Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đấu thầu qua mạng: Nhiều "nút thắt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đấu thầu qua mạng là hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu cạnh tranh công bằng, minh bạch, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu. Tuy nhiên, từ khi triển khai (đầu năm 2016) tới nay, tỷ lệ các dự án đấu thầu qua mạng tại tỉnh Gia Lai vẫn rất thấp vì còn nhiều “nút thắt”.
  Nhân viên Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia trực tổng đài (ảnh minh họa).
Nhân viên Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia trực tổng đài (ảnh minh họa).
Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện khá nghiêm túc lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025 với 20-25% số lượng gói thầu quy mô nhỏ. Ông Đặng Toàn Thắng-Giám đốc Ban Quản lý-cho biết: “Ưu điểm của đấu thầu qua mạng là tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Việc mua hồ sơ, kê khai và hoàn thiện giấy tờ với khối lượng lớn đều có thể thực hiện thông qua chương trình đấu thầu trên mạng. Bên cạnh đó, nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin trực tuyến nên dễ giám sát, giảm tiêu cực trong đấu thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án”.
Ngày 13-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh. Theo lộ trình, năm 2016 thực hiện việc lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu đạt 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế. Năm 2017, tỷ lệ này lần lượt là 30% và 15%;  năm 2018 là 40% và 30%. Giai đoạn 2019-2025 sẽ áp dụng đấu thầu qua mạng theo tỷ lệ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.

Có thể thấy, so với đấu thầu trực tiếp thì đấu thầu qua mạng đem lại khá nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. Từ đó, tính công khai, minh bạch trong đấu thầu cũng được tăng cường một cách tối đa, là “phương thuốc” điều trị dứt điểm căn bệnh nhũng nhiễu, lợi ích nhóm trong đấu thầu…
“Thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng của Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phổ biến các quy định pháp luật về nội dung cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; đôn đốc, hướng dẫn và giám sát các đơn vị áp dụng đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình quy định. Nhưng thời gian qua, việc đấu thầu qua mạng chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà thầu. Riêng năm 2017, trong tổng số hơn 2.000 dự án thì chỉ có 55 dự án thực hiện đấu thầu qua mạng, chiếm khoảng 2,75%, chủ yếu là những dự án nhỏ lẻ”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin.
Sở dĩ tỷ lệ các dự án đấu thầu qua mạng ở tỉnh ta còn thấp là do mới bắt buộc áp dụng chính thức từ năm 2016 nên nhiều nhà thầu chưa quen, chưa quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Đức Thừa-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Ia Grai-nhận xét: “Khi có chỉ đạo thì Ban Quản lý cũng tiến hành triển khai theo đúng trình tự như đăng tải công khai các thông tin đấu thầu, đồng thời phổ biến việc đấu thầu qua mạng cho các nhà thầu. Nhưng thực tế, các nhà thầu không mặn mà lắm với hình thức đấu thầu này vì họ chưa quen, ngại tìm hiểu, thao tác chậm”.
Chia sẻ về vướng mắc trong triển khai đấu thầu qua mạng, ông Đặng Toàn Thắng cho biết thêm: “Rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng mạng chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để đấu thầu qua mạng. Việc thí điểm đấu thầu qua mạng thời gian qua cho thấy, các gói thầu lớn chứa đựng nhiều bản vẽ, tài liệu nên gặp rất nhiều khó khăn khi gửi qua mạng. Cùng với đó, mỗi gói thầu thường có nhiều nhà thầu tham gia nên rất dễ nghẽn mạng. Vì vậy, hầu hết các gói thầu triển khai đấu thầu qua mạng có quy mô nhỏ”. Một nguyên nhân nữa là các địa phương cũng e ngại vì khi đấu thầu qua mạng, rất khó để nắm được năng lực thực tế của nhà thầu. Bởi lẽ, nhà thầu hoàn toàn có khả năng mượn hồ sơ năng lực của các cá nhân, đơn vị khác mà cơ quan mời thầu không kiểm soát hết.
Được biết, để đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng, tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các địa phương là có ít nhất 5% trong tổng số các dự án phải triển khai theo phương thức này. Song, việc đấu thầu qua mạng có đạt hiệu quả như mong muốn hay không đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu và những người làm công tác đấu thầu phải thực sự có trách nhiệm.
Hà Duy 

Có thể bạn quan tâm