Thời sự - Bình luận

Để những cái bắt tay chặt hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2023 gần kết thúc, có thể nhận định đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trên bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Song hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có thể cải thiện nhiều hơn nữa khi liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI chặt chẽ hơn.

Không chỉ có doanh nghiệp nội địa mà chính doanh nghiệp FDI cũng rất muốn thiết lập liên kết theo chuỗi nghiên cứu - thiết kế - sản xuất - phân phối - logistics - tiêu thụ - dịch vụ. Cả lý thuyết lẫn thực tiễn đều cho thấy tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi là sự lựa chọn thông minh và hiệu quả nhất.

Thế nhưng, trong khi các doanh nghiệp nội địa thiếu sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện về công nghệ, chất lượng sản phẩm, bộ máy quản lý và thương hiệu; nỗ lực không liên tục (một phần do thiếu sự động viên đúng mức và ổn định từ cơ chế, chính sách); thiếu chiến lược và tầm nhìn xa… thì doanh nghiệp FDI do muốn bảo vệ bí mật công nghệ, bí quyết kinh doanh và tránh bị cạnh tranh, cũng thường có xu hướng khép kín.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, theo đó Việt Nam mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt được các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam lựa chọn làm nhà cung cấp.

Các doanh nghiệp có vốn Nhật Bản mua sắm khoảng 32,6% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ nhà cung cấp Việt Nam. Đáng nói hơn nữa, cũng với nhà đầu tư Nhật Bản, tỷ lệ này ở Trung Quốc lên tới 67,8%, ở Thái Lan trên 57%, Indonesia là 40,5%...

Cho kết quả khá tương đồng, khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, 58% nguồn cung đầu vào để sản xuất của khu vực FDI tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài; 34% được mua từ các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam; nghĩa là chỉ có khoảng 8% nguồn cung đầu vào cho khu vực FDI được cung cấp bởi doanh nghiệp nội địa.

Ngay cả Samsung, doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, đang vận hành 6 nhà máy, một pháp nhân bán hàng, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 59%, nhưng chủ yếu là sử dụng “đầu vào” từ các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam chứ không phải doanh nghiệp nội địa, trong khi tập đoàn này được coi là đi đầu trong thực hiện phương châm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Các nhà sản xuất trong nước muốn trở thành nhà cung cấp cho Samsung cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Việt Nam và chính bản thân tập đoàn này.

Theo các nhà quan sát, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đề ra từ nhiều năm nay, song cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Một mặt, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI xây dựng các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, làm chủ quá trình sản xuất, chế biến, chế tạo; hiểu rõ thị trường quốc tế để cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ mà thị trường thực sự cần đến. Mặt khác, về phía doanh nghiệp trong nước, để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì phải chấp nhận bỏ chi phí để học hỏi, mua công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần biết cách để tự giới thiệu mình, nói đúng, nói hay về những tiềm năng sẵn có để đối tác biết mà tìm đến hợp tác.

Có thể bạn quan tâm