Đầu tiên là thủ tục vay vốn. Nhìn lại suốt gần 4 năm qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều gói ưu đãi, hỗ trợ... cho người dân, doanh nghiệp (DN), có thể nói là nhiều nhất từ trước tới nay cả về số lượng, giá trị và quy mô. Thế nhưng, kết quả chung của hầu hết các gói này là khó tới tay đối tượng thụ hưởng. Nguyên nhân là những yêu cầu thiếu hợp lý, các điều kiện "đá nhau", hàng rào thủ tục quá phức tạp khiến không ít gói hỗ trợ hết thời hạn triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vô cùng khiêm tốn. Thế nên, với gói siêu lãi suất nói trên, các DN một mặt khấp khởi hy vọng, một mặt vẫn lo lắng, không biết có vượt qua được ải thủ tục để tiếp cận vốn hay không.
Thứ 2 là quy mô của gói lãi suất 1,2% lại "siêu nhỏ", chỉ có 2.000 tỉ đồng, chưa bằng vốn điều lệ theo quy định của một ngân hàng. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đối tượng thụ hưởng của gói, lại chiếm tới 98% trong tổng số gần 800.000 DN VN. Có nghĩa là ngay cả khi chúng ta cải thiện thủ tục đơn giản hơn thì những công ty được vay vốn siêu rẻ so với mặt bằng chung hiện nay cũng rất ít so với nhu cầu. Mà quá ít thì không thể tạo thành sức mạnh tổng lực để kích hoạt sản xuất, kích thích nhu cầu, tạo đà cho tăng trưởng trở lại.
Với góc tiếp cận trên, để gói "siêu lãi suất" có sức mạnh, trở thành "siêu tác dụng" thì điều cần làm là phải giảm thủ tục và tăng quy mô. Và siêu tác dụng ở thời điểm này chính là thuốc đặc trị cho nền kinh tế, vốn chỉ còn rất ít thời gian để về đích mục tiêu tăng trưởng năm nay trong khi khó khăn vẫn bủa vây phía trước.
Chúng ta đều biết DNVVN đang đóng góp 40% GDP mỗi năm, nộp ngân sách nhà nước 30%; chiếm 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị xuất khẩu và giải quyết 60% lao động. Thế nhưng, đặc thù của các DNVVN là có thể trạng yếu do tiềm lực tài chính mỏng manh. Cũng vì thế, đầu tư cho khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quản trị, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh... đều hạn chế. Trong một môi trường bình thường, họ đã thua thiệt, đa số chỉ đóng vai trò "thầu phụ" cho các DN lớn. Trong bối cảnh khó khăn lịch sử, rất nhiều trong số họ không đủ sức chống chịu đã rơi rụng, đã phải từ bỏ cuộc chơi... Vì thế, hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với họ bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả, kịp thời chính là góp phần vào phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giải quyết việc làm trong bối cảnh các DN xuất khẩu lớn vẫn đang khó khăn.
Chúng ta vẫn thường nói mỗi đợt khủng hoảng là mỗi lần thanh lọc thị trường. Chúng ta cũng đã chứng kiến các cuộc sang tên đổi chủ của nhiều dự án, công trình lớn. Vậy thì những DN tồn tại đến thời điểm này, dù lớn hay nhỏ đều cần được hỗ trợ để bước tiếp. Nếu DNVVN được hỗ trợ bằng gói "siêu ưu đãi" như nói trên thì với các DN lớn cần nới điều kiện để họ có thể tiếp cận vốn. Chúng ta không thể thúc đẩy tăng trưởng mà ngân hàng ứ vốn, thừa tiền trong khi nền kinh tế khát vốn.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần áp dụng câu nói đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc nhở nhiều lần trong chỉ đạo điều hành: "Bối cảnh đặc biệt cần chính sách đặc thù". Đó cũng chính là điều mà cộng đồng DN trong nước đang chờ đợi từ các cơ quan có thẩm quyền trong thực thi các chính sách tài khóa, tài chính ở thời điểm hiện nay.
Hay nói đơn giản thì đã ban hành gói "siêu ưu đãi" lãi vay thì phải biến nó thành "siêu tác dụng".