(GLO)- Hiện nay, tỷ lệ giấy phép lái xe (GPLX) trên tổng số mô tô, xe máy toàn tỉnh mới chỉ đạt gần 55%. Riêng với xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, tỷ lệ này chưa đến 0,05%. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Tỷ lệ người có GPLX còn thấp
Mặc dù sử dụng xe máy để đi lại từ nhiều năm nay nhưng gần đây, chị Ksor H’Diên (buôn Nông Siu, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) mới được cấp GPLX hạng A1. Chị H’Diên cho biết: “Do không có GPLX nên khi điều khiển xe máy, mình rất sợ bị phạt. Khi được tuyên truyền, vận động, mình và mấy người cùng buôn rủ nhau đi học lấy GPLX. Giờ mình đã được cấp GPLX nên mỗi khi ra đường không còn lo bị lực lượng chức năng kiểm tra”. Theo chị H’Diên, sau khi học, chị biết thêm nhiều kiến thức bổ ích để tham gia giao thông an toàn.
Tương tự, ông Hyech (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) từng 2 lần bị Cảnh sát Giao thông xử phạt vì điều khiển xe máy nhưng không có GPLX. Vừa qua, ông đăng ký học và thi lấy GPLX hạng A1. “Tôi lớn tuổi rồi, sợ học không được nên không dám đăng ký. Vợ con động viên vì thấy bị phạt nhiều tiền quá nên tôi cố gắng học và thi. Giờ có GPLX rồi, tôi rất yên tâm”-ông Hyech phấn khởi chia sẻ.
|
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải gắn biển phản quang cho xe công nông của người dân xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: L.H |
Biết lái xe công nông từ nhiều năm nay nhưng anh Ra Lan Y Ra Biu (làng Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) vẫn chưa có GPLX hạng A4. Anh chia sẻ: “Xe công nông rất hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, giá chỉ vài chục triệu đồng/chiếc nên bà con mua sắm khá nhiều. Cứ người này chỉ người kia rồi chạy xe vậy thôi”. Không riêng gì anh Ra Lan Y Ra Biu mà hầu hết các trường hợp điều khiển xe công nông trên địa bàn tỉnh hiện đều chưa có GPLX hạng A4.
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), toàn tỉnh hiện có trên 845.600 xe mô tô, xe máy nhưng mới chỉ có 463.836 trường hợp được cấp GPLX hạng A1. Về xe công nông, toàn tỉnh hiện có 37.747 chiếc nhưng số GPLX hạng A4 còn hiệu lực chỉ là 22 trường hợp.
Đẩy mạnh đào tạo, sát hạch cấp GPLX
Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh: Tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô và tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường nông thôn đang có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, nổi lên là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số không có GPLX, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nhưng sử dụng xe phân khối lớn, xe độ chế chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu…gây tai nạn. “Trong những năm qua, Sở GT-VT rất quan tâm đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với một tỉnh rộng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn và nhận thức của người dân có lúc, có nơi còn hạn chế thì công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở vùng sâu, vùng xa mới chỉ dừng ở chừng mực nào đó. Đây cũng là điều chúng tôi đang quan tâm, mong muốn đẩy mạnh trong thời gian đến”-ông Hạnh cho biết.
|
Xe công nông chở người vẫn còn lưu thông trên Tỉnh lộ 664 (đoạn qua xã Ia Dêr-huyện Ia Grai). Ảnh: L.H |
Học phí đào tạo lái xe hạng A1 hiện nay là 175 ngàn đồng, hạng A4 là 1,6 triệu đồng; lệ phí sát hạch là 90 ngàn đồng và lệ phí cấp GPLX là 135 ngàn đồng đối với hạng A1, A4. |
Vừa qua, Ban An toàn Giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT, UBND huyện Chư Pưh tổ chức điểm chương trình tập huấn an toàn giao thông và tuyên truyền, phổ biến về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1, A4 cho cán bộ, người có uy tín. Việc này nhằm xây dựng hạt nhân tuyên truyền, phổ biến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cộng đồng. Ông Rah Lan Lân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-đánh giá: “Thời gian qua, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả. Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1, A4 là một trong những giải pháp căn cơ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông vì qua đó người dân mới nắm được kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”.
Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô. Các cơ sở này đều chú trọng chiêu sinh, đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc đăng ký học lái xe của người dân tại các địa phương vùng sâu, vùng xa thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Trần Ngọc Thái-Trưởng thôn Hòa Hiệp (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: “Thôn Hòa Hiệp có khoảng 25 hộ có xe công nông, một vài trường hợp đã đi học và được cấp GPLX hạng A4. Phương tiện này đáp ứng tốt nhu cầu công việc của nhà nông. Tuy nhiên, việc vận hành vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Sau khi được tuyên truyền, tôi sẽ về phổ biến cho các chủ xe công nông sớm đăng ký học để có GPLX theo quy định của pháp luật”.
LÊ HÒA