Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (11-7), kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực.

Câu chuyện giáo dục được quan tâm

Qua thảo luận tại các tổ có 197 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận cao với báo cáo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của hệ thống chính trị nên kết quả 6 tháng đầu năm 2018 đã hoàn thành cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch; kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo ổn định.

 
Các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra những tồn tại và một số vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên cho năm học 2018-2019 sau khi sáp nhập lại trường lớp vẫn còn nhiều. Việc “dạy thay, tăng giờ” sẽ không đảm bảo kinh phí để chi trả cho giáo viên. Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Chính phủ và Bộ Nội vụ cho tuyển đủ giáo viên còn thiếu trong tổng số biên chế được giao hoặc hợp đồng giáo viên (trường công lập) để đảm bảo số giáo viên đứng lớp trong năm học tới. Về biên chế giáo viên, đại biểu Huỳnh Thế Mạnh-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Yang đề xuất tỉnh sớm có kế hoạch tuyển giáo viên đối với số biên chế được giao để đảm bảo điều kiện cho năm học mới, ổn định trường lớp nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Hiện nay, tỉnh còn thiếu đến 2.544 giáo viên, theo định biên (biên chế được giao) thiếu hơn 1.400 giáo viên. “UBND tỉnh đã làm hết trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng thấy được câu chuyện này nhưng bây giờ Bộ Nội vụ không tăng thì lấy đâu ra biên chế để tăng, kể cả công chức và viên chức. Trong các cuộc làm việc, ở bất kỳ kênh nào liên quan mà có Bộ Nội vụ thì ở góc độ cá nhân hay công việc, UBND tỉnh luôn nêu vấn đề này ra để kiến nghị”-đại biểu Huỳnh Nữ Thu Hà thông tin.

 

Đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề cập về tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề cập về tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Đức Thụy

Nói về tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Siu Hương-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, nhận định: “Thời gian gần đây, tình trạng bỏ học ở vùng sâu, vùng xa đã giảm dần nhưng vẫn còn xảy ra. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi thiết nghĩ, các thầy-cô giáo dạy ở vùng sâu, vùng xa cần biết tiếng dân tộc để thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy và vận động học sinh đến lớp, đến trường cũng như gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Song song với đó thì các ngành, các cấp chính quyền cần có giải pháp tích cực ngăn chặn tình trạng này”.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều đại biểu quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả, trong đó có quy định đối với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn hệ thống trường lớp, nhất là công tác xã hội hóa giáo dục mầm non hiện nay còn nhiều vướng mắc cần được hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh cho xây dựng và nhân rộng mô hình trường bán trú theo đặc thù của mỗi địa phương khi nhiều mô hình thí điểm đã giải quyết được mục tiêu số học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng học sinh người dân tộc thiểu số. Công tác xã hội hóa giáo dục trong đó có phòng ngừa tai nạn đuối nước đã được quan tâm. Tuy vậy, đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng hồ bơi như các huyện: Mang Yang, Ia Pa, Đak Pơ…

Băn khoăn về thu hút đầu tư

Công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn đang tìm đến Gia Lai, mở ra cơ hội hợp tác và có tác động lớn đến việc phát triển nguồn thu của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn. Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku, cho rằng: Thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, các nhà đầu tư vẫn chưa có chiến lược lâu dài. Sức ỳ trong triển khai các dự án vẫn còn. Thu hút đầu tư tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách của địa phương. Do đó, việc phân tích, đánh giá nguyên nhân, thực trạng để tìm biện pháp khắc phục là cần thiết; đồng thời tỉnh cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thế Mạnh cho biết thêm: Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Nhiều dự án còn chậm được phê duyệt, cấp phép; nhiều dự án đã cấp phép nhưng chưa triển khai thi công một phần do công tác quy hoạch chưa tốt, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Việc kêu gọi đầu tư hiệu quả chưa cao một phần là do sự phân công trách nhiệm các sở ngành chưa rõ ràng. “Đối với các dự án đã được cấp phép nhưng năng lực của nhà đầu tư hạn chế, không triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh thu hồi. Đồng thời, tỉnh nên thành lập hội đồng kiểm tra, thẩm định cấp phép cho các dự án đầu tư. Tháo gỡ vướng mắc giữa các sở với nhau nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư”-đại biểu Huỳnh Thế Mạnh đề xuất.

Theo đại biểu Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thì công tác thu hút đầu tư trước đây chưa thực sự được quan tâm cũng như chưa có chiến lược cụ thể. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực này đang được tỉnh ưu tiên và hướng tới. “Đây không phải là vấn đề trong một sớm một chiều mà cần có những chiến lược lâu dài. Chúng ta đang tính toán và vấn đề này cần có quá trình cụ thể, có thời gian xử lý. Chúng ta đang hướng tới điện gió, điện mặt trời và ta cũng có tiềm năng, khả năng này; tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào hạ tầng. Sau 3 năm, chúng ta sẽ đánh giá lại hiệu quả…”-đại biểu Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm và đề nghị có giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng rác quảng cáo. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm và đề nghị có giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng rác quảng cáo. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình lâu dài cần thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế. “Theo tôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Gia Lai cần có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể; phải thường xuyên rà soát, đánh giá lại nhằm xác định cụ thể tái cơ cấu ở đâu? với những loại cây gì và hiệu quả mang lại ra sao?”- đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê nêu.

Nói về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Tỉnh ta có các vùng nguyên liệu, nhà máy cũng đã có nhưng vấn đề ở đây là giá cả hơi thấp. Bởi vậy, chúng ta phải làm sao để tăng năng suất và chất lượng. Và mục đích cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả bền vững. Đây sẽ là trách nhiệm trực tiếp của các sở, ngành liên quan. Chúng ta phải thực sự năng động để làm tốt lĩnh vực này”. Cũng theo đại biểu Dương Văn Trang, muốn làm được điều này, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh cần khắc phục những hạn chế, yếu kém về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm.

Làm sao để giảm nghèo một cách bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 13,34%. Hàng năm, những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế… phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, từng bước nâng cao đời sống cũng như trình độ dân trí. Song, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Một số chính sách chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả. Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: “Chúng ta nên đánh giá các chính sách giảm nghèo đã triển khai đúng thực chất chưa? Một thực tế là hiện tại những nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo mới dừng lại ở việc giải ngân, chúng ta chưa giám sát được hiệu quả của nguồn vốn này mang lại. Theo tôi nghĩ, nên quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đó cũng chính là một chính sách giảm nghèo bền vững...”.

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm, đó là: cần quy hoạch lại loại hình dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh; không ít hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả; tình trạng rác quảng cáo tràn lan; tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng…

Hôm nay (12-7), kỳ họp sẽ tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng và tiến hành bế mạc.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm