Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đào tạo lái xe cho người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp: Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 cho người dân tộc thiểu số (DTTS) có trình độ học vấn thấp là một chủ trương đúng đắn của tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh ta đã thực hiện rất tốt chủ trương này, qua đó thiết thực kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
hinh: Thí sinh người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp đang thực hiện phần thi lý thuyết sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1. Ảnh: H.L
hinh: Thí sinh người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp đang thực hiện phần thi lý thuyết sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1. Ảnh: H.L
Sau hơn 2 tháng nộp hồ sơ đăng ký học giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1, chị H'Lech (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) đã nhận thông báo đi học và tham dự kỳ thi sát hạch tại Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai (thuộc Trường Cao đẳng Nghề số 5). “Mình biết đi xe máy từ lâu rồi nhưng không dám đi học vì đọc và viết chưa thành thạo. Nhờ một người trong làng tư vấn học lái xe máy dành cho đối tượng người DTTS có trình độ học vấn thấp, mình và 13 anh chị em cùng làng đã mạnh dạn đăng ký tham gia”-chị H'Lech cho biết.
Trước kia, chị H'Lech mới học hết lớp 2 thì nghỉ ngang nên đã quên gần hết mặt chữ. Chị chia sẻ: Trước khi thi, mỗi người đều được cấp một bộ tài liệu. Bên cạnh được học ở trung tâm, chị còn nhờ một số người biết chữ đọc và hỗ trợ trong suốt quá trình học tập, ôn luyện. Nhờ vậy, mặc dù rất lo lắng cho phần thi lý thuyết nhưng chị đã vượt qua không mấy khó khăn. Kết quả, chị H'Lech đã hoàn thành 12/15 câu hỏi của phần thi này-cửa ải khó khăn nhất đối với học viên người DTTS có trình độ học vấn thấp. “Mỗi lần đi trên đường mình đều nơm nớp lo bị phạt vì chưa có GPLX. Giờ thì yên tâm rồi. Việc học thi giúp mình nâng cao nhận thức để chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ”-chị H'Lech phấn khởi cho biết thêm.
Tương tự, anh Rơ Châm Blan (xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) cũng chỉ học tới lớp 2 thì nghỉ. Anh Blan thật thà cho hay, anh từng 2 lần bị Cảnh sát Giao thông phạt vì lỗi không có GPLX mà vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông. “Lâu nay, mình nghĩ không biết chữ thì không thể đi thi bằng lái nên cứ đi liều, nếu xui bị bắt và phạt thì đành chịu. Đến khi biết có chương trình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX mô tô 2 bánh hạng A1 cho người DTTS có trình độ học vấn thấp, mình liền đăng ký đi học ngay. Cuối tháng 2 vừa qua, mình đã vượt qua kỳ thi sát hạch nên giờ chạy xe tự tin lắm”-anh Blan không giấu nổi tâm trạng vui sướng khi “vượt vũ môn” thành công.
Thi sát hạch lái xe mô tô, xe máy hạng A1 tại Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai. Ảnh: Hải Lê
Thi sát hạch lái xe mô tô, xe máy hạng A1 tại Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai. Ảnh: Hải Lê

Ông Lê Ngọc Hữu-Phó Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải): “Chương trình cho thấy sự phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của một bộ phận người dân trong tỉnh. Nhờ đó đã tạo cơ hội cho nhiều người DTTS có trình độ học vấn thấp được cấp GPLX hạng A1, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cũng như hạn chế các trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông”.
Ngày 27-2-2018, UBND tỉnh có Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND về việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người DTTS có trình độ học vấn thấp. Theo đó, đối tượng áp dụng là người DTTS đủ 18 tuổi; có thể nói, hiểu nhưng không biết đọc, không biết viết tiếng Việt hoặc chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học của hệ thống giáo dục quốc dân. Dựa trên những điều kiện trên, Sở Giao thông-Vận tải đã biên soạn, phát hành bộ đề và đáp án sát hạch lý thuyết dành riêng cho đối tượng này. Mỗi bộ đề có 15 câu hỏi, chủ yếu dùng hình ảnh trực quan, tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình… để giúp học viên tiếp cận và nắm bắt dễ dàng hơn trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về nhận thức chung dành cho người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, học viên dự thi theo chương trình này sẽ được áp dụng hình thức thi vấn đáp trực tiếp. Trong quá trình thi, giám khảo sẽ đọc đề và thí sinh chỉ việc lựa chọn đáp án. Để đảm bảo tính khách quan, đánh giá chính xác trong đánh giá năng lực thí sinh, phần thi vấn đáp giữa 2 sát hạch viên và thí sinh luôn được giám sát bởi đại diện phòng chuyên môn và Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đã tuyển sinh, đào tạo và cấp GPLX cho 5.232 học viên là người DTTS (tăng 15% so với năm 2018). Trong số này có đến 2.357 trường hợp là người DTTS có trình độ học vấn thấp (tăng 12% so với năm 2018).
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm