Đề phòng muỗi đốt truyền bệnh sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán cũng là mùa thu hoạch mì, lượng người đi rừng, ngủ rẫy gia tăng và vì thế dễ bị muỗi Anopheles đốt truyền bệnh sốt rét. Theo thống kê của Sở Y tế Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 483 người mắc sốt rét.

Xung quanh việc phòng-chống bệnh sốt rét, bác sĩ Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Gia Lai cho biết: Bệnh sốt rét do muỗi Anopheles đốt truyền từ người bệnh sang người lành và có thể thành dịch, gây tử vong. Ký sinh trùng sốt rét khi truyền vào người  thường sống ở gan và máu người bệnh. Trong đó, loại sốt rét do ký sinh trùng phan-xi gây ra thường gây nên sốt rét ác tính, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, biểu hiện mỗi ngày một cơn sốt. Còn loại sốt rét do ký sinh trùng vi-vắc gây nên thường tạo ra những cơn sốt dai dẳng, tái phát nhiều lần, biểu hiện 2 ngày lên một cơn sốt.
 

Lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. Ảnh: T.Đ
Lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. Ảnh: T.Đ

Khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh có thể có cơn sốt rét điển hình trải qua 3 chu kỳ với 3 giai đoạn gồm: rét run (bệnh nhân nhức đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, rét run đắp nhiều chăn vẫn thấy rét kéo dài 30 phút đến 1 giờ, môi tái, bàn chân bàn tay lạnh); sốt nóng (sau rét run, bệnh nhân thấy người nóng dần, mặt đỏ bừng, da khô nóng, nhức đầu, chóng mặt, nhiệt độ cơ thể 38-39oC hay cao hơn; mỗi cơn sốt thường kéo dài 1-3 giờ, sau đó người bệnh trở lại bình thường); vã mồ hôi (sau sốt nóng, nhiệt độ giảm, vã mồ hôi, khát nước). Hoặc người bệnh có cơn sốt không điển hình như: sốt không thành cơn chỉ thấy ớn lạnh, gai rét, nhiệt độ không cao, biểu hiện không rõ ràng của bệnh sốt rét. Những trường hợp này thường gặp ở những người sống lâu trong vùng sốt rét, bị mắc bệnh sốt rét nhiều lần.

Bệnh sốt rét chưa có vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên, “Hiện nay tất cả các Trạm Y tế xã đều có khả năng chữa trị thành công và miễn phí bệnh sốt rét. Vì thế người dân khi đi rừng, ngủ rẫy về mà có các triệu chứng nghi ngờ bị sốt rét như trên cần nhanh chóng đến Trạm Y tế xã để được lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét và được chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà lâu ngày dẫn đến sốt rét ác tính, gây tử vong”-bác sĩ Rơ Mah Huân khuyến cáo.

Muỗi Anopheles thường đốt người vào ban đêm (khoảng 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau). Hai biện pháp chính phòng-chống bệnh sốt rét là phát hiện người bệnh sớm, điều trị ngay để diệt mầm bệnh và ngăn chặn muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn có tẩm hóa chất diệt muỗi kể cả khi ở nhà và khi ngủ trong rừng, rẫy. Bên cạnh đó, cần phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi lên tường, vách nhà ở và chuồng gia súc để diệt muỗi.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm