc Jrai trên địa bàn không nên chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng. Ảnh: Dung Tấn
Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân tộc Jrai trên địa bàn không nên chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng. Ảnh: Dung Tấn
Plei Amăng (tổ 20, thị trấn Phú Thiện) là một trong những làng đi tiên phong sau khi chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động hàng chục lần, qua nhiều kênh khác nhau. Ông Kpă Quang-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho biết: “Ban đầu, việc vận động gặp rất nhiều khó khăn do những tập tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sau thời gian dài kiên trì vận động, tuyên truyền từ nhiều kênh như thông qua các già làng, người có uy tín, đoàn viên, thanh niên, chi hội Phụ nữ… để tác động, thay đổi nhận thức của người thân, nhất là những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, đến nay người dân Plei Amăng đã làm lễ bỏ mả và không còn chôn người chết tại khu nhà mồ của làng. Hiện trên địa bàn thị trấn còn 7 nhà mồ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhằm thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị”.
Bà Siu H'Kách (80 tuổi, trú ở Plei Amăng) vui vẻ nói: “Sau khi được cán bộ, con cháu trong làng giải thích về những tác hại của việc chôn người chết ngay tại nhà mồ gần khu dân cư, mình và bà con trong làng đã hiểu và thực hiện theo. Bây giờ, mỗi khi trong làng có người chết thì bà con cũng không làm tang ma kéo dài nữa, vì gây lãng phí tiền của và thời gian. Người chết sẽ được chôn tại nghĩa trang của huyện để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe”.
Thời gian qua, huyện Kông Chro cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo toàn diện công tác dân vận, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua do huyện phát động. Điển hình là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó giúp hàng ngàn hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Trong số này có gia đình ông Đinh Brung (làng Rơng, xã Yang Nam). Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay chính sách, được chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm vận động, hướng dẫn cách làm ăn cùng ý chí không cam chịu đói nghèo, từ 2 bàn tay trắng, giờ đây gia đình ông Brung đã sở hữu cơ ngơi đáng mơ ước trên vùng đất khó Yang Nam. Hiện gia đình ông sở hữu hơn 8 ha đất trồng cây hàng năm như: mì, mía, bí, bắp… cùng đàn bò gần 30 con với thu nhập hàng năm trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 
Gia đình ông Brung sở hữu cơ ngơi đáng mơ ước của nhiều người trên vùng đất khó Yang Nam (Kông Chro). Ảnh: Dung Tấn
Gia đình ông Brung sở hữu cơ ngơi đáng mơ ước của nhiều người trên vùng đất khó Yang Nam (Kông Chro). Ảnh: Dung Tấn
Ông Brung chia sẻ: “Có được cơ ngơi như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của gia đình thì chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể đã hỗ trợ gia đình rất nhiều trong việc hướng dẫn chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc… Thời gian qua, mình cũng đã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con trong làng cách làm ăn, phát triển kinh tế nhằm lan tỏa, nhân rộng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn”. Ông Đinh Dam Ngứ-Bí thư Đảng ủy xã Yang Nam-cho biết: “Ông Đinh Brung không những là tấm gương tốt trong phát triển kinh tế gia đình mà còn là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đặc biệt, ông thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn bà con, anh em họ hàng cách làm ăn, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo trong làng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Kết quả khả quan từ làng kiểu mẫu
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã vận động nhân dân tham gia xây dựng làng NTM kiểu mẫu tại 4 làng Đồn và đã đạt được những kết quả rất khả quan.
  Người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cùng với chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện di dời, sắp xếp lại khu dân cư theo quy hoạch.      Ảnh: Dung Tấn
Người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cùng với chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện di dời, sắp xếp lại khu dân cư theo quy hoạch. Ảnh: Dung Tấn
 
Theo thống kê, đến nay, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 15 làng NTM kiểu mẫu. Đến cuối năm 2018, có 17/17  huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký xây dựng 28 làng thuộc 26 xã thành mô hình điểm làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 2 năm sắp xếp, bố trí lại nhà ở, chuồng trại, vườn tược theo quy hoạch của huyện, diện mạo NTM 2 làng Hek và Pông đã thay đổi nhiều. Các khu dân cư sau khi sắp xếp, quy hoạch lại khá ngăn nắp và gọn gàng, có đường bê tông, điện chiếu sáng. Chuồng trại chăn nuôi đã được người dân di dời ra xa khu dân cư và được xây dựng khá kiên cố; nhà tiêu hợp vệ sinh, những vườn rau xanh, vườn cây ăn quả, những “hàng rào xanh”, “con đường hoa”… cũng được người dân đồng lòng triển khai thực hiện. Vui mừng trước những đổi thay của làng, ông Đinh Mếnh (làng Pông) phấn khởi: “Mình không thể hình dung làng mình lại thay đổi nhanh chóng như vậy, đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, có điện chiếu sáng để trẻ con, thanh niên trong làng tụ tập vui chơi; nhà cửa thì khang trang, ngăn nắp. Dân làng mình rất ưng bụng”.
Không những quy hoạch, sắp xếp lại nhà cửa, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Phú Thiện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất nhằm từng bước tăng thu nhập, tiến tới giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua 2 năm đẩy mạnh thực hiện, bà con làng Pông đã dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Điển hình, trong năm 2018, ngành chức năng huyện, xã đã vận động người dân chuyển đổi hơn 80 ha đất lúa 1 vụ sang xây dựng cánh đồng mía lớn nhằm nâng cao thu nhập. “Được cán bộ xã, Mặt trận và các đoàn thể xuống vận động nên gia đình mình đã mạnh dạn chuyển 1 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía cánh đồng lớn. Bên cạnh được hỗ trợ làm đất bằng cơ giới hóa, gia đình mình còn được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch… nên thu nhập từ cây mía cao hơn cây lúa rẫy trước đây rất nhiều”-anh Siu Bruynh (làng Pông) nói. Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-nhận định: “Hiện nay, bộ mặt nông thôn 2 làng Pông và Hek đã có sự thay đổi rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp hơn; nhà cửa khang trang hơn. Phần lớn các hộ dân đã biết trồng rau, cây ăn quả trong khuôn viên; 100% hộ dân của 2 làng đã làm chuồng trại chăn nuôi tách biệt khỏi gầm sàn nhà ở…”.
Bộ mặt làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cũng đã và đang thay da, đổi thịt từng ngày. Những trục đường làng, ngõ xóm đã được cứng hóa, bê tông hóa, các khu dân cư được bố trí, sắp xếp bài bản theo ô bàn cờ. Những ngôi nhà sàn khá kiên cố và khang trang nằm cạnh nhau, được bao bọc bởi hàng rào B40, bên trong có khuôn viên vườn được người dân trồng rau xanh, cây ăn quả rất bài bản và quy củ… Có được bộ mặt NTM như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện Ia Pa, sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, sự đồng tình hưởng ứng của bà con dân làng. Để giúp Bi Yông ngày càng phát triển, tiến tới giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (khoảng 70%), Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng cho biết: Huyện chỉ đạo các phòng, ban, Mặt trận và các đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa những cây-con giống có giá trị vào sản xuất theo hướng liên kết, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Đồng thời, huyện định hướng dân làng Bi Yông tận dụng lợi thế của địa phương để trồng điều, góp đất với hợp tác xã làm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
TRẦN DUNG-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm