Báo xuân

Đàng hoàng bước ra sân chơi... quốc tế!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói về cái sự học, quan điểm của bầu Đức là rất rõ ràng: “Tôi luôn quan niệm rằng đã vào Học viện chúng tôi thì “không thành công cũng thành nhân”. Ngoài việc đá bóng các em phải được học đến nơi đến chốn, đây là tôn chỉ khi tôi quyết định thành lập Học viện. Và điều chúng tôi rất muốn và phải làm bằng được là tất cả các cầu thủ của mình phải học hết đại học. Học không chỉ để xử sự có văn hóa trong sân và ngoài đời mà còn vì một lý do hết sức nhân văn: Nếu em nào đó vì như bệnh tật hay chấn thương không tiếp tục đá bóng thì tấm bằng đại học cũng là... để mưu sinh!”.

Không chỉ là danh hiệu trong lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người”, thành tích hạng nhì Giải Vô địch U19 Đông Nam Á-2013 và vị trí nhất bảng tại vòng loại U19 châu Á, đã đưa đội tuyển U19 Việt Nam-mà nòng cốt là Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG, đàng hoàng bước ra sân chơi quốc tế! Đây là phần thưởng xứng đáng của quá trình đầu tư có định hướng rõ ràng. Không chỉ là tài năng, các cầu thủ Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG đã làm lay động hàng triệu con tim những người yêu bóng đá từ phong cách thi đấu của mình...
 

Điểm trường. Ảnh: H.N.C
Điểm trường. Ảnh: H.N.C

Tiên học lễ, hậu học... đá bóng!

Để làm được điều đó, tôn chỉ mà bầu Đức đưa ra cho các cầu thủ con cưng của mình: Con đường để trở thành một cầu thủ tài năng, điều kiện tiên quyết là phải có văn hóa. Học không những để hình thành đạo đức trên sân cỏ mà học là để tạo nên phong cách giao tiếp lịch thiệp trong sinh hoạt đời thường, điều mà bóng đá Việt Nam đang thiếu!

Thiết nghĩ cũng nên bắt đầu từ lý do vì sao nhãn hàng Nutifood quyết định tài trợ cho Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG số tiền lên đến 1 triệu USD. Ông Trần Thanh Hải-Tổng Giám đốc Công ty nói rằng đây đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Ông Hải nói: “Chứng kiến màn trình diễn tuyệt vời của các cầu thủ U19 Việt Nam, mà nòng cốt là Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG, người hâm mộ Việt Nam nói chung và Công ty Nutifood chúng tôi nói riêng, rất tự hào. Điều chúng tôi khâm phục hơn cả chuyện thắng thua là phong cách thi đấu. Dù bị đối phương đá đau song các em không bao giờ trả đũa và thi đấu hết sức ngoan cường. Quá trình tìm hiểu chúng tôi biết rằng tất cả bắt đầu từ việc được học văn hóa, học cách hành xử...”.

Không sai! Để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay, toàn bộ thành viên Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG đã làm việc cật lực theo một định hướng ngay từ đầu bằng một nguyên tắc “bất di bất dịch”: Tiên học lễ, hậu học... đá bóng!
 

Chào hỏi khi gặp người lớn. Ảnh: H.N.C
Chào hỏi khi gặp người lớn. Ảnh: H.N.C

Gian nan nhưng đã... thành công!

Tâm sự với chúng tôi, ông Huỳnh Mau-Giám đốc Điều hành Câu lạc bộ Bóng đá HA.GL cho biết: Để đưa hơn 60 học viên nhiều độ tuổi khác nhau đến trường thật không dễ. Do tuyển sinh nhiều khóa thì tất nhiên các em cũng ở nhiều độ tuổi, vì vậy việc theo học cũng khác lớp nhau, từ lớp 5 đến lớp 12! Đích thân bầu Đức quyết định thành lập điểm trường và mời giáo viên giỏi đến dạy theo đúng giáo án ngành Giáo dục. Cứ đủ 16 em biên chế một lớp, như vậy điểm trường chúng tôi có một lớp 11, một lớp 12 và một lớp 8. Số lớp 12 thì đến nay đã tốt nghiệp THPT. Riêng các lớp quân số dưới 10 chúng tôi đưa các em nhập học ở các trường trên địa bàn TP. Pleiku. Cụ thể lớp 5 học ở Trường Tiểu học Nay Der, các lớp 6, 7, 9 học tại Trường THCS Lý Thường Kiệt”.

“Việc đón đưa các em cũng là một bài toán nan giải. Ngoài các em học ở điểm gần trường nên tự về, số còn lại vài em một lớp với thời gian biểu khác nhau, chuyện đưa đón là cả một vấn đề. Tuy nhiên đâu cũng vào đấy cả và thành quả đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận là các em luôn kết thúc năm học với danh hiệu khá và giỏi!”-lời ông Huỳnh Mau...

Riêng chuyện học ngoại  ngữ-theo tìm hiểu của chúng tôi, lại là một câu chuyên hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, Học viện xác định trong tương lai các em chính là những cầu thủ quốc tế, thế nên chuyện học ngoại ngữ để đọc, viết và giao tiếp phải được coi là tiêu chí bắt buộc. Sau nhiều lần bàn bạc, Học viện quyết định không học theo chương trình phổ thông mà tổ chức học ngay trong Học viện mỗi tối thứ tư, thứ sáu (tiếng Anh) và thứ năm, thứ bảy (tiếng Pháp).  
 

Đi học về. Ảnh: H.N.C
Đi học về. Ảnh: H.N.C

Thời gian qua trong những chuyến đi ngoài nước cũng như những lần sang tận nước Anh, bầu Đức không cho phiên dịch đi theo. “Đấy cũng là cách để kiểm chứng khả năng ngoại ngữ của từng thành viên. Kết quả các em đã không phụ lòng những người đã tin tưởng mình!”-bầu Đức cho biết...

Đánh giá về việc học của các em, cô giáo Trần Thị Minh Phượng cho biết: “Điều tôi thích ở các em là sự ham học. Có những lúc do bận đi thi đấu chuyện học bị gián đoạn, song khi học bù các em rất quyết tâm. Đến thời điểm này-nghĩa là khi hoàn thành khóa bóng đá, các em cũng đã hoàn thiện khả năng giao tiếp. Trong số này, các em Xuân Trường, Quang Huy, Tuấn Anh... rất xuất sắc và có thể làm phiên dịch”.

Còn chúng tôi-những người thực hiện bài viết này, dù đã nhiều lần tiếp xúc song lần nào các em cũng để lại trong chúng tôi những ấn tượng về sự lễ phép! Chúng tôi hiểu rằng để có được “quả ngọt” hôm nay là cả một quá trình thực hiện mục tiêu “Tiên học lễ, hậu học... bóng đá”.

Hà Ngọc Chính

Có thể bạn quan tâm