Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Di dời chợ Hoa Lư: Người dân thông hiểu và chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hôm nay (26-5), nhà lồng chợ Hoa Lư cũ sẽ được tháo dỡ, chấm dứt hoạt động của chợ sau hơn 25 năm. Chợ Hoa Lư mới xây dựng cách chợ cũ hơn 100 mét, sâu vào trong, không lấn chiếm lòng lề đường Cách Mạng Tháng Tám làm nơi mua bán. Chợ Hoa Lư mới xây dựng, hoàn thành cách đây đã 4 năm, song vẫn chưa đưa vào hoạt động do một số hộ kinh doanh ở chợ cũ kiên quyết không chịu di dời.

Có nhiều lý do khiến người dân níu kéo việc ở lại với chợ cũ: Đó là sự ổn định trong kinh doanh, buôn bán lâu nay, giờ đến điểm mới, phập phồng không biết thế nào. Một số hộ xây dựng ki-ốt, điểm kinh doanh cũng là chỗ ở, vào chợ mới sẽ mất sự thuận tiện này. Từ chỗ bất an khi phải thay đổi vị trí kinh doanh, số hộ này có 2 lý do để họ kiên quyết phản đối phải đi: Một là hợp đồng với UBND phường Hoa Lư vẫn chưa hết hiệu lực (hợp đồng 30 năm, đến nay còn 4 năm); hai là chợ Hoa Lư mới có một số điểm bất hợp lý trong thiết kế. Trong số 86 hộ có đăng ký kinh doanh ở chợ Hoa Lư cũ đến ngày 23-5 vẫn còn 16 hộ phản đối.

 

 

Chiều 23-5, Thường trực Thành ủy Pleiku đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con tiểu thương ở chợ Hoa Lư cũ và giải đáp, sẻ chia với họ. Ngay ngày hôm sau (24-5) mặc dù chiều muộn, song 86 hộ này đã  đồng ý bốc thăm để vào vị trí trong chợ Hoa Lư mới, đồng thuận di dời chợ.

Việc xây dựng chợ Hoa Lư mới là lẽ đương nhiên, bởi vị trí chợ cũ đã không còn phù hợp. Nếu như gần 30 năm trước, đường Cách Mạng Tháng Tám qua khỏi chợ Hoa Lư một tí về phía Trà Đa, đường sá xuống cấp, dân cư thưa vắng, và... không có đường, mật độ người xe đi lại trên đường thấp, vị trí chợ cũ như vậy là phù hợp. Sau này, đường Cách Mạng Tháng Tám đã thông suốt, kết nối, cộng với việc làm mới đường Tôn Thất Tùng và hàng loạt đoạn đường xương cá mở ra, dân cư đông đúc khiến cho nạn kẹt xe ở đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn chợ Hoa Lư ngày một tăng cao. Môi trường ô nhiễm, chợ cũ ọp ẹp rất thiếu mỹ quan...

Nhà nước bỏ ra mười mấy tỷ đồng xây dựng chợ Hoa Lư mới không nhằm mục đích kinh doanh mà là để phục vụ người dân, bao gồm những người đang buôn bán sinh sống ở đây; những người có nhu cầu mua bán, và cả những người đi lại qua đoạn đường này. Đồng thời cũng là tạo dựng cảnh quan văn minh, hiện đại của đô thị Pleiku, đang hướng đến đô thị loại I. Lãnh đạo phường Hoa Lư, lãnh đạo TP. Pleiku và cả lãnh đạo tỉnh không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của dân trong việc xây dựng chợ mới.

Một công trình thuần túy vì phúc lợi xã hội. Vì thế việc một số người dân chịu ảnh hưởng, trong đó có thể thiệt thòi về quyền lợi cần thấu hiểu và chia sẻ với lợi ích chung của cộng đồng, với chính quyền các cấp. Chính quyền điều hành ngân sách theo các quy định của pháp luật, ai cũng muốn chi trả tiền cho bà con, người dân của mình thật nhiều, để họ an vui, song việc đền bù hỗ trợ thế nào đều nằm trong giới hạn quy định cho phép. Việc ai đó mất đi một phần lợi ích của mình là thiệt thòi, song sự mất mát này vì chỉ mục đích cộng đồng, hy sinh đáng tự hào.

Sau nhiều lần vận động thuyết phục không hiệu quả, lần này, cơ quan chức năng đã chuẩn bị phương án xử lý các trường hợp quá khích, chống đối (nếu có) trong việc tháo dỡ nhà lồng. Tuy nhiên, đến chiều 24-5, Chủ tịch UBND TP. Pleiku tâm sự với chúng tôi rằng 100% số hộ ở đây, qua đối thoại với lãnh đạo TP. Pleiku đã thông hiểu, chia sẻ, chấp nhận bốc thăm chọn vị trí trong chợ mới. Có thể sau bốc thăm, sẽ có người vui và có người không vui, song cuộc sống, khó mãn nguyện được với tất cả mọi người. Mỗi người chấp nhận hy sinh một tí, chịu thiệt một tí thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm