Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021), chiều nay (11-7), các đại biểu tiến hành thảo luận chung tại hội trường với nhiều ý kiến đóng góp về một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Qua kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ, có 197 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm như: quy hoạch cây trồng, vùng nguyên liệu và có chính sách hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân; tình hình thu hút đầu tư; việc cấp phép sản xuất, kinh doanh than hoạt tính trên địa bàn tỉnh; công tác xã hội hóa giáo dục trong đó có phòng chổng đuối nước; tình trạng thiếu giáo viên cho năm học 2018-2019 sau khi sát nhập…

Công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn đang tìm đến Gia Lai, mở ra cơ hội hợp tác và có tác động lớn đến việc phát triển nguồn thu của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn bởi vẫn còn nhiều vướng mắc. Đại biểu Huỳnh Thế Mạnh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Yang cho rằng: “Cần xác định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc tham mưu UBND tỉnh cấp phép các dự đầu tư. UBND tỉnh cần thành lập hội đồng thẩm định để kiểm tra, xem xét, thẩm định các dự án thu hút đầu tư. Đối với các dự án tỉnh đã cấp phép cho thuê đất nhưng doanh nghiệp không thực hiện, khi hết thời gian quy định thì tỉnh phải rút giấy phép để cho các doanh nghiệp khác thuê”.

đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh

Đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh đề xuất giải quyết những khó khăn trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Ảnh: Đức Thụy

Cùng với đó, một số đại biểu cũng đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng; kiến nghị UBND tỉnh cần có biện pháp xử lý nghiêm các công ty được tỉnh giao đất để triển khai dự án trồng rừng nhưng không thực hiện đúng cam kết, để người dân lấn chiếm đất dự án, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. “Công ty Đức Long được tỉnh giao 764 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pưh để trồng cao su nhưng cho đến nay công ty chưa triển khai. Do công ty này quản lý không tốt nên đã để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm. Tại Chư Pưh còn có Công ty Lê Khanh được tỉnh giao 2.490 ha để trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, sau nhiều lần thu hồi công ty còn hơn 400 ha nhưng công ty không trồng rừng để người dân lấn chiếm. Do vậy, UBND tỉnh sớm đề nghị doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án hoặc ra quyết định thu hồi phần diện tích này giao cho đơn vị khác để khai thác hiệu quả hơn”-đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản và phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp; huy động nhiều nguồn lực để triển khai công tác giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Phương-Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kbang nhấn mạnh: “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục để người dân tiếp cận nhanh với các nguồn vốn vay. Khi đến làm thủ tục đáo hạn, ngân hàng để đến nhiều ngày mới cho vay lại thì người đi vay phải trả tiền lãi vay nóng rất nhiều. Cần giảm bớt các thủ tục rườm rà để người dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất”.

Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu tham gia thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Trước tình trạng tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Phương cũng đề cập và nêu giải pháp: “Trong thời gian qua, tỷ lệ tội phạm này gia tăng, đặc biệt là đối với thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, các tổ chức đoàn thể cần tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để các đối tượng này tham gia nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đã đặt câu hỏi: “Vì sao tình trạng thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm tương đối nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi Gia Lai có Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật nhưng các đối tượng này lại cho rằng chưa bao giờ được nghe phổ biến. Làm thế nào để người dân ít vi phạm pháp luật thì khi đó, trật tự an toàn xã hội mới được ổn định. Đề nghị Mặt trận và các đoàn thể, chính quyền các cấp nhanh chóng vào cuộc.”

Trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu đã phân tích và đề xuất các biện pháp để giải quyết nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân hiện nay như: “tín dụng đen”; tình trạng đuối nước, tự tử; những bất cập trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; chính sách thu hút bác sỹ công tác tại các cơ sở y tế công lập; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Hôm nay (12-7), kỳ họp sẽ tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng và tiến hành bế mạc.

Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kỳ họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm