Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm ô nhiễm sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều lần giải thích và đưa ra những lý do về xả thải ảnh hưởng đến nguồn nước gây ô nhiễm cho dòng sông Ba và hứa hẹn sẽ sửa chữa tuyến tỉnh lộ 667 nối vào nhà máy bị hư hại nặng… thì đến sáng 23-3, lãnh đạo Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) cho biết: Phía công ty đã thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí làm lại đường và đang hoàn thiện hệ thống tuần hoàn, xử lý nước thải. Tổng kinh phí đầu tư hai công trình gần 60 tỷ đồng.

Nhà máy Đường An Khê trong giai đoạn đầu tư hệ thống xả thải mới. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhà máy Đường An Khê trong giai đoạn đầu tư hệ thống xả thải mới. Ảnh: Nguyễn Giác

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòe- quyền Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hệ thống xả thải của công ty và tạo thuận lợi về giao thông cho người dân, nhà máy đã có chỉ đạo khắc phục theo đúng yêu cầu từ phía UBND tỉnh qua các lần làm việc.

Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ 30% giá trị thi công công trình đường giao thông có chiều dài 5,7 km nối từ quốc lộ 19 vào Nhà máy; đồng thời đơn vị đã xây dựng đưa vào sử dụng hố biogas và hoàn thiện công trình tuần hoàn nước nhằm chấm dứt tình trạng xả chất thải chưa đạt chuẩn ra sông Ba ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường xung quanh.

Được biết, Nhà máy Đường An Khê sẽ bỏ ra khoản kinh phí đầu tư cải tạo tuyến đường gần 14 tỷ đồng và 50 tỷ đồng phục vụ cho việc đầu tư hệ thống tuần hoàn, xử lý nước thải từ nhà máy theo đúng tiêu chuẩn xả thải.


Việc nhà máy đưa ra những giải pháp trên là tín hiệu đáng mừng và đó cũng là quyền lợi lâu dài từ phía công ty. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin trên nhiều người dân đặt ra nghi ngờ: Liệu nước sông Ba có hết ô nhiễm khi nhà máy sẽ nâng công suất cùng với đó các nhà máy chế biến gỗ MDF, Nhà máy Tuyển quặng Hoàng Anh-Gia Lai và Nhà máy Chế biến Tinh bột mì VEYU đang hàng ngày xả thải ra dòng sông ba với kết quả đo đạt vượt mức cho phép hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần, khiến thủy sinh chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, dòng sông Ba đang phải sống “thoi thóp” khi lưu lượng nước chảy trong mình đang sụt giảm nghiêm trọng từ khi công trình thủy điện An Khê-Ka Nak tích nước lòng hồ. Do vậy, câu chuyện giải quyết ô nhiễm sông Ba ắt sẽ còn dài.

Nguyễn Giác
 

Có thể bạn quan tâm