(GLO)- Thời tiết chuyển sang mùa đông xuân cũng là cao điểm của bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay, mỗi ngày bình quân có 5-7 trẻ bị tiêu chảy nhập viện, trong đó có nhiều trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus.
Cho trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi uống đủ 2 liều Rotavirus để phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa. Ảnh: T.Đ |
Theo bác sĩ Thành, bệnh tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân, được giới chuyên môn chia làm 2 nhóm: do nhiễm và không do nhiễm. Tiêu chảy do nhiễm thường do virus (Rotavirus, Norovirus, Callixivirus...), do vi trùng (Ecoli, Shigela, Salmonella...) và độc tố của nó, do ký sinh trùng (Amip, Giardia); trong đó, tiêu chảy do Rotavirus thường có độc tố mạnh và nguy hiểm nhất. Còn tiêu chảy không do nhiễm có thể do cơ địa trẻ mẫn cảm, dễ bị kích ứng hoặc do thời tiết.
Trẻ nhiễm Rotavirus có 3 biểu hiện: Đầu tiên là nôn ói. Thông thường, trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Đặc biệt, ở những trẻ này, chất nôn là thức ăn chứ không lẫn các chất màu vàng, màu nâu như biểu hiện ở trẻ tắc ruột. Bên cạnh đó là tiêu chảy cấp. Khi trẻ đi ngoài, phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu. Ngoài ra, nhiều trẻ còn có biểu hiện sốt nhẹ, đau bụng, có thể có ho và chảy nước mũi.
Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc.
Bệnh tiêu chảy diễn biến nhanh, khiến trẻ mất nước, suy kiệt nên khi đến khám, số bệnh nhi phải chỉ định nhập viện, truyền nước là nhiều hơn hẳn các bệnh lý khác. Tiêu chảy do virus là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em.
Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và phát tán nhanh do Rotavirus sau khi được thải qua phân của trẻ nhiễm bệnh có thể lưu lại trên tay vài giờ và trên các bề mặt rắn như: đồ chơi, chăn màn, quần áo trong vài ngày. Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập cơ thể qua đường phân-miệng.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên rửa tay cho mình và cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì (không pha loãng hay đặc quá) để giúp bù nước và cân bằng điện giải. Tuyệt đối không cho uống các loại nước ngọt, nước có gas khi trẻ đang mất nước do tiêu chảy. Nếu thấy trẻ mệt quá, bỏ bú, không ăn uống, không chơi, nằm li bì nên đưa đến bệnh viện. Cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy. “Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. Sử dụng kháng sinh không đúng có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu diệt nhầm các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí ngộ độc thuốc, gây tử vong. Gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, cho chỉ định điều trị phù hợp”-bác sĩ Thành khuyến cáo.
Trong số các loại bệnh gây tiêu chảy ở trẻ hiện chỉ có vắc xin ngừa được Rotavirus mà thôi. Chính vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất là cho trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi uống vắc xin Rotavirus đủ 2 liều theo sự chỉ dẫn của bác sĩ tại các điểm tiêm chủng.
Trần Đức