Báo xuân

Dấu ấn văn minh nhân loại ở thượng lưu sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ muôn đời nay, sông Ba-con sông lớn nhất Tây Nguyên đã ban tặng cho cộng đồng cư dân sống ở đôi bờ tất cả những sản vật quý giá nhất của vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, biển đảo. Nơi đây, trên đất An Khê, tỉnh Gia Lai, lòng đất thượng lưu sông Ba còn lưu giữ cho chúng ta một di sản văn hóa cổ xưa và đặc sắc của nhân loại. Đúng hơn đó là di sản văn hóa của các tiền nhân-những người vượn đứng thẳng (Homo erectus)-tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens). 
 

Khai quật di tích Rộc Tưng, An Khê.
Khai quật di tích Rộc Tưng, An Khê.

Di sản mà các tiền nhân để lại cho chúng ta hiện đã được tìm thấy ở 21 địa điểm đôi bờ sông Ba, trên các đồi gò gợn sóng, vốn là thềm bậc cổ nhất của sông này, ở độ cao trên 450 mét so với mực nước biển. Tiêu biểu cho các địa điểm ấy là các rộc hay khe suối mang tên: Rộc Tưng, Rộc Gáo, Rộc Lớn và Rộc Hương… cũng có địa điểm mang tên khác là Gò Đá.

Trong các di tích này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tổ hợp công cụ đá nằm trong địa tầng nguyên vẹn, cấu tạo bởi đất sét và sạn sỏi phong hóa từ đá granite ra, nay đã bị laterit hóa, rất cổ. Những chế phẩm do con người làm ra còn lưu lại ở đây như các lưỡi rìu đá, những con dao, cái nạo, những mũi nhọn to thô, những hòn ghè cùng nhiều đá nguyên liệu, mảnh tước tách ra trong quá trình chế tác công cụ… Những chế phẩm ấy nằm cùng những viên thiên thạch (tectit) rơi từ vũ trụ, ngót một triệu năm trước, khi con người đang cư trú ở đây.   

Trong tầng văn hóa xuất hiện một số cụm đất đá tập trung, trong đó có nhiều những viên đá cuội, những mảnh đá thạch anh, cùng một vài công cụ, mảnh tước, đã gợi ý về một kiểu lều trại cổ xưa được con người lót nền, để tránh lầy lội. Trong các di tích ở đây còn tìm thấy một số viên đá đang trong quá trình ghè đẽo, chưa thành phẩm, cùng mảnh tước, hòn ghè… Tất cả đã xác nhận, vùng An Khê xưa không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi chế tác công cụ sớm của nhân loại.   

Tổ hợp công cụ tiêu biểu nhất ở vùng An Khê là các mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hết một mặt, ghè hai mặt và những chiếc rìu tay được gia công cẩn trọng. Trong số đó, những công cụ cuội (Chopper-Choping tool) chủ yếu tìm thấy ở khu vực châu Á, những công cụ ghè hai mặt và rìu tay (Bifaces-Handaxes) nổi trội cho đá cũ phương Tây, còn mũi nhọn hình khối tam diện (Triangular Picks) xuất hiện rõ ràng nhất ở vùng An Khê.

 

Di tích Gò Đá, An Khê.
Di tích Gò Đá, An Khê.

Đầu tháng 11-2016, trong Hội thảo quốc tế về thời đại đá cũ Việt Nam ở Pleiku, nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến thăm di tích An Khê và nghiên cứu các sưu tập hiện vật. Khi tiếp xúc với sưu tập công cụ An Khê, nhiều nhà khoa học cho rằng, kỹ nghệ ghè hai mặt và rìu tay ở đây rất cổ xưa, đặc trưng cho sơ kỳ đá cũ của nhân loại.  

Khi phân tích so sánh kỹ nghệ An Khê với các kỹ nghệ sơ kỳ đá cũ hiện biết ở Việt Nam, như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai), các nhà nghiên cứu cho rằng, cả hai kỹ nghệ này khác và trẻ hơn kỹ nghệ An Khê. So sánh với một số kỹ nghệ công cụ ghè hai mặt ở Chongok-ni, Hàn Quốc (có tuổi 0,2 triệu năm), văn hóa Soanian, Ấn Độ (0,3 triệu năm), kỹ nghệ Acheulian, châu Âu (0,5-0,3 triệu năm) cũng cho kết quả kỹ nghệ An Khê cổ xưa hơn.

Những phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ ở vùng An Khê có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức về lịch sử vùng đất và về cuộc sống của tổ tiên chúng ta hàng chục vạn năm trước.

Trước nay, ở Việt Nam, chúng ta lấy niên đại 500 ngàn năm, tuổi của các hóa thạch người ở hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) làm mốc khởi đầu cho lịch sử. Với những phát hiện kỹ nghệ sơ kỳ đá cũ An Khê, chúng ta có cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước.

Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái về đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây trước đây, mà còn cung cấp tư liệu mới thảo luận về con đường tiến hóa của nhân loại. Một giả định được thảo luận trên thế giới suốt 40 năm qua, rằng con người hình thành ở châu Phi và từ đó tỏa đi các nơi khác trên thế giới. Nhưng những phát hiện mới ở An Khê-Việt Nam và một số nơi khác ở châu Á, châu Âu là cơ sở để các nhà khoa học chứng minh rằng quá trình tiến hóa của người khôn ngoan (Homo sapiens) diễn ra song song trên những châu lục khác nhau, ở nhiều trung tâm.

 

Việc phát hiện di tích thời đại đá cũ ở An Khê được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ bình chọn là 10 sự kiện khoa học-công nghệ nổi bật năm 2016.

Cây cầu văn hóa lịch sử từ cái mốc cổ xưa nhất của nhân loại đến lịch sử cận hiện đại An Khê đang được hiện dần các nhịp, nhờ vào các bằng chứng khảo cổ học được phát hiện mới đây. Đó là hàng chục địa điểm của cư dân hậu kỳ đá cũ (30.000-11.000 năm), cư dân đá mới (5.000-4.000 năm) cư dân thời đại kim khí với khuôn đúc rìu đồng và Trống đồng Đông Sơn.

Bước vào thời quân chủ, vùng đất này còn để lại nhiều dấu ấn lịch sử đặc sắc. Đó là dấu tích văn hóa và văn minh Champa qua các phế tích chùa, tháp; bia ký. Sau chiến thắng năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho đặt bia trên núi Thạch Bi, đánh dấu sự hiện diện của quốc gia Đại Việt ở vùng đất phương Nam. Sau đó, Đại Việt đưa nhiều lưu dân từ vùng Thanh-Nghệ vào khai khẩn, lập xóm làng trên đồng bằng sông Ba và từ đây chuyển dần lên vùng đất An Khê. Cuối thế kỷ XVIII, bên bờ sông Ba, đất An Khê, Tam kiệt Tây Sơn đã dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp lực lượng Kinh-Thượng, xây dựng căn cứ địa vững chắc. Từ đây, nghĩa quân tiến xuống đồng bằng Nam bộ tiêu diệt 50 vạn quân Xiêm (1785), vươn ra miền Trung giải phóng Phú Xuyên (Huế), rồi tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh (1789), giải phóng Thăng Long, thống nhất non sông thu về một mối. Trong đoàn quân chiến thắng ấy không ít người sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ba.

Mạch nối quá khứ xa xưa của nhân loại và lịch sử hào hùng của An Khê hôm nay là những trang sử ngời sáng của dân tộc, còn đang được tiếp tục với nhiều công trình khai quật, nghiên cứu mới. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều khám phá mới, lý thú trong lòng đất sông Ba. Đồng thời điều này cũng đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ nặng nề và vinh quang là xây dựng một chiến lược quản lý bảo vệ di tích, làm cho vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, tập hợp đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, vừa nghiên cứu vừa đào tạo chuyên gia, gắn nghiên cứu thuở bình minh của lịch sử dân tộc với chương trình phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên.

 

 PGS-TS Nguyễn Khắc Sử - Th.s Bùi Tấn Sĩ
 

GS.TS Xie Guangmao-Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Quảng Tây (Trung Quốc):

Sáng nay, lần đầu tiên tôi đến thị xã An Khê-Việt Nam và nhìn thấy bộ sưu tập, tôi chỉ có thể nói với anh những gì có tính bước đầu khi tôi tiếp xúc với các di vật. Có thể nói các di vật và các mảnh thiên thạch ở đây rất giống với Bách Sắc, phía Tây Quảng Tây, Nam Trung Quốc như: thiên thạch, rìu tay, công cụ chặt kiểu chopper... làm chỉ tiêu để xác định niên đại. Tuy nhiên, có một số điểm khác nhau một chút về dấu vết ở giai đoạn cư trú và chế tác, như công cụ mũi nhọn, công cụ nạo. Các di vật ở An Khê đều lớn và thô sơ, rất tuyệt vời là các vân thạch còn nguyên vẹn. Di chỉ An Khê sẽ còn mở ra nhiều triển vọng nghiên cứu như rìu tay chẳng hạn. Di chỉ An Khê và Bách Sắc, Trung Quốc có gì đó ghi nhận sự có mặt của con người rất sớm. Nó có liên hệ gì với nhau không thì phải tiếp tục nghiên cứu. Trước hết nguồn đá hai bên sử dụng có gì đó gần nhau, thể hiện qua tư duy và chế tác, diễn biến công cụ hai bên có sự phát triển, hình dạng và chất liệu đá chủ yếu là đá quartz. Bách Sắc và An Khê không xa mấy, có thể sự giống nhau này do giao lưu và khả năng trao đổi văn hóa.
PGS.TS Benjamin Marwich-Đại học Washington:

Tectit là thủy tinh tự nhiên được hình thành bởi sự tan chảy và phun ra của lớp bề mặt đá trầm tích giàu silic do các cú va chạm giữa thiên thạch và trái đất. Trong một số trường hợp, sự xuất hiện của tectic đã được dùng để xác định niên đại cho các di tồn văn hóa. Những kết quả điều tra khảo sát địa chất cũng đã phát hiện được tectit trong các lớp trầm tích. Thiên thạch được tìm thấy ở khu vực An Khê có màu đen, chất liệu phân tích về thành phần hóa học cơ bản giống khu vực Autralasian, nhưng về hình dạng thì khác so với nhiều nơi tôi đã thấy, nó thô và ít bị bào mòn. Ở Autralasian có hình tròn, bị bào mòn như giống cúc áo, cho thấy nó bay trong không gian từ rất xa trước khi rơi, giống như những hạt mưa bị bào mòn vậy.

Có thể bạn quan tâm