Báo xuân

Đánh thức vùng biên Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây, nhắc đến xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) nhiều người nhớ đến những khó khăn vất vả như giao thông đi lại, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi… Thế nhưng giờ đây, đời sống kinh tế của người dân Ia Mơr đang từng bước đổi thay khi có chương trình phát triển cây cao su. Đặc biệt, công trình thủy lợi Ia Mơr đang trong giai đoạn thi công gấp rút để kịp chặn dòng đưa vào tưới tiêu cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt mang đến bộ mặt mới ở xã vùng biên này.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã biên giới Ia Mơr. Tỉnh lộ 665 đi vào xã mùa này vẫn còn dấu tích để lại trong mùa mưa vừa qua. Đoạn đường từ ngã ba xã Ia Ga đi vào xã Ia Mơr chỉ chừng 30 km đã nhộn nhịp khi những chiếc xe tải lớn vận chuyển mì, mía cho bà con nông dân.
 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Trung tâm xã khá khang trang với những con đường bê tông thẳng tắp. Nhà cửa, hàng quán mọc san sát. Đặc biệt là không khí lao động của hàng trăm công nhân đang gấp rút thi công công trình hồ chứa nước Ia Mơr vào những ngày cuối năm. Đây là công trình lớn thứ 2 trên địa bàn Tây Nguyên sau thủy lợi Ayun Hạ có mức tưới 12.500 ha cây trồng tại 2 tỉnh Gia Lai 8.000 ha và Đak Lak hơn 4.000 ha, ngoài ra còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn dân vùng biên giới, với mức đầu tư trên 1.224 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr phấn khởi cho biết: “Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, anh em công nhân các đơn vị tập trung thi công toàn bộ các hạng mục của cụm công trình đầu mối gồm đập đất, cống lấy nước, khoan phục xử lý nền đập, đường thi công kết hợp quản lý từ đập chính vào đập phụ, cơ khí thiết bị cống và tràn… để kịp chặn dòng đợt 1 vào giữa tháng 1-2015. Hiện tại trên công trình có trên 100 phương tiện cơ giới với khoảng 300 công nhân chia nhau 2-3 ca cả trong những ngày Tết. Điều đáng mừng là công trình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi vốn trung hạn 576 tỷ đồng để thực hiện trong 3 năm 2014-2016”.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Mơr, toàn xã hiện có 5 thôn, làng chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai sinh sống chiếm 81%, còn lại là các dân tộc khác. Đến năm 2014, tổng diện tích gieo trồng đạt 1.057 ha, trong đó, cây lương thực 434 ha, cây tinh bột có củ 330 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 150 ha. Sự hiện diện của cây mía trong vài ba vụ gần đây đã khẳng định vị thế mới trên mảnh đất vùng biên này với diện tích khoảng 150 ha… Dấu ấn trong phát triển kinh tế của Ia Mơr là toàn xã hiện có 9.000 ha cao su của các đơn vị thực hiện chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su hiện đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, vài ba năm nữa khi đưa vào khai thác hứa hẹn tạo ra sự phát triển vượt bậc trên mảnh đất vùng biên này.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo lời Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-ông Rơ Lan Chiêm: “So với trước đây, đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều. Hai làng tái định cư lòng hồ thủy lợi Ia Mơr có sự chuyển biến đáng kể là Hnáp và Khôi. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn khoảng 22%. Nhiều hộ đồng bào Jrai đã được nhận vào làm công nhân ở các nông trường cao su… Khi công trình thủy lợi Ia Mơr đi vào khai thác sẽ giúp bà con sản xuất, giải quyết nguồn nước tưới cho cây trồng giúp bà con sản xuất 2 vụ lúa/năm, làm chuyển đổi ngành nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã chế biến, thu mua nông sản…

...Không khí Xuân đã lan tỏa khắp mảnh đất vùng biên. Trung tâm xã nhộn nhịp khác hẳn ngày thường khi những chậu cúc, mai vàng lũ lượt vận chuyển vào đón mùa Xuân mới với nhiều kỳ vọng mới. Tín hiệu vui cho thấy Ia Mơr đang thay da đổi thịt cùng sự kỳ vọng từ công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ biến nơi đây thành vựa lúa quan trọng và là trung tâm kinh tế-xã hội trong tương lai không xa.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm