Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào tại chỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ và cộng đồng dân cư, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh (huyện Chư Păh) không những góp phần cải thiện sinh kế cho người dân mà còn sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đúng quy định, mang lại hiệu quả cao nhất.  
Những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh đã giao khoán hơn 4.000 ha rừng cho 5 nhóm hộ và 7 cộng đồng làng, giúp 450 hộ dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể, gắn trách nhiệm của họ vào việc tham gia giữ rừng.
Ông Ksor Bik (làng Tơ Vơn, xã Ia Khươl) cho biết: Nhóm do ông quản lý có 11 hộ, nhận khoán hơn 200 ha rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh. Hàng tuần, ông chia các nhóm hộ thành 2 tổ thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, không để diện tích rừng nhận khoán bị xâm hại hoặc cháy. Mỗi năm, số tiền nhận khoán của mỗi hộ được trên 10 triệu đồng. Khoản thu nhập này đã giúp các hộ trang trải cuộc sống. “Ngày nào chúng tôi cũng cắt cử người tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhiều năm nay, diện tích rừng chúng tôi nhận khoán không có hiện tượng chặt phá hay xảy ra cháy”-ông Bik khẳng định.
Làm nhiệm vụ gác rừng ở khu vực này hơn 10 năm nay, ông Trần Minh Hiển-cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Ia Khươl-cho hay: Vào mùa khô, chúng tôi phối hợp với Ban Quản lý, nhóm hộ cắt cử lực lượng canh gác những khu trọng điểm, thường xảy ra cháy rừng. Thời gian cao điểm, các nhóm hộ còn trực chiến 24/24 giờ. Nhờ đó, những năm gần đây không xảy ra cháy lớn. Ông Hiển nhận xét: “Các nhóm hộ, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng của các làng rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc”.
Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng làng Tơ Vơn (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) đốt có điều khiển phần thực bì nhằm ngăn ngừa cháy rừng. Ảnh: Minh Phương
Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng làng Tơ Vơn (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) đốt có điều khiển phần thực bì nhằm ngăn ngừa cháy rừng. Ảnh: Minh Phương
Ông Lê Đức Nhàn-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh-khẳng định: Diện tích rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp do đơn vị quản lý là 12.500 ha nằm rải rác trên địa bàn các xã: Ia Khươl, Hà Tây và Đak Tơ Ve. Các nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đa phần là hộ nghèo, cận nghèo. Đây là những người có uy tín trong cộng đồng, thông thuộc địa hình, địa thế ở đây, từ đó giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.
Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cho biết: Hàng năm, đơn vị được chi trả hơn 3 tỷ đồng từ DVMTR phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài việc giám sát công tác chi trả, đơn vị còn thường xuyên được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn việc thực hiện chính sách và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng tiền DVMTR. “Qua các đợt giám sát, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo nguồn kinh phí này được sử dụng đúng mục đích, chi trả kịp thời cho bà con nhận khoán, mang lại hiệu quả cao nhất”-ông Nhàn nói.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại các đơn vị luôn được đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện; phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt, giám sát kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý, chi trả. Trong năm, Quỹ đã xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan trong triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát 22 đơn vị cung ứng có kết quả và chất lượng, đạt 75,8% so với kế hoạch đề ra, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Qua giám sát cho thấy, công tác tiếp nhận và giải ngân tiền DVMTR cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng, các hạng mục lâm sinh… cơ bản tuân thủ theo quy định. Trên cơ sở kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã phát hiện, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng khắc phục, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo chấn chỉnh, đảm bảo việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương”-ông Thưởng nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm